Sau khi bước ra khỏi giảng đường, ngồi ở chiếc ghế đá cạnh hàng cây phượng vỹ bắt đầu đâm bông đỏ lửa tô điểm cho khuôn viên sân trường đại học sư phạm, tôi nắm lấy tay Thu, nói khẽ:
- Thu, chừng nữa Phối không còn ở lại thành phố này nữa, Thu có buồn hay không?
Thu nhìn tôi đăm đăm. Câu hỏi của tôi khiến em bàng hoàng. Thu biết tôi không nói đùa bởi giọng nói, sắc mặt và ánh mắt tôi lúc đó hoàn toàn nghiêm túc.
- Phối định đi đâu? Phối đã hứa sẽ ở lại thành phố cùng Thu xin vào một trường phổ thông nào đó để dạy học kia mà. Thành phố luôn có chỗ cho Phối. Hay Phối muốn về quê?
Minh họa của: MINH SƠN |
Những câu hỏi dồn dập pha lẫn niềm tiếc nuối của Thu vang lên bên tai khiến tôi không kịp trả lời. Tôi biết em không muốn điều đó xảy ra. Trong thâm tâm Thu vẫn mơ đến ngày cả hai cùng nhận bằng tốt nghiệp, cùng xin việc ở một trường cấp ba nào đó để dạy trò bằng những kiến thức mà chúng tôi học được và lửa đam mê chưa bao giờ ngừng cháy. Giờ tôi nói với Thu rằng tôi sẽ đi, niềm vui cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay chưa trọn vẹn thì nỗi buồn đã ập đến. Tôi thoáng nhìn thấy mắt Thu ươn ướt.
Thu không thể đoán được tôi sẽ đi đâu ngoài về quê. Bởi em biết tôi rất yêu quê hương. Những năm học đại học, bất cứ lúc nào được nghỉ tôi đều về thăm quê, khi đi xe đò, khi tự chạy con xe máy cũ ba tôi đã chạy suốt một thời tuổi trẻ. Trong tim tôi luôn có hình bóng quê nhà.
Nhưng tôi không có ý định về quê. Dẫu chốn ấy đong đầy kỷ niệm.
- Không! Phối muốn ra đảo.
- Trường Sa? - Thu tròn mắt.
- Là Trường Sa. Phối đã nghĩ kỹ rồi, mình sẽ ra đó dạy học.
Thu im lặng. Hình như em không muốn tôi bỏ em, bỏ thành phố để ra đảo nhưng em không thể dùng bất cứ lý lẽ nào để khuyên tôi ở lại. Thu biết một khi tôi đã quyết định thì khó lòng mà ngăn cản được…
* * *
Má cũng không muốn tôi ra đảo. Hôm tôi gọi về quê nói với má chuyện mình sẽ ra Trường Sa để dạy học, má khóc. “Hồi nào giờ con ở ruộng đồng, ở thành phố, có quen với sóng gió biển cả đâu mà đòi ra đảo. Má cũng không biết Trường Sa ra sao, cách mình bao xa, ra đó bằng cách nào, chừng má nhớ con, má muốn đi thăm sao mà đi được?”.
Đó là những lời thiết tha má nói với tôi trong nước mắt. Má tôi sinh ra ba người con, chị hai tôi nhường phần được đi học lại cho anh em tôi. Khi đã đỡ đần được má, chị tôi cũng theo chồng. Anh tôi trở thành dân quân tự vệ ở xã, rồi anh lấy vợ, ba má tôi cũng đỡ lo phần nào. Chỉ còn mỗi mình tôi phiêu bạt ở thành phố, giờ muốn thành cánh chim bay ra tận đảo xa. Cánh chim chưa bao giờ biết mỏi mệt là gì, cứ muốn vươn xa, xa mãi. Cứ muốn bay lượn trên bầu trời của Tổ quốc mến thương để được ngắm nhìn, để được cống hiến.
“Mình là thanh niên trẻ tráng, ngại gì mà không đem hết sức mình cống hiến cho Tổ quốc” - Anh đã từng nói với tôi như thế trong cái đêm chúng tôi ngồi bên bờ con sông nhỏ, con sông đã chứng kiến chúng tôi lớn lên, thành người. Anh không “thạo” học hành nên sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, sau này trở thành dân quân tự vệ. Anh thích sống cuộc đời bình dị nhưng phải làm điều thật nhiều điều tốt cho xã hội. Bởi thế, tôi luôn dành cho anh sự tôn trọng của một người em từ nhỏ đã được anh nâng đỡ, dắt dìu.
Tôi nhắc lại lời anh tôi từng nói. Anh tôi cũng ủng hộ việc tôi ra đảo.
- Thằng út còn trẻ, má để cho nó tự quyết định con đường mà nó đi. Miễn sao nó sống đúng, sống đẹp, biết nghĩ cho người khác… là thằng út nên người rồi!
Có anh tôi góp lời, má tôi cũng xuôi theo dù tôi biết lòng má xót xa. Má sợ tôi không thích nghi được với sóng to gió lớn. Má sợ con má ở Trường Sa thiếu thốn trăm bề, ốm đau bệnh tật không ai chăm sóc.
Đêm cuối cùng ở quê, tôi thấy má cứ trằn trọc mãi không ngủ, tôi cũng không ngủ được. Con sông trước nhà cứ rào rạt, thỉnh thoảng có chiếc ghe cộc cạch chạy ngang qua. Trời chưa sáng ba tôi đã dậy pha trà ngồi nhấp, tôi cũng thức theo, tự dưng tôi nhớ những ngày bé thơ mình không rời má nửa bước. Tôi đã lớn lên bên anh chị tôi trong căn nhà tuy nghèo nhưng đầm ấm vô cùng. Những ngày ấu thơ, đêm qua, đêm nay,… tất cả sẽ trở thành ký ức đẹp để tôi gói ghém mang ra đảo xa, mỗi khi nhớ nhà lại lần giở từng trang ký ức để lòng mình ấm áp.
* * *
Đảo trong mắt tôi và Thu đẹp như một viên ngọc lớn giữa đại dương xanh thẳm.
- Thu nhớ không, lần Phối với Thu ra đảo, Phối đã nghĩ đến ngày mình sẽ đảo dạy học. Trường Sa đã gọi thức trái tim Phối từ lần đó.
Thu nhìn tôi rồi lên nhìn lên khoảng trời mênh mông trước mắt. Khi ấy, thành phố đã nhuốm sắc phượng vỹ đầu hè. Tôi biết Thu đang hồi tưởng về lần tôi với Thu may mắn được đi thực tế ở đảo Trường Sa trong vai trò là thanh niên trẻ thành phố cùng với đoàn công tác - chuyến hành trình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Tôi và Thu hào hứng lắm. Mọi thứ em đã thu xếp xong xuôi: thuốc men, dầu gió, những phần quà bé xíu và cả sách mà sinh viên trường đại học tích cóp gửi tặng cho các em nhỏ và các bạn trẻ trên đảo. Hành trang của tôi đơn giản chỉ là trái tim nhiệt huyết và sức trẻ không ngừng khát khao cống hiến cho quê hương, thành phố và đất nước mến thương. Khoảnh khắc đứng trên tàu có đàn chim hải âu đáp xuống, mắt thơ nhìn chúng tôi mà không hề sợ, tôi thấy tim mình rung động.
- Biển xanh quá! Rộng và đẹp dữ, Phối ha! - Thu reo lên. Giọng em trong vắt và dường như hay hơn bởi có gió biển đệm nhạc.
- Nơi anh đến là đảo xa, nơi anh tới ngoài đảo xa…/ Từ mảnh đất quê ta, giữa đại dương mang tình thương quê nhà…/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua…
Tôi khẽ hát. Rồi Thu hát theo. Chúng tôi không ngần ngại nữa, hát lớn lên trên boong tàu bài hát của nhạc sỹ Thế Song. Rồi cả đoàn công tác cùng hát. Chúng tôi đặt tay lên ngực trái, lòng đầy tự hào khi hát bài ca ca ngợi biển đảo quê hương.
- Không biết Trường Sa thế nào Phối ha! Thu không dám nghĩ một ngày mình sẽ được đặt chân đến đảo. Chắc Trường Sa đẹp lắm!
- Ở Trường Sa đẹp lắm, nhưng đời sống chiến sỹ và người dân ở đảo còn rất nhiều khó khăn lắm cháu - Một bác cán bộ nói với Thu khi bác nghe được cuộc trò chuyện giữa tôi và em - Rồi cháu sẽ thấy. Các cháu vốn quen với nhịp sống sôi động ở thành phố, sẽ chẳng chịu ở đảo lâu đâu…
Chiều Trường Sa gió mạnh. Nắng vẫn còn nấn ná thăm tôi, ướp vào má Thu trước khi chìm sâu xuống lòng biển giàu đẹp quê nhà. Tôi, Thu cùng vài chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đảo ngồi trên vuông sân có cây bàng biển trước cổng Trường tiểu học Song Tử Tây - cở sở giáo dục mầm non và tiểu học duy nhất trên đảo. Tôi hỏi các anh:
- Vậy các em muốn học tiếp cấp hai, cấp ba phải làm thế nào hả anh?
Anh chiến sỹ trả lời:
- Phải chuyển vào đất liền em ạ! Đường xa, sóng dữ, nhiều em đã phải nghỉ học sớm, tội lắm!
Tôi nhìn Thu, nhìn ngôi trường Song Tử Tây nhỏ nhắn, cạnh bên là ngọn Hải đăng Song Tử Tây - một trong những biểu tượng đẹp trên đảo Trường Sa. Trong những ngày ở đảo, tôi không để bất kỳ khoảnh khắc nào trôi qua trong vô nghĩa. Tôi theo đoàn công tác tặng quà các chiến sỹ hải quân, ngồi lắng nghe lịch sử Trường Sa, lịch sử biển đảo nước mình mà không hề chán. Tôi hòa vào không khí vui tươi mà xúc động trong đêm liên hoan văn nghệ. Tôi tự tin hát bài Nơi đảo xa của nhạc sỹ Thế Song, còn Thu, trong chiếc áo xanh đoàn viên, nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ, em góp vui bằng bài hát Tiếng hát nơi đảo xa của nhạc sỹ Thanh Bình. Tôi đã từng lang thang trên đảo chụp ảnh, lướt ngang qua ngôi trường này vào khi học sinh đang ngồi ngay ngắn trong lớp. Tôi nhìn qua ô cửa, trong bộ đồng phục có họa tiết giống với chiếc áo của người lính biển, các em ngoan ngoãn đánh vần, đọc thơ, tập làm những phép toán giản đơn. Nắng nghiêng nghiêng qua sân trường Song Tử Tây. Tự dưng tôi thấy người giáo viên hiền lành đứng trên bục kia chính là mình, là Thu, tay cầm phấn nắn nón viết từng chữ ngay ngắn trên bảng: “Trường Sa yêu dấu”.
* * *
Trường Sa cần những người trẻ như chúng ta. Song Tử Tây cần anh. Anh sẽ ra đảo, sẽ trở thành người thầy giáo dìu dắt từng lớp trẻ Trường Sa. Ở đó không náo nhiệt, không đủ đầy, nhưng đó là Trường Sa - tiền tiêu của Tổ quốc.
Tôi nói vậy khi tay tôi nắm chặt lấy tay Thu. Nếu Thu vẫn đợi, tôi hứa sẽ trở lại thành phố tìm Thu, sẽ nhắc nhớ về những năm tháng đã qua, về tuổi trẻ sôi động và nhiệt huyết của hai đứa.
- Và vì chúng ta là người trẻ của đất nước nữa, phải không Phối?
Tôi nhìn Thu, mỉm cười. Gió làm rớt mấy cánh phượng vỹ đỏ rực đầu mùa lên đôi vai chúng tôi.
* * *
Thu đạp xe đến tìm tôi trong một chiều nắng đẹp, trước khi tôi lên đường ra đảo khoảng một tuần. Vẫn cái bóng dáng thân quen, chiếc áo sơ mi trắng dung dị và mái tóc xõa dài chấm lưng kiểu nữ sinh, kiểu con gái truyền thống.
- Phối, em sẽ cùng anh ra Trường Sa.
Tôi ngạc nhiên:
- Ngoài đó cực lắm! Sao Thu có thể chịu đựng được gió to, những đợt sóng bạc đầu, hả em?
Thu vỗ vai tôi, mắt em lại tròn xoe như cái lần tôi với em đứng trên boong tàu nhìn những chú hải âu sải cánh:
- Nhưng em là người trẻ. Em có tình yêu mãnh liệt dành cho biển đảo, cho Trường Sa. Em đã quyết định rồi, mẹ em còn phân vân nhưng bố em rất tán thành. Bố muốn được nhìn thấy con gái của bố đứng vững trên hòn đảo ngọc ngà của đất nước. Bố tin em sẽ mạnh mẽ nơi đảo xa…
Tôi ôm chầm lấy Thu. Còn em thì nức nở. Đó là cái ôm mà tôi gìn giữ, đợi chờ. Cái ôm đầu tiên. Cái ôm khi chúng tôi đã đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi chuyện trên đời.
Ngày mai, ngày kia… tôi và Thu sẽ trở thành những thầy giáo, cô giáo ở Trường Sa. Chúng tôi sẽ đi qua những mùa biển động, những lần biển êm. Chúng tôi sẽ khỏe mạnh và cống hiến hết mình cho Trường Sa bằng trái tim sôi nổi của tuổi trẻ, trong giai điệu trữ tình của Tổ quốc mến thương.
Đêm cuối cùng ở lại thành phố, chúng tôi đã ngồi bên nhau đến tận khuya, đến khi đèn đô thị đã tắt đi một ít, chỉ còn lại vệt sáng le lói từ đèn đường hắt xuống công viên. Tôi nghe Thu lẩm nhẩm hát bài ca tuổi trẻ. Còn tôi thì nhắm mắt mơ màng. Và tôi mơ. Trong giấc mơ, tôi thấy Trường Sa, hải âu và muôn trùng cánh sóng. Trong giấc mơ, tôi thấy mình chỉ tay về phía mũi tàu, reo lên: Đảo xa kia rồi…
Truyện ngắn của: HOÀNG KHÁNH DUY