"Bà đồ" giữ lửa thư pháp
Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật kén người theo bởi đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và khéo léo, đặc biệt là sự “cảm” chữ của người viết để thổi hồn vào mỗi nét bút.
Cô Trần Thị Minh Hiếu viết thư pháp mỗi ngày. |
Mê thư pháp từ nhỏ
Hơn 40 năm gắn bó với nghề viết thư pháp, cô Trần Thị Minh Hiếu (SN 1965, ngụ tại 74/14/2 Trương Công Định, phường 3, TP. Vũng Tàu) hàng ngày vẫn nỗ lực mang thư pháp đến với mọi người như một cách bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, lan tỏa tình yêu nghệ thuật thư pháp.
Mời tôi ly trà nóng, cô Hiếu vừa kể về mối duyên với nghề múa chữ: Tôi đam mê thư pháp từ những ngày còn là học sinh, mỗi lần đi ngang qua phố thấy các ông đồ viết thư pháp là tôi đứng lại nhìn rất lâu, nhìn từng nét, từng nét rồi tự mình mua dụng cụ về mày mò tập viết. Niềm đam mê ấy cứ dần dà lớn hơn và cô cũng bắt đầu ấp ủ ước mơ được trở thành một bà đồ chuyên nghiệp.
Mới đó mà nay đã gần 40 năm theo nghề. Cô bắt đầu gắn bó với thư pháp từ năm 1982 cho đến nay. Một ngày cô có thể viết hàng trăm bức thư pháp, câu đối khi lượng khách đặt nhiều. Cô cũng dạy miễn phí cho những ai có niềm đam mê với thư pháp. Chị Tôn Nữ Ngọc Anh (TP.Vũng Tàu) được “bà đồ” Minh Hiếu “chọn mặt gửi vàng” đã dạy cho chị trong gần năm nay. Đến nay chị Ngọc Anh đã có thể “múa bút” trên nhiều loại chất liệu khác nhau và mở tiệm bán tranh thư pháp cho khách địa phương và du lịch.
40 năm nay, cô Hiếu say mê cảm nhận cái hay, cái đẹp trong từng câu chữ. Cứ thế, bằng sự cố gắng từng ngày, cô Hiếu đã tự học qua sách vở. Cô Hiếu chia sẻ thêm trong thư pháp từ cách thức đường nét, kỹ xảo cần hòa quyện để tạo thành một tác phẩm đẹp, vì vậy nghệ thuật viết thư pháp đòi hỏi không chỉ dừng lại ở việc viết chữ đúng, luyện quen tay mà còn thể hiện sự sáng tạo không ngừng.
Tuy mỗi người tìm đến thư pháp với mục đích khác nhau nhưng tựu chung đều vì sự yêu mến và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống. Chị Nguyễn Kiều Oanh (30 tuổi, TP. Vũng Tàu) cho biết: Tôi là khách hàng thường xuyên mua tranh và “xin chữ” của cô Hiếu. Tôi thấy tranh vẽ và chữ thư pháp của cô rất đẹp, sống động...
Cô Trần Thị Minh Hiếu bên các chậu hoa tự tay cô làm ra. |
Đưa thư pháp vào gỗ, đá…
Ngoài viết thư pháp lên giấy, cô Hiếu còn viết lên gỗ, đá và chậu cảnh. Với bàn tay khéo léo ấy, cô Hiếu tự làm hoa nghệ thuật từ vải voan, lụa và xốp. Khi xong các tác phẩm của mình, mỗi chậu hoa cô sẽ viết một câu thư pháp gắn với một câu chuyện đời thú vị.
Cô chia sẻ: “40 năm trong nghề viết thư pháp, hơn 20 năm gắn bó với hoa nghệ thuật, tôi chưa bao giờ ngừng sáng tạo. Mỗi bông hoa, với tôi, đều phải là một sản phẩm độc bản, kể một câu chuyện riêng, mang tâm hồn riêng. Tôi bị cuốn hút bởi sự tinh tế, vẻ đẹp tự nhiên, cái hồn của từng bông hoa lụa, hoa voan. Những bông hoa ấy gắn với tôi như là duyên phận”.
Năm 2000, cô bắt đầu thực hiện đam mê bằng việc cắm hoa lụa vào lọ sứ rồi viết thư pháp lên để tặng cho bạn bè và kinh doanh. Để có được những bông hoa lụa đẹp, cô chọn loại lụa cao cấp tại chợ Vũng Tàu và làm bằng phương pháp thủ công. Từng cánh hoa, chiếc lá, nhụy hoa và phấn hoa đều được làm vô cùng tinh xảo đến nỗi không phân biệt được giữa hoa tươi và hoa lụa. Cô còn kỳ công sáng tạo ra cách làm sao cho hoa lụa không chỉ có “sắc” mà còn có “hương”.
Nhiều khách hàng trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã ưu ái lựa chọn mua hoa của cô Hiếu bởi sản phẩm có độ bền tốt và điều quan trọng là những bông hoa luôn có hồn, có sắc giống hoa tươi, lại kèm thêm những nét thư pháp bay bổng, ý nghĩa trên mỗi chậu hoa. Chậu hoa nhỏ cô làm xong trong 1 ngày với giá 500.000 đồng. Chậu hoa lớn cô làm trong 2 ngày có giá 1.500.000 đồng. |
Cô Hiếu bộc bạch: “Từ những bông hoa lụa, hay hoa xốp tôi phải nghiên cứu, sáng tạo ra phong cách cắm phù hợp với từng loại hoa. Có loại hoa phù hợp với phong cách cắm hiện đại, có loại lại phù hợp với phong cách cổ điển… Mọi người chủ yếu đặt hoa đào, hoa mai và bon sai. Tuy nhiên, tất cả các phong cách làm hoa tôi đều hướng về tự nhiên. Để tạo được sự tự nhiên cho những lọ hoa phải tỉ mỉ, tinh tế trong việc chọn mẫu bình làm sao để viết thư pháp lên đẹp nhất rồi chọn lá và hoa điểm. Chính các chi tiết nhỏ là yếu tố quan trọng làm nên vẻ đẹp tự nhiên cho từng lọ hoa”.
Chị Bùi Bạch Vân (TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi là người yêu hoa và bị cuốn hút bởi sự độc đáo, tinh tế trong mỗi lọ hoa do cô Hiếu làm. Hoa ở đây giống hoa thật từng chi tiết nhỏ như nhụy hoa, lá, cành hoa. Nhiều năm qua, hoa của cô Hiếu luôn là sự lựa chọn số 1 của tôi để tặng bạn bè, thầy cô. Với những lọ hoa xinh xắn ấy đã tạo sự ấm cúng, hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ nhắn của tôi”.
Bài, ảnh: THIÊN KIM