BẢO TÀNG TỈNH

Đến để hiểu hơn về đất và người BR-VT

Thứ Sáu, 20/05/2022, 20:08 [GMT+7]
In bài này
.

Lưu giữ và trưng bày hơn 28.000 tư liệu, hiện vật-Bảo tàng tỉnh là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách, người dân, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội thăm quan, nhằm hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử văn hóa, về đất và người BR-VT.

Sinh viên trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU) tham quan tại Bảo tàng.
Sinh viên trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU) tham quan tại Bảo tàng.

Trong không gian, diện tích của phòng trưng bày Bảo tàng tỉnh thời điểm này trưng bày chuyên đề “Văn hóa Óc Eo”. Với 124 hình ảnh, 112 hiện vật được trưng bày như: Ba mặt nạ chỉ vàng đó là chứng minh cho sự tiếp xúc, giao thoa giữa các nền văn hóa trong và ngoài khu vực Nam Bộ góp phần hình thành nên văn hóa Óc Eo.

Với các giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, ba chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2021. Các đồ trang sức bằng thủy tinh, đá. Đó là những vòng tay làm bằng đá nephrite có màu nâu sẫm, vàng nhạt, xanh ngả xám, còn nguyên vẹn, toàn thân được mài nhẵn, có độ dày đều. Các hạt chuỗi thủy tinh với nhiều loại hình như hình cầu, trụ, quả lê với các màu sắc như xanh, đen, tím, nâu… được chế tác theo phương pháp chế tạo thủy tinh truyền thống Ấn Độ. Các đồ đất nung như: nồi vai xuôi, bát bồng, bình gốm, bình có vòi, nắp trang trí hình chim... Bộ tranh ảnh về 2 khu di tích đặc trưng nhất và tiêu biểu nhất đó là Khu di tích Óc Eo Ba Thê, Di tích Đá Nổi Phú Hòa...

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh thu được những kết quả nhất định. Trung bình hàng năm, nhất là các dịp lễ lớn Bảo tàng đón hàng ngàn lượt khách từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó chiếm số đông là HS các trường MN, TH, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Khách tham quan, đặc biệt là GV, HS và các bậc phụ huynh đã có những phản hồi tích cực sau khi tham gia các hoạt động này.

Ông Đặng Tiến Năm (Phó Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng) cho biết: “Để nâng cao chất lượng phục vụ nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ và thu hút du khách đến tham quan, chúng tôi tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, bổ sung hiện vật, chỉnh lý phòng trưng bày ngày càng phong phú, hấp dẫn.

Hiện tại Bảo tàng có hơn 28.000 tư liệu, hiện vật được trưng bày. Hàng năm tiếp nhận hiện vật vừa sưu tầm vừa được các tổ chức cá nhân hiến tặng gần 300 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Vì thế đây là nơi thường xuyên được các nhà trường trên địa bàn, du khách lựa chọn là điểm đến tìm hiểu lịch sử, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”.

Phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh mở cửa vào các ngày trong tuần phục vụ nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh thăm quan. Hiện tại Bảo tàng tỉnh có 6 phòng trưng bày thường xuyên gồm: “BR-VT – Đất nước và con người; BR-VT thời Tiền sơ sử; Thời khẩn hoang mở đất thế kỷ XVII; Thời kháng chiến chống Pháp (1859-1975); Từ năm 1975 đến nay; Cổ vật trục vớt từ biển BR-VT.

Thông qua các tư liệu, hiện vật gốc được trưng bày là dịp để người dân địa phương, du khách tìm hiểu về văn hóa BR-VT, những mốc lịch sử quan trọng của tỉnh từ khi thành lập đến nay. Bạn Võ Phạm Anh Thư, SV Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Với chuyến tham quan lần này em thấy rất bổ ích và nhiều ý nghĩa. Qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng chúng em là thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về các giai đoạn lịch sử, về đời sống văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trong tỉnh. Với việc tiếp xúc hiện vật thực giúp chúng em dễ tiếp thu kiến thức lịch sử hơn, hiểu về lịch sử nhiều hơn. Qua đó, tiếp thêm động lực cho chúng em trong học tập, trở thành công dân tốt, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Khi thế hệ trẻ trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng tỉnh được xem là một hoạt động có nhiều ý nghĩa góp phần rèn luyện kỹ năng sống, thông qua đó, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS, SV...

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

;
.