Bầy sáo đã bay xa

Thứ Sáu, 20/05/2022, 20:06 [GMT+7]
In bài này
.

Trẻ con thành thị có nhiều thú vui giải trí, kể cả việc nuôi thú cưng cũng rất đa dạng vì điều kiện thuận lợi lẫn việc lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi để có thể mua bất cứ thứ gì mình thích. Nhưng trẻ con thôn quê không thế, ngược lại thú vui giải trí hay việc nuôi thú cưng cũng rất hạn chế.

Chim sáo là giống chim thông minh, có khả năng học nói  rất tốt.
Chim sáo là giống chim thông minh, có khả năng học nói rất tốt.

Do đó thú vui giải trí của trẻ con thôn quê chỉ quanh quẩn trong khóm vườn, vạt ruộng, bờ tre và để có một con vật nuôi ít khi trẻ con thôn quê bỏ tiền ra mua mà hầu như đều phải tự tìm kiếm chung quanh nơi mình sinh sống. Và ngày thơ ấu, hình ảnh một đứa trẻ con 9-10 tuổi đi nghêu ngao trên bờ ruộng, bãi sông luôn có một chú sáo nâu hay sáo đen (còn gọi là sáo trâu) đậu trên vai là hình ảnh rất quen thuộc, đượm đầy phong vị đồng đất quê làng, mang vẻ đẹp thanh bình, ghi đậm dấu ấn tuổi thơ suốt đời không thể phai nhạt.

Nhưng để có được một chú sáo dễ thương đậu trên vai hay lẽo đẽo theo chủ ở góc sân, bờ ao, rẫy mía, vườn bắp, và thỉnh thoảng chú sáo cất giọng huýt gió trong trẻo hay bập bẹ nói những câu như “chào bác”, “có khách” hoặc gọi tên cậu chủ một cách trìu mến thì cả một kỳ công cho người nuôi. Bởi lẽ, chú sáo tinh khôn, biết nói tiếng người không phải bắt, bẫy trong thiên nhiên nuôi được mà phải tìm tổ, bắt chim con khi vợ chồng nhà sáo còn tha mồi về đút cho đàn con ăn trong tổ.

Thường vào khoảng đầu mùa mưa những tổ chim sáo nở con, khi thấy đôi vợ chồng nhà sáo thay nhau bay đi, bay về ngậm miếng mồi trong miệng lũ trẻ con chúng tôi theo hướng bay của chúng đi tìm tổ bắt chim con về nuôi. Chim sáo thích làm tổ trên ngọn cau, ngọn dừa, nhất là những cây dừa lão cao lêu nghêu, ít ai dám trèo thường có tổ sáo.

Khi đã tìm ra tổ chim sáo, lập tức trong đám bạn đứa nào giỏi trèo dừa nhất lãnh phần leo lên kiểm tra xem chim con đã lớn chưa, tổ sáo được bao nhiêu chim con. Thông thường một tổ sáo được 2-3 chú chim con, rất hiếm khi có tới 4 con, đương nhiên theo “luật bất thành văn” ai leo lên ngọn dừa sẽ được 2 chú chim con, đứa nào tìm ra tổ sáo trước tiên được một chú chim con và được ưu tiên chọn bắt bất cứ chú chim nào trong tổ tùy thích. Nếu nhóm bạn có 3 đứa mà tổ sáo có 3 con thì đứa còn lại mới được chia phần con cuối cùng.

Theo kinh nghiệm của lũ trẻ con chúng tôi, trong tổ sáo chú chim nào nở ra trước nhất tất nhiên cũng to nhất thì rất khôn, kế đến là chú chim út, nở ra sau cùng, nhỏ nhất. Đặc biệt chim trống khôn hơn chim mái và cách biết trống mái nhìn xem chú chim nào đầu to, chân to, miệng rộng đích thị là chim trống.

Sáo con nuôi tốt nhất là lúc chim mới “ra ràng”, tức là lông tơ và lông ống lún phún, lũ trẻ con chúng tôi gọi thời điểm này là chim mới “dập bụng cứt”. Những chú chim mới “dập bụng cứt” háu đói, ăn khỏe và chóng lớn, nếu bắt về nuôi chúng sẽ quen hơi người, cứ thấy bóng người là há miệng đòi ăn y như thấy chim bố mẹ. Và cũng chính trong giai đoạn này người nuôi mới cực khổ với lũ chim con nhất vì phải liên tục bắt dế, cào cào, châu chấu đút cho chúng ăn. Một ngày chim con ăn ít nhất 8 lần, mỗi lần vài ba con dế, cào cào hoặc châu chấu.

Để cho chim con lớn lên quen người, có thể thả ra khỏi lồng mà không bay mất kinh nghiệm đồng thời cũng là bí quyết của lũ trẻ con chúng tôi truyền tai nhau là thay vì cho chim uống nước mưa, nước giếng thì mớm cho chim bằng chính… nước bọt của mình. Chẳng biết như thế nào, nhưng nếu nuôi chim theo cách này chim sẽ rất khôn, thả ra cứ quanh quẩn bên nhà chứ không bay đi xa, đặc biệt là tập luyện từ khi chim mới tập bay cho đậu trên vai chủ thì lớn lên có thể chủ đi đâu, chỉ cần huýt sáo, búng tay, chú chim lập tức nghe hiệu lệnh bay đậu trên vai chủ… đi theo.

Trong một số loài chim sáo như sáo trâu (còn gọi sáo đen), sáo nâu (còn gọi là sáo sậu), sáo nghệ… thì chỉ có hai loài sáo trâu, sáo nâu nếu nuôi từ lúc chim mới tập bay mới tinh khôn và nói được tiếng người. Sở dĩ gọi sáo trâu vì loài sáo này thích đậu trên lưng trâu lúc trâu đi ăn hay đi cày ngoài đồng để bắt ve, bắt rận trên mình trâu.

Chim có bộ lông đen tuyền, chỉ hai chéo cánh có đốm trắng mỏ vàng, chân vàng, đặc biệt chim trống trên đầu có chớp lông xù lên. Còn sáo nâu có bộ lông màu nâu nhạt, mỏ vàng, chân vàng. Sáo trâu nói nhiều hơn sáo nâu và cũng khôn hơn, nhưng cho dù là sáo trâu hay sáo nâu khi mới tập nói chúng đều bắt chước tiếng huýt sáo của người, nói những từ đơn giản rồi ráp lại thành một cụm từ ngắn như “chào bác”, “có khách”, “cào cào”, “mẹ ơi”… nhưng người nuôi phải kiên trì dạy chúng mới “nhập tâm” và khi đã nhớ rồi thì chúng cứ nói theo thói quen. Mỗi lần nói, chúng gục gặc đầu, lông cổ, lông đầu xù lên để phát âm. Đặc biệt chúng thường bắt chước tiếng trẻ con, do đó nếu để trẻ con dạy chúng nói bậy, chửi thề sau này chúng sẽ bắt chước nói theo.

Ở TP.HCM, chợ chim đường Lê Hồng Phong, Q.10 tôi thường thấy có bán sáo con đã biết bay, nhưng đều do thợ rừng “bẫy”. Nếu mua về nuôi thì cũng “hên xui” chúng mới nói được và thường xổ lồng là bay luôn chứ ít khi quay về với chủ.

Còn bây giờ ở quê làng việc tìm được một tổ sáo con là không dễ, hình như với việc “đô thị” hóa nhanh chóng làng quê, đường liên xã cũng tráng nhựa thẳng tắp, bờ tre quanh nhà mái tranh không còn mà thay vào đó là những ngôi nhà gạch khang trang, thậm chí cả biệt thự, đồng lúa bị thu hẹp bởi những khu nuôi tôm công nghiệp… lũ dế mèn, cào cào, châu chấu không còn môi trường sống, chim chóc nói chung, trong đó có những đàn sáo cũng đã bay đi tìm đất mới, bỏ lại nỗi buồn cho lũ trẻ con thôn quê mỗi khi thấy mưa sa chuyển mùa, mỏi mắt trông tìm hướng chim sáo tha mồi về mớm cho đàn chim con mới nở đâu đó trong vạt cau già, thớt vườn dừa cao lêu nghêu đứng vẩy gió… mà không thấy bóng những con chim sáo xưa.

Sao lại không buồn vì bầy sáo đã bay xa mất tăm không nhớ ngày quay lại?

TỪ KẾ TƯỜNG

;
.