Những ngày Vũng Tàu giãn cách vì COVID-19, các văn nghệ sĩ cả nước nói chung và nghệ sĩ Bà Rịa -Vũng Tàu nói riêng mang trong lòng biết bao xúc cảm và trăn trở trước nỗi đau chung của dịch bệnh thế kỷ. Những tâm tư ấy đã được họ gửi vào các tác phẩm của mình, mỗi người một màu sắc riêng, một phong thái riêng tạo nên bức tranh đặc biệt với những mảng sáng tối, như chính mỗi số phận người.
Ngã 5 TP.Vũng Tàu những ngày giãn cách. Ảnh: THÁI NGÔ |
Buồn và cô đơn vì dịch bệnh
Biện pháp giãn cách “mỗi nhà, mỗi xóm, mỗi khu phố” cách nhau tạo nên những khoảng cô đơn, những mối tình chia cắt. Nhà thơ nhìn những sợi dây giăng khắp ngõ phố, các ngả đường đi lại thường ngày và lòng nhức nhối, xót xa. Người đọc tìm thấy ở đây câu chuyện của nhà thơ mà cũng là câu chuyện của chính mình, một dòng chảy cảm xúc mênh mang:
Buồn trông đường đã giăng dây
Buồn trông chợ đóng biết ngày nào thôi
Phố xá nhộn nhịp đâu rồi?
Nhà nhà đóng cửa, người người cách ly.
Gần nhau mà chẳng được đi
Tôi đây, em đấy ai thì sầu hơn?
(Buồn - Hồ Song Quỳnh)
Nhớ những ngày dịch bệnh chưa đến, những thói quen hàng xóm qua lại, gặp gỡ chuyện trò vui vẻ, qua nhà thăm hỏi nhau giờ cũng phải hết sức hạn chế thậm chí là nghiêm cấm. Các ngôi nhà đều phải đóng kín cửa, tách biệt với chung quanh để tránh virus lây lan, góp phần bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Chỉ ngồi quanh bức tường vắng lặng và đếm từng giây phút trôi đi, nỗi cô đơn thật bao trùm, nhà thơ phải chia một ngày ra thành những phần li ti để gậm nhấm nỗi buồn, để mình đừng gục ngã. Và có lẽ lúc ấy thơ chính là nơi để thi nhân nương tựa:
Chén rượu chiều một mình nhâm nhi uống
Uống như thể là uống buồn, uống chán
Có điều chi tưng tức ở trong người!
Chẳng biết làm chi ngồi chia ngày chơi
Sáng ly cà phê chia ngày giọt giọt
Chiều ly rượu nhâm nhi chia ngày từng hớp
Buồn mênh mông trước thế thái, nhân tình!
(Buồn mênh mông - Lê Huy Mậu)
Những mảng sáng trong bức tranh buồn
Tưởng như vào lúc bế tắc nhất, nhà thơ nhìn ra những gam màu sáng, những tia hi vọng dù mong manh, ít ỏi trong bức tranh hoang tàn mùa đại dịch. Đó chính là tình yêu thương giữa những con người cùng chung hoàn cảnh khó khăn, những người lao động bình thường giản dị. Họ cùng nhau nắm tay vượt qua, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia trong những khoảnh khắc thiếu thốn, khốn cùng:
Dọc dài duyên hải xe rau quả
Lá rách đùm nhau ấm áp lòng
Bầu bí chung giàn xanh chíu chít
Trưa nay mát rượi nắng Sài Gòn
Tìm quán 0 đồng em mất việc
Rưng rưng mây khói phía quê nghèo
Phải chi đổi được mưu sinh ấy
Xó bếp cơm chiều sôi lửa reo
(Ngày đầu tiên giãn cách xã hội – Nguyễn Đại Bường)
Nỗi buồn và cô đơn trong các tác phẩm của các nhà thơ Bà Rịa-Vũng Tàu không là những nỗi buồn mang gam màu tuyệt vọng. Trong thăm thẳm của những chất chồng khó khăn bủa vây, những hụt hẫng về tinh thần, họ vẫn luôn hi vọng, luôn hướng đến một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Trong lúc tưởng như tuyệt vọng, chỉ có tình người là quan trọng nhất để những tia nắng ấm sưởi ấm trái tim cô độc:
Có bao giờ người ngồi đợi mặt trời
Để ước mình là hạt sương mỗi sáng
Để thấy lòng tan ra trong cỏ
Những bụi cỏ ven đường.
Người tiện tay ngắt một đóa hoa
Ta lại về gieo từng mầm sống.
(Sáng nay...- Võ Kim Phượng)
Hướng đến những tình yêu trong lành khi mùa dịch sẽ qua. Hướng đến một ngày cả nước sẽ đẩy lùi đại dịch đó cũng là mong mỏi, ước vọng chung của mọi người, mà nhà thơ chính là người cầm cọ vẽ nên những đường nét và gam màu hi vọng trên bức tranh ngôn từ của chính mình, bay lên cánh diều ước mơ…
Thời gian gói nỗi buồn làm cho anh nhận ra nhiều thứ hồ như
Một chất gây mê, một liều gây nghiện...
Rồi cặm cụi mỗi đêm ngồi viết
Cuối cùng
ném vào hư không
...
Đêm qua
Anh bắt gặp một người đang cầu khẩn giấc mơ
Và em bé thả dây cho diều bay đi kịp lớn.
(Tâm sự cùng em - Đặng Ân)
Nhìn thấy hi vọng trong khó khăn, thấy bình minh trong cơn bão chính là thiên chức của người cầm bút, là sứ mệnh thiêng liêng của văn nghệ sĩ trước thời cuộc. Tác phẩm văn học nghệ thuật là chiếc cầu nối từ tâm hồn người nghệ sĩ đến trái tim người đọc tạo nên sức mạnh tinh thần, chiến thắng cuộc chiến gay go phức tạp với dịch bệnh thế kỷ này.
Qua mùa dịch biết đâu mình sống sót
Ta hẹn em lên núi ở cùng
Đời vốn dĩ đã không lành lặn
Quay ngược nguồn nghe gió rưng rưng
Qua mùa dịch về đâu hả bậu
Ngày quê hương nắng đậu đầu gành
Bậu nhớ bảo mình trồng cây hạnh
Nơi ngõ làng có đá xanh rêu.
(Qua mùa dịch - Lê Nhật Ánh)
VŨ THANH HOA