Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và hành trình trở về dòng sông tuổi thơ

Thứ Sáu, 09/07/2021, 23:21 [GMT+7]
In bài này
.

Trong số không nhiều những nhạc sĩ miền Nam tập kết ra Bắc rồi lại trở về Nam sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp là người trong số ít đó đã để lại dấu ấn đặc biệt thuộc loại hiếm những ca khúc “nối tiếp” giữa hai chặng đường sáng tác còn khắc sâu vào lòng người nghe. Âm nhạc của Hoàng Hiệp cho dù là phổ biến trước đám đông người nghe với mục tiêu cổ động, hay thu nhỏ trong một khán phòng với đối tượng chọn lọc cũng đều được tiếp nhận nồng nhiệt theo nhiều cảm hứng không gian, thời gian khác nhau. Điều này không phải nhạc sĩ nào cũng có được hạnh phúc ấy, bởi lẽ nhạc của ông là tình tự quê hương, tình yêu đôi lứa mà từ ngôn ngữ đến điệu thức rất gần gũi, gắn bó với dân ca. Và đó là lòng người, là chất “hồn”, chất “vía” của dân tộc.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

Năm 1982, một đồng nghiệp cùng chung khóa học nghiệp vụ chủ nhiệm Nhà văn hóa quận, huyện với tôi ở Thủ Đức sau đó về công tác ở huyện Cần Giuộc tỉnh Long An đã mời “hẹp” một đoàn văn nghệ sĩ thành phố về Cần Giuộc đi thực tế sáng tác kết hợp giao lưu với văn nghệ sĩ huyện nhà. Đoàn gồm 5 người, rất gọn nhẹ: Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Diệp Minh Tuyền, Trịnh Công Sơn và tôi. Còn nhớ sáng hôm đó tập trung tại nhà anh “Ba Mực” tức nhạc sĩ Xuân Hồng ở đường Lý Thái Tổ Q.10. Khi tôi đến thì nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã có mặt, đang ngồi uống trà với anh Xuân Hồng. Hai người đến sau đó cùng lúc là Diệp Minh Tuyền và Trịnh Công Sơn. Trong 4 ông “cây đa cây đề” này tôi nhỏ tuổi nhất và cũng chỉ thân với Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền nhất, còn Xuân Hồng và Hoàng Hiệp chỉ mới quen biết mang tính xã giao vì trước đó đôi lần tôi có mời hai ông và một số nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ khác tới Nhà văn hóa Q.4 giao lưu với anh em văn nghệ sĩ quận nhà nên mối giao tình đã có sẵn.

Tiếng là đi thực tế, nhưng chỉ loanh quanh trung tâm huyện Cần Giuộc rồi buổi tối tập trung tại Nhà văn hóa huyện. Chương trình giao lưu theo kiểu ngẫu hứng nhưng Nhà văn hóa huyện chật kín người, hầu hết là giới trẻ. Tất nhiên với tên tuổi của Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền đủ làm nên sức hút và tạo hưng phấn cho đêm giao lưu nên không khí hào hứng sôi nổi không hề giảm sút từ khi bắt đầu cho đến 11 giờ đêm.

Ai cũng yêu cầu các nhạc sĩ hát, nhưng nhạc sĩ sáng tác ca khúc thì “nghề” nhưng hát thì quá tệ trừ Trịnh Công Sơn có thể vừa ôm đàn ghi ta thùng, vừa hát một lúc 3-4 bài của anh, Diệp Minh Tuyền “quậy quọ” vài đường rồi… đọc thơ chữa cháy. Riêng hai ông nhạc sĩ lão làng Xuân Hồng và Hoàng Hiệp thì Xuân Hồng còn khá hơn Hoàng Hiệp, vừa đàn vừa hát được bài “Xuân chiến khu” mà một vài chỗ lại quên lời rồi gỡ bằng cách… kể chuyện tếu lâm. Ai chứ anh “Ba Mực” mà kể chuyện tếu lâm thì khó có người qua được, các bạn trẻ cứ ôm bụng mà cười.

Tội nghiệp cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói năng thì lắp ba lắp bắp, chỉ ôm cây ghi ta thùng đứng cười. Bị đám đông “dí” quá, ông hát bài “tủ” của mình là bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, hát một chập tôi thấy ông rưng rưng nước mắt, xúc động quá không hát được nữa rồi… ôm đàn đi xuống giữa chừng. Khán giả ngồi bên dưới sau phút giây lắng đọng “dây chuyền” theo cảm xúc của nhạc sĩ đã bừng tỉnh và vội vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Dứt đêm giao lưu đã quá 11 giờ khuya, ông chủ nhiệm Nhà văn hóa huyện Cần Giuộc đãi đoàn một chầu cháo gà và… rượu đế Long An. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không uống được nhiều, tôi cũng thế. Sau hai ba ly, mặt ông đỏ lên, mắt long lanh, miệng…méo hơn nhưng nụ cười rất hồn nhiên, vô tư. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp “tưng tưng” càng hồn nhiên, càng dễ thương, nói lắp ba lắp bắp hơn. Ông bỗng hỏi tôi lúc nãy cậu ngâm bài thơ “Vườn xưa” của cậu làm à. Tôi ngạc nhiên vì lúc đó ông bạn tôi, chủ xị buổi giao lưu kiêm MC đã giới thiệu tác giả bài thơ là Tế Hanh rõ ràng, nhưng có lẽ Hoàng Hiệp không nghe nên thắc mắc. Tôi bảo bài thơ này rất nổi tiếng và của nhà thơ Tế Hanh ai cũng biết, chỉ có mình nhạc sĩ Hoàng Hiệp “vua” phổ thơ thì không biết. Hoàng Hiệp cười trừ, giải thích cũng rất hồn nhiên: Ừ, tớ nghe nó quen quen mà… không biết là của Tế Hanh.

NGƯỜI THỔI HỒN CHO THƠ BAY CAO

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, còn có bút danh khác là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tham gia cách mạng năm 1945 tại quê nhà, thời gian đầu ông ở đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân đội Văn nghệ Long Châu Hà. Sau hiệp định đình chiến Geneve, năm 1954 ông tập kết ra Bắc, suốt thời gian chống Mỹ nhạc sĩ Hoàng Hiệp ở Hà Nội, gắn bó với một nửa đất nước bị tạm chia cắt nên Hà Nội trong chiến tranh đã đi vào máu thịt ông và miền Nam ruột thịt như một phần cơ thể không thể tách rời. Chính vì thế nên năm 1957, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đồng cảm với lời thơ của nhà thơ Đằng Giao cũng là người con miền Nam tập kết ra Bắc ông đã phổ thành ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.

Bản nhạc mang âm hưởng dân ca, lời lẽ da diết, nói lên tâm trạng của hai người yêu nhau bị chia cắt bởi con sông Hiền Lương nên cảnh ngày Bắc, đêm Nam khiến họ khắc khoải đợi trông nhau, chờ ngày sum họp. Ngay từ ca khúc: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, Hoàng Hiệp đã chứng tỏ tài năng của mình và quả nhiên ông có hàng loạt những ca khúc nổi tiếng khác, chủ yếu là phổ thơ như: Lá đỏ (phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây (phổ thơ Phạm Tiến Duật), Ngọn đèn đứng gác (phổ thơ Trần Đăng Khoa). Và sau này là Con đường có lá me bay, Mùa xuân chim én bay (phổ thơ Diệp Minh Tuyền)…

Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn “siêu” ở chỗ, ông phổ cả… một cuốn tiểu thuyết thành ca khúc, đó mới là chuyện lạ. Nói đúng hơn, ông lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng là một người bạn thân từ thủa nhỏ, cùng quê Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang để sáng tác ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ” mang âm hưởng dân ca. Sau khi ca khúc này ra đời được các giọng ca thế hệ “vàng” như Hồng Nhung, Mỹ Linh… thể hiện mà đặc biệt là Mỹ Linh nó đã trở nên nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích.

“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình

Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ

Con sông tôi tắm mát

Con sông tôi đã hát

Con sông cho tôi gặp một tình yêu nước non quê nhà…”

Lời bài hát thật giản dị, mộc mạc, trong sáng, thiết tha giống như thơ kết hợp với điệu thức dàn trải, nhẹ nhàng nhưng chở được ý nghĩa cô đọng, sâu lắng của cả kỷ niệm đẹp, tình cảm thiết tha của một đời người gắn bó với dòng sông quê hương mà ai cũng có. Chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nói lên tâm trạng, tình cảm, kỷ niệm, hình ảnh con sông quê yêu dấu tuổi thơ đời người nên bài hát lập tức được đón nhận và dành cho nhạc sĩ sự trân trọng.

Không chỉ có “Dòng sông tuổi thơ” mang đậm tình cảm, đầy ắp kỷ niệm ở quê hương miền Nam. Trong nhiều ca khúc nổi tiếng của mình, người ta vẫn nhớ nhạc sĩ Hoàng Hiệp với ca khúc “Nhớ về Hà Nội”, cũng với những lời lẽ giản dị, dàn trải như dẫn dắt người nghe trở lại với Hà Nội một thời chiến tranh với những ngôi nhà mái ngói cũ đổ nát vì đạn bom, nhớ tiến tàu điện leng keng chạy qua những tuyến đường đặc trưng Hà Nội sớm trưa và dù sống trong đổ nát, đe dọa của B52, còi hụ báo động thường trực nhưng vẫn không thiếu tình yêu đôi lứa, hẹn hò.

Hình ảnh đẹp giữa những đổ nát của Hà Nội dưới mưa bom thời chiến tranh và những góc phố thâm nghiêm, vắng lặng một thời hòa bình… đã làm xúc động bao trái tim không chỉ của người Hà Nội, ở xa Hà Nội mà cả những người rời bỏ Hà Nội vì nhiều lý do trong cuộc chuyển dịch lịch sử, trong bước đường mưu sinh và không hoặc ít được dịp trở về. Chưa hết, còn có cả những người chưa biết gì về Hà Nội cũng dễ hình dung, tưởng tượng ra… tài hoa của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là ở chỗ khắc họa tình cảm, hình ảnh thành một dấu ấn tinh thần, nhắc nhớ những hoài niệm không hề phai.

“Nhớ từng con phố thâm nghiêm

Với những đêm hoa sữa thơm nồng

Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya

Bước chân năm tháng đi về…Và nhớ…”

Đã một lần biết Hà Nội, yêu Hà Nội thì làm sao mà không nhớ những hình ảnh, kỷ niệm mà nhạc sĩ đã thắp lên bằng ánh nến lung linh như thế.

MỘT CON NGƯỜI HIỀN LÀNH, KHIÊM TỐN

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không chỉ sáng tác ca khúc, có nhiều ca khúc nổi tiếng mà ông còn viết nhạc cho nhiều bộ phim, nhiều vở kịch, viết sách giáo khoa âm nhạc. Nếu tính về gia tài âm nhạc của riêng mình, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã để lại cho đời khoảng 300 ca khúc, trong đó có 5 ca khúc thuộc diện “đỉnh điểm” biểu tượng cho tài năng sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, Viếng lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. Và với 6 ca khúc mang tính đại diện cho sự nghiệp âm nhạc và cống hiến cho cuộc đời, cho xã hội, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã được Nhà nước ghi nhận, trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật vào năm 2000. Ông rất xứng đáng được hưởng vinh dự này.

Với một gia tài âm nhạc đồ sộ và sự đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, từng giữ trọng trách Tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh, được giải thưởng Hồ Chí Minh…nhưng đời thường của nhạc sĩ Hoàng Hiệp thật vô cùng giản dị. Khi còn giữ trọng trách ở Hội Âm nhạc, ông ngồi thường trực ở trụ sở và thường ngồi cà phê tán gẫu với anh em nhạc sĩ trước trụ sở trong khuôn viên Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM số 82 Trần Quốc Thảo, Q.3. Ông nói năng nhỏ nhẹ, hiền lành, khi trả lời phỏng vấn của báo chí cũng rất khiêm tốn. Khi về hưu, sống ở Q.2, nhạc sĩ Hoàng Hiệp là người mẫu mực trong gia đình. Tuy là một nhạc sĩ tài hoa, sáng tác nhiều ca khúc tình yêu, lời lẽ, ca từ lãng mạng nhưng ông rất mực chung thủy với vợ, “người con gái” mà ông lấy hình ảnh, cảm xúc để đưa vào ca khúc “Nhớ về Hà Nội” nổi tiếng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp những năm sau này bị bệnh nặng từ những cơn tai biến, không còn sáng tác được nữa và ông vừa mất vào trưa ngày 9/1/2013 ở tuổi 81, để lại tiếc thương cho nhiều người yêu quý nhân cách sống và yêu mến những ca khúc đậm chất trữ tình của ông. Riêng với tôi, khoảng thời gian 20 năm kể từ một chuyến đi với nhiều kỷ niệm về nhạc sĩ Hoàng Hiệp, yêu thích ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ” của người nhạc sĩ tài qua thì vẫn nghĩ rằng ông mất đi mà không mang nghĩa “chết”. Vì chết đối với người nghệ sĩ không mang ý nghĩa gì, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đi về với “Dòng sông tuổi thơ” của mình và mỗi ngày tắm mát trên dòng sông đó: Con sông ai cũng có trong trái tim mình!

Bút ký TỪ KẾ TƯỜNG

;
.