Hơn một lần đau

Thứ Sáu, 30/07/2021, 21:53 [GMT+7]
In bài này
.

Căn nhà cũ ba má để lại cho anh em tôi bây giờ cũng đã xuống cấp, nền gạch ngoài hàng ba đã sụp xuống, bể vụn hơn một nửa. Anh hai tôi nói chừng nào tôi cưới vợ thì anh hai lấy số tiền dành dụm được sửa sang lại căn nhà, phần còn lại lo chuyện cưới hỏi cho tôi. Tôi cười, nói anh hai có vợ trước thì tôi mới dám cưới, chứ anh hai lủi thủi một mình mà tôi có vợ trước sao đành.

Má tôi chết hồi sinh con út, ba cũng lìa đời khi con út lên năm. Ba anh em tôi đùm bọc, nhường nhịn nhau mà sống cho qua ngày đoạn tháng. Trong nhà, mọi việc khó nhọc anh hai tôi làm hết. Con út còn nhỏ nên anh hai giao cho nó coi nhà, tôi rảnh rỗi nên ra vườn phụ anh bón gốc bưởi gốc cam để tới mùa bán trái mà sống. Con út thương tôi với anh hai tôi dữ lắm, cũng vì thương nên một buổi trưa nó đang ngồi nhai bần dưới mé sông ngó thấy cái áo sơ mi trôi lờ đờ dưới nước, nó với tay định lấy cái áo đem về giặt giũ cho anh hai, anh hai bận không vừa thì đưa cho anh ba. Con út mất thế lao xuống sông, lúc chúng tôi tìm gặp em trong tay em còn nắm chặt mép áo sơ mi, thương đứt ruột. Con út đi cùng ba má…

Tôi biết anh hai tôi đang tương tư một bóng người. Mấy lần tôi hỏi anh nhớ thương ai mà tâm hồn treo ngược cành cây, cầm cây xẻng xắn đất mà xắn vô ngón chân cái hồi nào không biết, máu chảy đỏ au, may mà vết thương cạn, khâu mấy khâu là lành. Anh hai tôi không trả lời trả vốn, chỉ thở dài khi tôi hỏi chuyện người thương.

Một thời gian dài, tôi cũng quên luôn cái chuyện trong tim anh hai thấp thoáng một bóng người. Tôi cũng mong anh hai tôi có vợ sớm để tôi nhờ anh đem cau trầu sang nhà hỏi cưới Duyên cho tôi. Mặc dù, không nhất thiết anh hai phải có vợ trước tôi, nhưng anh hai cơ cực gần nửa đời người vì tôi, lẽ nào tôi cưới vợ trước để anh một mình thui thủi. Ngoài ba mươi, tóc anh hai tôi đã lấm tấm mấy sợi bạc. Anh tôi không xấu, nhưng nắng sương đã nhuộm bề ngoài của anh tôi, lấy mất đi vẻ rạng rỡ và trả về cho anh khuôn mặt u sầu, đôi mắt buồn buồn lúc nào cũng ngó xuống. Từng tuổi này anh tôi vẫn chưa có vợ, không phải vì không ai để mắt tới anh, mà bởi vì anh tôi làm lơ trước tình cảm của bao nhiêu cô gái trong làng muốn được nâng khăn sửa áo cho anh, cùng anh dựng xây hạnh phúc. Tôi hỏi bộ anh hai không rung động với cô gái nào hay sao mà tới giờ vẫn còn chưa chịu rước một cô về nấu cơm, giặt giũ? Anh hai cười hiền:

- Có chứ! Tao cũng là con người, cũng biết rung động, cũng biết thương thương nhớ nhớ một người. Chỉ tại…

Nói tới đó, anh tôi ngập ngừng rồi ngưng lại. Tôi cũng muốn biết sau cái chữ “tại” đó là điều gì làm anh tôi đơn độc cho đến tận bây giờ. Nhưng thấy anh không muốn nói, tôi cũng không dám hỏi han. Tôi chỉ biết thương anh bằng tình thương của một đứa em dành cho người đã thay ba má cưu mang, chăm sóc, dạy dỗ cho mình. Để tôi hiểu lẽ đời, biết sống khoan hòa, nhân ái.

Tôi nhớ cái ngày Duyên chấp nhận theo tôi về nhà ra mắt anh hai. Anh nói: “Trai lớn lên phải lấy vợ, gái lớn lên phải gả chồng, mày cũng không còn nhỏ nhặn gì đâu Hòa, đã đến lúc mày cưới vợ, rồi sinh con, đặng ba má an lòng”. Nghe anh hai nói vậy, tôi quyết định dẫn Duyên về.

Qua hai lần đò, mấy khúc sông. Cuối cùng tôi cũng đưa Duyên về đến nhà để ra mắt anh hai. Con chó mực thấy tôi về tới trước sân liền chạy ra ngoe nguẩy cái đuôi tỏ ý mừng, ngó thấy Duyên, mùi lạ nên nó khịt khịt mấy cái, thấy tôi trừng mắt tỏ vẻ không ưa nó lảng đi ngay lập tức. Anh hai tôi trong nhà bước ra, tự dưng tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt anh tắt dần đi, anh đứng chết trân, mà Duyên cũng bàng hoàng rồi tự dưng từ mắt Duyên chảy xuống đôi dòng nước mắt.

Tôi biết ngay lúc này đây tôi nên im lặng, Duyên cũng không nói không rằng. Ba con người đứng nhìn nhau mà quên mất trời xế chiều tự lúc nào không biết. Ba cặp mắt lặng lẽ, cặp mắt nào cũng lấp lánh những giọt buồn, thẳm sâu một nỗi thẹn thùng tủi hổ.

Đau đớn, xót xa, thì ra anh hai tôi chính là người yêu cũ của Duyên, còn Duyên - người tôi yêu - chính là cô gái mà anh hai tôi ngày đêm thầm thương trộm nhớ. Còn gì buồn hơn khi hai anh em tôi cùng yêu lấy một con người, cùng nhớ nhớ thương thương, cùng tan lòng nát dạ khi mọi chuyện đổ vỡ. Tôi biết anh hai tôi sẽ nhường, anh sẽ bảo tôi cưới Duyên, mọi thứ để anh hai lo liệu, anh sẽ mang cau trầu sang nhà Duyên thay mặt ba má đã khuất để hỏi cưới cái người mà anh hai tôi đem lòng yêu và nhớ nhung suốt một quãng dài dằng dặc cho tôi. Nhưng làm như vậy sao mà được, hả anh hai? Xưa nay, cái gì anh cũng nhường cho tôi. Áo đẹp anh cũng nhường, anh nói mình cày cục ngoài ruộng suốt ngày, mặt rám tay chai, có đi đâu đâu mà mặc áo sơ mi đẹp. Ngay cả chuyện yên bề gia thất anh cũng nhường cho tôi cưới trước, anh nói chừng nào anh lo xong đám cưới của tôi, tôi yên ổn phần tôi thì anh mới nghĩ đến chuyện của mình, mới có vợ.

Đó cũng là cơn cớ mà Duyên nói lời chia tay anh hai tôi, dù họ yêu nhau nồng nàn đến độ có thể sống chết vì nhau. Nhưng làm sao mà con gái người ta chờ anh hai cho được, mình là đàn ông đã đành, người ta là con gái, đợi thì biết đợi đến bao giờ, xuân sắc hao mòn, tuổi trẻ tàn phai theo năm tháng. Nghĩ đến đó, tự dưng tôi thấy mình có lỗi.

Anh hai tôi rít cho tàn điếu thuốc mặc dù tôi đã can ngăn. Trên vỏ gói thuốc người ta vẫn dán tấm hình cái phổi loang lổ, héo hon cùng dòng chữ không đủ khiến người ta sợ: “Hút thuốc lá có thể bị ung thư phổi”. Anh dụi điếu thuốc còn chút nữa đã đến đầu lọc xuống thềm nhà:

- Mày với Duyên thương nhau thì đến với nhau, đừng lo cho anh hai. Mày hạnh phúc thì anh hai cũng hạnh phúc. Ba má chết sớm, con út cũng bỏ mình theo ba má mà đi, chỉ có hai anh em mình nương tựa vào nhau mà sống. Mình thiếu thốn tình thương nhiều rồi, nên anh hai không muốn mày đánh mất một người yêu thương mày thật lòng!

Nói mấy chữ cuối, giọng anh hai tôi đặc sệt, tưởng như nói thêm vài chữ nữa chắc anh khóc. Làm sao mà được hả anh hai, làm sao mà anh có thể sống yên ổn trong căn nhà với người mà anh hai thương giờ đây đã cùng người khác đầu ấp tay gối? Làm sao anh chịu nổi người con gái mà anh thương gọi em trai mình là chồng, còn em gọi người anh hai thương là vợ? Làm sao anh có thể đứng bên lề cuộc sống của em mà không mải mai, đứt ruột? Tôi biết anh buồn lắm, rồi thì anh sẽ không thể sống an lòng trong căn nhà có tôi và Duyên, anh sẽ thấy mình đơn côi, anh sẽ sống những tháng ngày u buồn, sầu thảm. Không, anh hai tôi đã chịu đựng nhiều nỗi đau khổ rồi, tôi không thể để anh mình khổ thêm một lần nào nữa.

Ngoài sông, con nước chảy trôi buồn như cái dòng sầu đang chảy dài trong tâm hồn anh hai tôi và cả tôi nữa. Bóng trăng nghiêng ngả, dường như ba má cũng đang về, ba má nắm tay con út đứng cạnh chỗ chúng tôi mà hạnh phúc khi thấy anh em tôi biết nhường nhịn cho nhau đúng như lời má ước mong trong giờ khắc lìa xa trần thế.

- Anh hai, hay là… anh hai đến với Duyên đi, em biết anh hai thương Duyên, mà Duyên cũng đâu hẳn là lãng quên hay ghét bỏ gì anh hai.

Nghe tôi nói vậy, anh hai tôi lập tức xua tay, mắt anh hai loáng nhoáng những giọt buồn. Chưa bao giờ tôi thấy niềm vui ngự trị trong đôi mắt của anh. Lúc nào tôi cũng thấy đôi mắt đó chất chứa những nỗi niềm không thể nào sẻ chia, bày tỏ.

- Anh với Duyên không duyên, cũng không nợ. Mày có biết người ta tới với nhau vì cái gì hay không? Không chỉ là yêu nhau thôi đâu, mà còn là duyên, là nợ nữa…

Tôi không đáp lại lời anh hai. Dưới sông, con nước rạt rào chảy, mấy trái bần chín dơi ăn rụng lỏm bỏm xuống mặt sông, dập dồi, chao đảo.

Rồi anh hai cũng lo liệu chuyện cưới hỏi cho tôi. Tôi định ra ở riêng với Duyên, cất cái nhà nhỏ bên cạnh căn nhà của ba má để lại, chứ để anh hai đụng mặt Duyên với tôi hoài, tội anh hai. Nhưng anh hai ngăn, làm vậy coi sao được, anh hai nói nhà này là nhà của ba má để lại cho anh em tôi ở, má biết tôi ra ở riêng má buồn dữ lắm! Tôi đành chấp nhận.

Những ngày có Duyên về, khoảng cách giữa anh em tôi ngày càng xa hơn. Anh hai tôi cũng ít khi ở nhà, ban ngày anh làm quần quật ngoài vườn cây, ngoài ruộng, tối mịt anh tôi mới trở vào, lục đục tìm cơm ăn với cá kho quẹt tôi úp lại bằng cái lồng bàn. Mà lần nào anh hai ngồi ăn tôi thấy anh buồn so. Ngẫm nghĩ, tôi thấy anh hai không buồn sao được khi mình đang ăn cái món mà người em dâu mình nấu, à không, nói đúng ra là người mình thương nấu chứ…

Anh hai quyết định ra đi. Không nói không rằng. Không có một dấu hiệu chuẩn bị. Anh đi êm đềm, êm như cái cách mà anh sống từng ấy năm trong căn nhà mà ba má để lại cho chúng tôi, đến độ tôi tưởng trong nhà này chỉ có hai vợ chồng tôi sống. Ngồi bên Duyên, trong căn nhà em thắp đèn sáng rực mà tôi cứ ngỡ như mình đang chìm khuất trong bóng tối. Tôi khẽ nói với em, giọng tôi chùn xuống:

- Duyên ơi, biết chừng nào vợ chồng mình mới đáp đền được ơn nghĩa của anh hai.

Và, chúng tôi cũng quyết định ra đi. Xuôi sông. Trên chiếc ghe bầu có cái mui lúp xúp. Chúng tôi thắp nhang cho ba má, cho con út. Duyên hỏi tôi mình đi đến bao giờ mới trở lại vườn xưa? Tôi buồn bã đáp:

- Chừng nào tìm được anh hai, mình về!

Sông dài, đất rộng, biết bao giờ mới tìm được anh tôi…

Nhưng chúng tôi sẽ tìm, sẽ đi đến cùng trời cuối đất. Căn nhà còn đó. Ba má với con út vẫn chờ. Vườn vẫn xanh rợp bóng cây đợi ngày anh hai tôi quay trở lại. Chiếc ghe bầu buông bờ, xuôi theo con nước thoáng chốc đã đi đến một khúc sông lạ hoắc. Tôi nhìn tứ phía. Sông dài quá, mênh mông quá, chỉ mong rằng ở một nơi tận cùng nào đó tôi sẽ tìm được anh hai tôi. Dòng sông chảy trôi, sông đưa anh đến đâu thì tôi cũng sẽ theo sông mà đi tìm anh hai tôi đến đó. Một năm. Mười năm. Hay đến khi chúng tôi tóc bạc da mồi, thế nào tôi cũng sẽ tìm được anh hai tôi…

HOÀNG KHÁCH DUY

;
.