Nỗi niềm… so le tuổi tác

Thứ Bảy, 03/07/2021, 07:52 [GMT+7]
In bài này
.

Sau nhiều năm lao vào công việc, bằng mọi cách cần khẳng định mình, Tùng - bạn của tôi đã bước qua tuổi “tứ thập”. Độ tuổi này, phải yên bề gia thất, chứ dăm năm nữa thì muộn. “Cha già con mọn” lại khổ thân. Nghe lời khuyên của bạn bè và nhất là bố mẹ ra “tối hậu thư”, Tùng vui vẻ chấp hành.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Tuy nhiên, so với bạn nữ, đồng nghiệp cùng trang lứa, hắn ta lại không “mặn mà” lắm. Một phần còn do nhiều người đi trước có “kinh nghiệm đầy mình” thường bảo: “Vợ cùng tuổi, sau khi có vài mặt con thì cô ta trông già hơn nhiều. Khó có thể xứng đôi với chồng. Nếu cưới được vợ trẻ, càng trẻ hơn nhiều tuổi lại càng hay”. Chẳng rõ, ý kiến đó chính xác đến cỡ nào hay vì lý do gì khác mà Tùng gật gù tâm đắc. Và qua mai mối, Tùng lọt vào “mắt xanh” cô em út của người bạn thân. Vậy là ổn rồi.

Ngày đám cưới rình rang lắm, bên đàng trai ai cũng khen Tùng “tốt số” vì cưới được vợ xinh tươi, mơn mởn như tiên nga. Cũng đúng thôi, cô vợ kém hơn chồng những hơn 20 tuổi kia mà. Ngược lại, hôm đó phía đàng gái xì xào, có người còn bảo cô dâu - chú rể như “đôi đũa lệch so mãi chẳng bằng”!

Chuyện ấy, không quan trọng. Chuyện này mới đáng quan tâm. Số là  sau khi chung sống với nhau, cả hai mới nảy sinh ra nhiều bất cập. Cứ như theo lời của Tùng, mỗi lần đối tác đến công ty ký kết hợp đồng, Huyền - cô vợ không khác gì nhân viên tập sự, không thể cùng chồng tiếp khách, bàn bạc. Đơn giản chỉ vì trình độ, khả năng chuyên môn của Huyền so với Tùng chênh lệch nhau quá.

“Vậy về lâu dài, bạn mình giải quyết ra sao?”, nghe tôi hỏi, hắn ta cười hóm hỉnh: “Cô ta trở thành người học trò ngoan. Tớ cho vào học chung với các học viên mà tớ đang đứng lớp”. À, kể ra cũng tốt quá. Nhờ vậy, thời gian sau, Huyền cũng rành rẽ về nghiệp vụ, có thể quản lý sổ sách, điều hành công việc giúp chồng. Tôi chưa kịp mở miệng khen bạn một câu, đột nhiên, Tùng hỏi khẽ: “Nè bạn, toa thuốc “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của vua Minh Mạng thế nào nhỉ?”. À! Thì ra thế. Chuyện vợ chồng chênh lệch tuổi tác quá nhiều cũng “mệt” đấy chứ?

Tâm lý của đàn ông, theo quan sát và những gì đã chứng thực, tôi nhận ra rằng, không chỉ “trâu già khoái cỏ non”, có người còn thích được vợ/ người tình chăm sóc như đứa trẻ lớn xác. Sự dựa dẫm ấy bắt nguồn từ đâu, trả lời câu hỏi này dành cho các nhà phân tâm học.

Ai cũng nói, anh Biện - bạn tôi “ở hiền gặp lành”. Sau khi anh ly dị, vò võ ngày đêm “phòng không bóng chiếc”, cửa nhà rộng thênh thang nhưng lạnh lẽo lắm. Bếp núc chẳng bao giờ đỏ lửa. Thương tình, bạn bè mai mối để có người tâm sự đêm hôm, lúc ốm đau, khi bệnh hoạn.... Ban đầu, anh từ chối bai bãi vì chỉ hai bố con là đủ, cần gì phải thêm người nữa, biết đâu cuộc sống hằng ngày lại xáo trộn. Ý định là thế, nhưng rồi anh quay ngoắt “180 độ” vì được “se duyên” với cô gái chỉ mới chừng mười tám, đôi mươi.

Ở tuổi đã ngoài “ngũ thập”, anh tâm sự: “Nói thật với cậu, có nằm mơ tớ cũng không ngờ “hên” đến thế. Thì ra, đàn ông đàn ang lúc nào cũng “có giá” nhỉ?”. Nói xong, anh cười khà khà như vừa trúng số. Ngày rước dâu, tôi cũng có mặt với tư cách đại diện cho nhà trai. Điều khiến tôi và nhiều người ái ngại khi nhìn thấy độ tuổi chú rể ngang ngửa với bố vợ. Mà hai gương mặt cũng… già chát như nhau.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi nhận được tin nhắn của vợ anh hẹn gặp riêng. Vốn lo xa, tránh hiểu nhầm không cần thiết, ngày đó, tôi dẫn theo cô người yêu nữa. Không ngờ, trước mặt tôi là một hình ảnh tiều tụy, không còn chút xíu nào của cái sự mơn mởn như sen hồng khoe sắc thắm của ngày hợp hôn. Cô òa khóc: “Em quyết định ly dị, anh chị à! Trước đây, qua mai mối, em nghĩ, cưới người “cứng” tuổi thì hôn nhân bền vững hơn, ai ngờ…”.

Chà, sao lại thế nhỉ? Như thấu hiểu nỗi thắc mắc ấy, cô tâm sự tiếp: “Người đàn ông lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm đường đời, từng trải cuộc sống và công ăn việc cũng đã ổn định. Hơn nữa, do một lần gãy đổ nên họ biết trân trọng những gì đang có, chứ không nhăng nhố “đứng núi này trông núi nọ” như bọn trẻ ranh ba lăng nhăng”. Tôi gặng hỏi: “Chỉ vậy thôi à?”.

Vậy tại sao, cả hai lại không thể chung sống lâu dài?

Qua những lời giãi bày, tôi mới biết là giữa cô và anh bạn tôi có quá nhiều khoảng cách từ tâm lý, nhận thức đến kiến thức, kể cả sinh hoạt giường chiếu cũng “lệch pha” vì chênh nhau tuổi tác. Vốn thích sự lặng lẽ, thậm chí ít ra khỏi nhà càng tốt; còn cô lại muốn “hướng ngoại” với sự trẻ trung, nhộn nhạo, đông đúc mọi người. Thói quen của người đàn ông “cứng” tuổi thường khó thay đổi. Do không “hòa điệu” sở thích hằng ngày, không chóng thì chày, cuộc hôn nhân ấy cũng rạn nứt.

Yêu ai, lựa chọn ai là quyền mỗi người. Có những cặp vợ chồng, nếu so về tuổi tác như đôi đũa lệch, nhưng lại hạnh phúc ngời ngời. Tuy nhiên, hôn nhân là một thế giới của nhiều câu chuyện, nhiều tình huống sẽ phát sinh trong quá trình chung sống, do đó, tự lường trước những bất cập xảy ra để có quyết định cuối cùng. Sự chín chắn ấy, dù cưới vợ/chồng dù cùng tuổi hoặc so le cũng đều cần thiết.

LÊ MINH QUỐC

;
.