Sở VH-TT sẽ tiếp tục tham vấn các cơ quan chuyên sâu về lịch sử để cho ý kiến về các chi tiết liên quan đến lịch sử, trên cơ sở đó đề xuất các ý kiến yêu cầu đơn vị điều chỉnh các chi tiết cho phù hợp. Đó là nội dung báo cáo mới nhất về kết quả kiểm tra việc xây dựng tượng đài tại Hồ Mây Park của Sở VH-TT.
Hội đồng nghệ thuật thẩm định tượng Trần Hưng Đạo trên Hồ Mây Park. |
Theo công văn báo cáo nói trên, công trình tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nằm trong quần thể 14 bức tượng gồm: Quốc tổ Hùng Vương, vua Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Hoàng đế Quang Trung, vua Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Đại Hành, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Hai Bà Trưng và 1 bức phù điêu chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các tượng trên đứng độc lập, chất liệu bằng bê tông, sơn nhũ vàng, kích thước mỗi tượng cao khoảng 2m. Riêng tượng Trần Hưng Đạo cao 3m được đặt trên bệ, trong Đền thờ khuôn viên Nhà trưng bày các anh hùng dân tộc được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Hồ Mây Park, được Sở Xây dựng cấp giấy phép số 47/GPXD ngày 10/7/2018. Thi công và hoàn thành trong năm 2018.
Tuy nhiên, Sở VH-TT cũng nêu một số vi phạm trong lĩnh vực xây dựng bức tượng trên. Cụ thể, Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu, chủ đầu tư Hồ Mây Park chưa thành lập Hội đồng nghệ thuật ngay khi triển khai dự án để tư vấn về nghệ thuật; chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng phần mỹ thuật công trình. Sở VH-TT đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính do có hành vi “Xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng không có giấy phép theo quy định”. Sau khi rà soát, cập nhật lại các văn bản quy phạm pháp luật thì quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trên đã được bãi bỏ tại khoản 3 Điều 85 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022.
Sở VHTT cũng cho biết thêm, qua tra cứu và liên hệ nắm thông tin từ Bộ VH-TT-DL, một số cán bộ làm công tác đối ngoại thì tại Việt Nam hiện nay không áp dụng Công ước nào về văn hóa tượng đài danh nhân cưỡi ngựa. Còn đối với chi tiết Trần Hưng Đạo không cưỡi ngựa mà cưỡi voi đen và dùng kiếm chứ không dùng trường đao hiện nay chưa đủ các tư liệu lịch sử để xác định. Sở VH-TT đã có văn bản tham vấn các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử tỉnh và đang đợi ý kiến phản hồi.
Sở cũng đưa ra đề xuất xử lý các vi phạm của Hồ Mây Park gồm: yêu cầu chủ đầu tư rà soát toàn bộ các tượng được xây dựng trong khuôn viên; thành lập Hội đồng nghệ thuật để tư vấn về mặt nghệ thuật đối với các bức tượng; hoàn chỉnh hồ sơ gửi UBND tỉnh để xem xét cấp phép xây dựng phần mỹ thuật của công trình. Sở sẽ tiếp tục tham vấn các cơ quan chuyên sâu về lịch sử để cho ý kiến về các chi tiết liên quan đến lịch sử, trên cơ sở đó đề xuất các ý kiến yêu cầu đơn vị điều chỉnh các chi tiết cho phù hợp.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền bài viết của tác giả P.N.D (Trạng Tèo), kèm theo hình ảnh vị tướng Trần Hưng Đạo cưỡi ngựa, cầm đao cho rằng bức tượng không phù hợp ở các điểm như: Trần Hưng Đạo không cưỡi ngựa mà cưỡi voi đen; không dùng trường long đao mà dùng kiếm; hình ảnh ngựa lồng hai chân trước sai khác so với Công ước quốc tế; sao chép hình ảnh Quan Vân Trường... làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Ngay sau đó, Sở VH-TT đã thành lập Hội đồng Nghệ thuật thẩm định gồm Sở VH-TT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh, Sở Xây dựng, các họa sĩ, nhà điêu khắc là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tiến hành kiểm tra, làm việc cùng Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu, đối chiếu nguồn cứ liệu, tài liệu và đi đến kết luận trên.
Hội đồng nghệ thuật khi thẩm định tượng Trần Hưng Đạo tại Hồ Mây Park chỉ ra rằng bức tượng chưa thể hiện nổi bật thần thái của vị tướng Trần Hưng Đạo, có những chi tiết chưa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Tư thế cưỡi ngựa, cầm đao dễ liên tưởng tới hình ảnh Quan Vân Trường. Trong khi đó, hầu hết các bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đều lấy tư thế, vóc dáng danh tướng đứng thẳng, đeo kiếm, chỉ tay ra xa hoặc cầm cuốn binh thư yếu lược.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA