Mùa hoa đỏ

Thứ Sáu, 13/05/2022, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

“Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi. Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi...”.

Mùa hoa đỏ. Ảnh: LINH ĐAN
Mùa hoa đỏ. Ảnh: LINH ĐAN

Lại một mùa hoa phượng nữa trở về. Một cảm giác xao xuyến, tiếc nuối lại tấy đỏ lên trong tim, khi tôi nhìn những chùm hoa gợi nhiều kỷ niệm rơi xuống. Thời thiếu nữ say mê ấy đã xa lắm rồi nhưng như tất cả các cô gái, chàng trai đã từng đi qua tuổi học trò mộng mơ, cái màu hoa đỏ diệu kỳ đó vẫn như in trong tâm trí tôi.

Đó là những  ngày tháng năm nắng nồng oi ả, khi những chùm hoa phượng sớm như những đốm lửa đỏ bắt đầu thắp sáng nơi góc sân trường. Tôi cùng lứa bạn bè cuối cấp ngồi dưới gốc cây hoặc ôn bài hoặc tranh cãi về kết quả các kỳ kiểm tra.

Gần cuối trưa thì mắt tôi bắt đầu nhấp nháy bay qua hàng rào râm bụt phóng sang trường dạy nghề bên kia đường, thường cứ tầm mười một rưỡi thì cái dáng cao gầy, già dặn của anh xuất hiện ở cổng trường. Anh đứng bẽn lẽn đợi tôi bên chiếc xe đạp cũ, vốn là nỗi xấu hổ khôn nguôi của tất cả những thanh niên nghèo hồi đó.

Khi tôi lếch xếch chạy ra, câu đầu tiên anh hỏi bao giờ cũng là: Em đợi có lâu không? Câu thứ hai, khi tôi đã ngồi yên vị trên yên xe là: Trưa nắng, ngồi xe đạp như thế này em mệt lắm phải không? Làm như không phải anh mà là tôi mới là người cuồng chân đạp vậy.

Thường thì tôi chẳng trả lời nhưng đôi khi tôi cũng nhăn mũi lại trêu anh: Em không mệt nhưng anh thì chắc “phình phường” phải không!? Anh là thanh niên mà bé ơi! Anh là thanh niên già mà bé ơi thì đúng hơn! Ngồi đằng sau nhưng tôi cũng biết khuôn mặt của anh đang xịu xuống nên lại phải dỗ dành: Nhưng mà thanh niên già này là một mỹ nam hiếm có khó tìm nên ngồi sau xe anh ta cũng thật là hãnh diện.

Anh đẹp trai, ai cũng dễ dàng nhận thấy điều ấy. Thời xưa, ăn uống kém nhưng anh vẫn cao gần mét tám. Dáng thẳng, da trắng, mắt sáng, trán cao, anh đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một cô nàng theo chủ nghĩa duy mỹ, yêu cái đẹp như tôi.

Chỉ có điều anh nghèo. Bố mẹ mất sớm. Anh sống cùng anh trai, học hết cấp hai, anh đã phải đi làm thêm để có tiền đóng học phí đi học bổ túc cấp ba. Hai hai tuổi, khi bạn bè cùng thời đã tốt nghiệp đại học thì anh mới bước chân vào trường dạy nghề. Thế nên một số bạn bè tôi, đôi khi lời ra tiếng vào về chuyện anh quen tôi vì gia cảnh tôi khá giả. Điều ấy làm tôi bực bội.

Mặc dù bản thân tôi hình thức chẳng bằng anh nhưng khuôn mặt tôi cũng thuộc dạng mắt to, mũi nhỏ, môi đỏ, má hồng khá xinh đấy chứ. Còn nếu như dáng dấp tôi chẳng được “Vóc thanh như liễu, điệu gầy như mai”, nói trắng ra là lùn thì đã có anh cao bù lại rồi. Quan trọng là tôi luôn cảm thấy thật thoải mái, hạnh phúc khi ở bên anh.

Những buổi chiều cùng nhau leo dốc núi. Những buổi tối cùng nhau tới chân cột điện học bài. Những lần giận hờn rồi xin lỗi, làm lành. Những món quà xinh xinh anh tự chế. Những bông hoa dại đủ màu sắc anh hái trên đồi. Những cây đèn lồng đỏ làm từ hoa râm bụt luôn đung đưa mong manh dưới sợi lõi tơ.

Những trái quít, ổi, nhãn theo mùa mà anh có được nhờ vào tài leo trèo và ẩn mình khéo léo như thằn lằn của mình. Tất cả mọi cái ở anh đều làm cho tôi yêu thích. Anh không biết làm thơ nhưng anh chịu đọc sách và biết cách góp ý chính xác cho những tác phẩm ngây ngô thời đó của tôi.

Những kỷ niệm với anh kết thành một tấm thảm dày và luôn sống động trong tâm trí tôi. Khi ấy tôi còn quá nhỏ nên không và chưa bao giờ nghĩ rằng những ngày tươi đẹp đó sẽ qua như cơn mưa rào mùa hạ.

Cho đến bây giờ khi bao mùa phượng đỏ đến rồi đi, khi con đường đất mọc đầy cỏ dại đã thành đường  nhựa, hàng cây bạch đàn non nớt thuở xưa giờ đã cho bóng mát, mọi thứ đều đã khác ngày xưa, tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Tại sao mối tình  thanh xuân của tôi  lại tan vỡ dễ dàng như thế? Anh rời khỏi tuổi mười tám của tôi như sợi tơ đứt làm rơi chiếc lồng đèn bằng hoa râm bụt. Người ta nói, đối với phụ nữ tình yêu là tất cả nhưng đối với người đàn ông thì sự nghiệp được đặt lên hàng đầu.

“Anh ra đi để tạo dựng công danh. Nơi người ta biết nhìn người, biết sử dụng khả năng của anh”. Anh đã từng nói thế và khi nói như vậy, giọng anh đanh lại, khác hẳn cái giọng ngọt ngào, vui vẻ trẻ thơ anh vẫn nói với tôi. Dù chỉ là cô bé con chưa từng biết đến những đắng cay tủi cực ở đời, tôi vẫn đọc được trong câu nói đó những uất hận, căm phẫn của một anh công nhân nghèo bị la mắng. Những cay đắng chán chường của một đứa em bị anh chị coi thường vì không kiếm ra tiền, cả sự ganh ghét và lo sợ ngấm ngầm khi nhìn những chiếc xe bóng loáng đậu trước cửa nhà tôi.

Tôi biết rằng anh mang nặng mặc cảm về thân phận mình nhưng tại sao anh không chịu hiểu rằng tôi yêu anh và tình yêu có thể làm nên tất cả. Tôi có cần gì những phú quý vinh hoa hay là những món quà đắt giá của những người theo đuổi đâu. Chỉ có điều tôi không thể  nói ra những câu có vẻ sến súa, ngôn tình như thế được.

Tôi vẫn chỉ là cô tiểu thư mười tám tuổi nhõng nhẽo và quen được cưng chiều, nên buổi tối mùa hạ oi nồng hôm đó, tôi đã thốt lên trong nước mắt:

- Nếu anh coi trọng đồng tiền hơn em thì anh cứ đi đi!

Và sau đó tôi quay ngoắt người, bỏ chạy vào trong nhà. Tôi không nghĩ là lời nói của anh là thật. Tôi không nghĩ là anh lại dám rời xa tôi dễ dàng như thế. Một tuần. Hai tuần. Rồi một tháng, hai tháng... Một năm, hai năm. Tôi mỏi mòn trong sự đợi chờ. Những vần thơ như buồn hơn, cay đắng hơn. Tôi không gửi chúng đi, tôi cũng không đọc cho ai nghe nữa.

Mẹ bảo con gái mẹ sao cứ càng ngày càng ốm đi, càng ngày càng ít giao du bạn bè. Bố bảo con gái bố sao càng ngày càng ít có thơ, truyện, đăng báo. Tôi không còn muốn làm hãnh diện cho bố mẹ bằng những cảm xúc giả nữa. Tôi vùi đầu trong việc học để thi đậu vào sư phạm. Thời gian rảnh tôi dành trọn cho những kỷ niệm với anh.

* * *

Bây giờ đã là mùa hoa phượng thứ bao nhiêu kể từ ngày anh ra đi rồi. Em đã không còn là cô tiểu thư mười tám tuổi để mà tin rằng có tình yêu là sẽ có tất cả, nhưng em cũng không muốn tin chỉ vì những mặc cảm về tiền bạc mà tình đầu đẹp như thế, thơ mộng như thế lại phải chia xa.

Em vẫn chờ! Em vẫn chờ một ngày nào đó anh sẽ quay lại tìm em nói với em là anh đã chán ngán cái thế giới bon chen thực dụng bên ngoài. Rằng anh đã trở về đây với em, với bến bờ bình yên, nơi có loài hoa phượng cháy, những buổi trưa trốn nhà đi xuống làng câu cá.

Những tối hai anh em ngồi học bài cười hoài vì thấy bóng mình in trên vách chập vào nhau làm một. Nơi mà ánh trăng trong trẻo và đẹp đẽ khiến cho ánh điện thành đô trở thành một cái gì đó tầm thường và nhoè nhoẹt. Nơi hoa phượng sẽ đỏ góc sân trường trước mùa thi và những lứa  học sinh lần lượt rời trường trong niềm tin hy vọng.

Anh sẽ trở về như hoa phượng vẫn trở về trong mùa hạ phải không anh? Em viết những dòng này khi ánh mặt trời đang xuyên những tia nóng bỏng qua những tán lá phượng xanh thẫm và những chùm hoa đỏ rực như lửa, cùng lời hát về một loài hoa, về một thời đã qua đầy tiếc nuối… “Mùa hạ đến rồi người ơi nhớ chăng?!”

AN AN

 
;
.