Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa cho phát hành tuyển tập thơ khá dày, trên 500 trang, khổ lớn, giấy tốt với tập hợp thơ của 108 nhà thơ trên mọi miền đất nước “Biển bắt đầu từ sóng”. Tuyển tập thơ do Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên, tranh bìa của Nguyễn Quang Thiều khá ấn tượng. Với một tập thơ tuyển mỗi nhà thơ đóng góp 5 bài, không chỉ tạo nên độ dày của “công trình” mà còn mang đến những khác biệt màu sắc trong thơ của 108 nhà thơ thì “Biển bắt đầu từ sóng” là cuốn sách gây ấn tượng đối với thị trường chữ nghĩa đang rất khó chọn lựa cho những người đọc sách và yêu sách. Đặc biệt là với thơ.
Tôi không muốn rườm rà, hoa lá cành gọi Nguyễn Ngọc Hạnh là nhà thơ trước tên họ của anh. Bởi khi nói đến Nguyễn Ngọc Hạnh người trong giới văn nghệ đã biết anh là nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh công tác và thường trú ở Đà Nẵng. Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn về Nguyễn Ngọc Hạnh một chút, anh là nhà thơ có tâm, có lửa đam mê với nghề và say đắm với thơ ca, một công việc mà anh đã lựa chọn và theo đuổi cho cả cuộc đời mình. Tôi không quen nhiều với Nguyễn Ngọc Hạnh nhưng có theo dõi anh. Một lần, cách đây rất lâu anh nhắn tin đề nghị tôi gửi cho anh một chùm thơ, ảnh chân dung để anh in vào số báo cuối tuần mà anh phụ trách phần văn nghệ. Hình như báo Đà Nẵng, và thế là tôi quen Nguyễn Ngọc Hạnh từ hôm ấy.
Và rồi mới đây, Nguyễn Ngọc Hạnh lại nhắn tin bảo tôi gửi cho anh ít nhất 5 bài thơ, tiểu sử văn học trích ngang, quan niệm về thơ và cái ảnh chân dung để anh in trong tuyển tập thơ do anh chủ biên. Tôi cứ nghĩ in một tập thơ thì tương đối dễ, nhưng in một tuyển tập thơ với trên 500 bài của 108 tác giả thì thật không đơn giản. Không chỉ khó cho người tuyển chọn mà khó cả cho những tác giả được mời vào tuyển tập vì nhà thơ nào cũng có một “cõi riêng” mà đứng chung một “bầu trời” thì không khéo lại có sự phân biệt “chiếu trên, chiếu dưới”, không ai chấp nhận “đứng chung” với ai. Rồi thì, sự dũng cảm của Nhà xuất bản dám in một tuyển tập thơ dày cộm, nặng tay nhưng cũng nặng kinh phí trong thời buổi thơ không được độc giả mặn mà như những thể loại khác.
Và rồi hôm nay tuyển tập thơ do Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên đã ra mắt. Với Lời mở đầu của Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng Nguyễn Kim Huy, lời tựa của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Từ cách trình bày bìa, Lời mở đầu đến Lời đề tựa cho thấy có sự nghiêm túc và đúng mực văn chương. Chân dung của 108 nhà thơ và chất giọng thơ góp mặt vào tuyển tập “Biển bắt đầu từ sóng” cho thấy sự khác biệt trong một đề tài chung là nói về biển, một vấn đề rất cũ xưa nhưng lại rất nóng hổi tính thời sự. Mỗi nhà thơ, bằng cách nhìn về biển trước mặt, qua hình ảnh của những con sóng bình lặng hay thét gào đều nói lên tình tự quê hương. Hình tượng “Sóng bắt đầu từ biển”, cũng chính là hình tượng “Quê hương bắt đầu từ biển”. Dù thể hiện bằng tình yêu lứa đôi hay tình yêu quê hương, biển vẫn là đường dẫn tới trái tim mang tình tự của dân tộc.
In thơ trong thời buổi thơ mất giá nếu không tâm huyết và đủ dũng cảm thì người ta sẽ rất dè đặt. Vì thế tôi gọi Nguyễn Ngọc Hạnh là nhà thơ tâm huyết, có lửa đam mê và say đắm với thơ? Bởi hiện nay, việc làm thơ, sống với thơ, giữ cho mình có lửa để sáng tác đã rất khó, còn quan tâm tới anh em, tập hợp thơ của bạn thơ để in thành một tuyển tập thơ “nặng ký” lại càng khó khăn hơn. Nếu Nguyễn Ngọc Hạnh không có lửa đam mê, tâm huyết, say đắm với thơ thì hơi sức đâu mà làm cái chuyện “ăn cơm nhà đi vác ngà voi?” Chọn thơ mình để in đã khó, chọn thơ thiên hạ mà chọn thơ của 108 nhà thơ càng cực khó khăn. Bên cạnh cái khó của người chủ biên tuyển tập, cho thấy cái khó của cả Nhà xuất bản Đà Nẵng. Nhưng họ đã làm được. Và thật đáng trân trọng.
“Biền bắt đầu từ sóng”. Và luôn là như thế. Cũng như “Biển bắt đầu từ quê hương” hay ngược lại. Tôi hiểu được ý nghĩa của thông điệp mà tuyển tập thơ này muốn đưa ra như một vấn đề thời sự đáng được quan tâm.
TỪ KẾ TƯỜNG