Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi tới thư viện công cộng gần nhà để làm thẻ thư viện. Chỉ trong vòng 5-10 phút, mất vỏn vẹn 20 ngàn đồng phí làm thẻ, tôi đã thực hiện xong thủ tục để trở thành độc giả của thư viện và có thể mượn tài liệu ngay tức thì.
Đọc sách tại Phòng đọc Tổng hợp Thư viện tỉnh. Ảnh: HUYỀN TRANG (Ảnh minh họa) |
Tôi nhớ, nhiều năm trở về trước, hầu hết các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành hoặc các thư viện của các trường ĐH đều chọn hình thức phục vụ thông qua phiếu yêu cầu. Khi ấy, độc giả thường phải tra cứu tên, mã số tài liệu từ hệ thống máy vi tính hoặc từ những hộp danh mục rồi viết phiếu yêu cầu. Sau đó chuyển phiếu yêu cầu tới thủ thư và… chờ đợi. Quy trình mượn sách, tài liệu khá dích dắc và tốn thời gian.
Thế nhưng, giờ đây, với sự trợ giúp của các thiết bị kiểm soát tài liệu và quản lý người đọc, hầu hết các thư viện đã chuyển sang hình thức phục vụ tự chọn. Điều này khiến cho việc lưu thông tài liệu thư viện trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng và dễ chịu hơn. Bản thân tôi cảm thấy rất thoải mái khi được tự tay lựa chọn, lật giở những cuốn sách để xem xét, cân nhắc trước khi mang tới bàn thủ thư quét mã vạch để làm thủ tục mượn sách.
Một buổi chiều thứ Sáu, khi đến thư viện, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của một độc giả nữ lớn tuổi với hai nhân viên thủ thư. Cô nói rằng muốn tìm đọc một vài cuốn tiểu thuyết hiện đại và ngỏ ý nhờ các chị thủ thư giới thiệu giùm một số tiểu thuyết nổi tiếng. Đáp lại sự hồ hởi của cô, chị thủ thư, với thái độ nhàn nhạt chỉ về phía những kệ sách văn học nước ngoài và bảo cô tới đó tìm kiếm. Khi ấy, tôi thấy trong mắt cô ánh lên điều gì đó. Như là sự thất vọng…
Vài ngày sau, tôi lại tới thư viện để mượn phần 2 của cuốn sách đang đọc dở. Nhưng loay hoay một hồi khá lâu giữa những kệ sách, tôi vẫn không tài nào tìm ra cuốn sách cần tìm. Cuối cùng, tôi đành trở lại chỗ nhân viên thư viện để được trợ giúp. Chị thủ thư chỉ nhìn lướt qua tên cuốn sách rồi bảo: “Em đi thẳng tới dãy thứ 2 rồi tìm ở kệ ngay bên tay trái”. Rồi không hề rời vị trí, chị lại tiếp tục quay trở lại với màn hình máy tính. Dù hơi hụt hẫng trước sự trợ giúp của chị thủ thư, nhưng theo chỉ dẫn, tôi vẫn quay trở lại với những kệ sách một lần nữa và kiên trì tìm kiếm.
Sau 15 phút hoa mắt dò cả trăm đầu sách, cuối cùng, tôi đành bỏ cuộc dù trong lòng vẫn còn lưu luyến với cuốn sách đang đọc dang dở. Và khi tôi quay ra, chị thủ thư cũng không mảy may hỏi lại xem tôi có tìm được cuốn sách mong muốn hay không.
Những câu chuyện gặp phải ở thư viện khiến tôi nhớ tới câu nói của James I. Wyer, một học giả Mỹ: “Người cán bộ thư viện chính là linh hồn của thư viện”. Là một độc giả, tôi cho rằng điều này đúng trong quá khứ với loại hình thư viện truyền thống và trong hiện tại với thư viện “thông minh”, nhận định đó vẫn là một chân lý. Bởi dù với loại hình nào, tài liệu trong thư viện có được sử dụng và khai thác một cách triệt để hay không phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của nhân viên thủ thư.
Nhân viên thủ thư không phải chỉ là người cho mượn sách, mà là một hướng dẫn viên trong thư viện, nơi vốn được coi là “đền đài của văn hóa và sự uyên thâm”. Công việc của người thủ thư không phải chỉ là việc kiểm tra danh mục để tiến hành thủ tục cho độc giả mượn tài liệu theo một quy trình tẻ nhạt lặp đi lặp lại. Người thủ thư phải là người giới thiệu, định hướng, thậm chí truyền cảm hứng cho độc giả tới thư viện. Họ phải giới thiệu được những cuốn sách “best-seller”, biết được những tác giả có sách bán chạy, thậm chí nắm được nội dung tinh thần của tài liệu… Để chỉ cần độc giả nói ra nhu cầu của mình, nhân viên thư viện có thể gợi ý, hướng dẫn cho độc giả nên đọc những cuốn sách nào hoặc truy cập vào đâu để tìm kiếm được thông tin.
Tại Việt Nam, xét riêng trong hệ thống thư viện công cộng, người Việt chưa đọc được… 1 quyển sách/năm. Những con số biết nói ấy đã chỉ ra rằng việc đọc sách của người Việt rất hạn chế, đặc biệt là trong việc sử dụng dịch vụ thư viện để đọc sách.
|
Riêng tại BR-VT, để phát triển văn hóa đọc, tỉnh đã sớm xây dựng và triển khai Đề án phát triển ngành thư viện theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT của Bộ VHTTDL. Song, thực trạng người dân sử dụng dịch vụ thư viện cũng chưa thực sự khả quan. Tính đến năm 2019, chỉ có 17.566 người dân tham gia làm thẻ thư viện để được sử dụng các dịch vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện công cộng (không tính hệ thống thư viện ngành GD-ĐT), chiếm khoảng 1,5% dân số toàn tỉnh. Đây là một tỷ lệ quá thấp so với mục tiêu phát triển văn hóa đọc theo mục tiêu đặt ra tại Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ, là 20% -25%.
Từ những minh chứng ấy, có thể thấy rất ít người mặn mà với thư viện công cộng. Do đó, bên cạnh sự phong phú về tài liệu thì chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là thái độ phục vụ của thủ thư với bạn đọc là yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút và giữ chân độc giả.
Là một người đọc, chắc không ai muốn đến hoặc muốn trở lại với một thư viện mà lượng tài liệu cũng “nghèo nàn” như chính thái độ phục vụ của thủ thư. Và chắc chắn cũng ít người muốn trở lại với những thư viện đồ sộ nhưng không có “linh hồn”, nhân viên thư viện phục vụ một cách hời hợt, lạnh nhạt, khiến cho độc giả có cảm giác bị “bỏ rơi”, thậm chí bị lạc lối giữa một “rừng” tài liệu.
Trong Đề án phát triển văn hóa đọc tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế, cũng chính là những nguyên nhân khiến cho dịch vụ thư viện chưa được “ưa chuộng”. Trong đó, có nói tới nguyên nhân hệ thống hạ tầng thư viện xuống cấp, hệ thống thiết bị chuyên dùng thiếu thốn, không đồng bộ, vốn tài liệu thiếu thốn.
Cùng với đó là những hạn chế về cơ chế chính sách cho người làm công tác thư viện hay hoạt động thúc đẩy phong trào đọc chưa tác động sâu rộng đến mọi đối tượng… Có quá nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Thế nhưng, Đề án lại không chỉ ra được những bất cập trong công tác phục vụ người đọc, trong khi đây được xem là công tác quan trọng nhất của thư viện.
Tương tự, trong số các giải pháp tăng cường hoạt động thư viện cũng chỉ đề cập chung chung tới việc: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện, tổ chức hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hội nhập, phát triển”.
Bản thân tôi nghĩ rằng chỉ vậy thôi là không đủ. Phải làm sao để mỗi nhân viên thư viện nhận thức được vai trò của mình, có ý thức tự trau dồi, học hỏi, phục vụ người đọc bằng sự tận tâm, nhiệt tình, để hoạt động phục vụ độc giả trở nên sống động, tài liệu của thư viện đến được với độc giả và phục vụ độc giả một cách hữu ích nhất. Đừng chỉ tập trung xây dựng nên những “kho tri thức”, những “đền đài văn hóa” đồ sộ, tích hợp đủ mọi loại công nghệ hiện đại nhưng phần quan trọng nhất, là “linh hồn” của “đền đài” thì lại thiếu vắng…
|
HOÀNG DƯƠNG
;