Mèo hoang
Ngôi nhà cũ kỹ biểu tượng của thời gian và chứa đựng bề dày lịch sử biến đổi xã hội có những chi tiết khá thú vị. Ví dụ như có những người nổi tiếng khác cơ quan nhưng đóng chung trong ngôi nhà một hôm nào đó ngẫu hứng cho đốn một cái cây cổ thụ trong khuôn viên, chẳng lâu sau đó bị bệnh chết thiên hạ đồn rằng cây ấy có ma. Sự việc được lặp lại môt vài lần khi có thêm mấy cây nữa bị đốn. Thế là những cây cổ thụ trong ngôi nhà ấy có ma thật, không ai dám đốn nữa.
Buổi trưa, tôi nằm trên chiếc ghế mây dài cũ kỹ màu nâu bóng ám bụi trong phòng làm việc, nhìn qua cửa kính lên sân thượng của ngôi nhà thấy mấy cái cây nhỏ sống bám theo bờ tường mục nát không biết ngã sập xuống lúc nào. Mấy cái cây này không biết trận gió nào đưa tới từ khi còn mầm hạt nhỏ xíu, hạt nảy mầm theo mưa nắng rồi lớn dần theo nắng mưa, năm tháng tính bằng tuổi thọ của ngôi nhà người ta tính đập ra xây lại thành 7 tầng với kiến trúc hiện đại. Tôi không hình dung được những cái cây cổ thụ, trong đó có cây sứ nở hoa suốt bốn mùa rất đẹp sát phòng làm việc của tôi và những con người sống, làm việc trong ngôi nhà đó rồi sẽ ra sao.
Và những con mèo hoang khắp nơi về ngụ cư ở đây trở thành hình ảnh sống động nhất, ấn tượng với tôi trong mùa mưa bắt đầu trở lại thành phố khi những con đường đầy cây lá chung quanh trút hết lá khô để đón nhận những giọt nước của trời đổ xuống mái tôn rào rào. Lúc đó những con mèo cùng ngụ cư với tôi trong cơ quan nháo nhác chạy tìm chỗ trú mưa. Chúng phóng vội lên la phông mấy căn phòng của cơ quan, kéo theo lũ con nhỏ kêu meo meo, hoặc gầm gừ tranh chỗ ngủ. La phông phòng tôi, một căn phòng đủ thứ mùi của năm tháng, mốc meo, thủng lỗ chỗ và đến khốn khổ vì mùi lưu niên do mèo phóng uế.
Những con mèo hoang này được một đồng nghiệp nữ của tôi trong cơ quan tự nguyện chăm sóc. Cô là mẹ đơn thân nuôi hai đứa con, một mẹ già, thường xuyên đau ốm nhưng lại chăm lo cho lũ mèo rất tận tụy. Cô thường cho lũ mèo ăn lúc sáng sớm và khi chiều tối. Những gói thức ăn viên công nghiệp, mua ở chợ chim, chợ chó mèo về chất lổn ngổn trong phòng. Tôi rất ít khi nghe cô nhắc về con mình, hay căn nhà mướn thường xuyên phải chống dột ở đâu đó tận Gò Vấp, chắc cô ấy muốn giấu kín chuyện riêng, nhưng lại thường nói với tôi trong tiếng nấc nghẹn: “Hôm đứa nào lại cán chết của em hai con mèo con, tội nghiệp quá”. Hoặc: “ Bọn trộm đã rình bắt mất của em con mèo mẹ có mang sắp đẻ, chắc chúng làm thịt nhậu mất xác rồi. Lũ ác nhơn thất đức”.
Cô bạn đồng nghiệp với tôi có khá nhiều kỷ niệm. Cô làm ở đây khi tôi còn ở nơi khác, cô thường đưa thơ cho tôi đăng để kiếm nhuận bút đóng tiền điện, nước và nhớ rất kỹ sinh nhật của tôi trong lúc tôi ít nhớ. Khi thấy cô mang một món quà mang tính kỷ niệm đến cơ quan tặng tôi thì tôi sực nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Khi tôi về cơ quan này công tác, gặp lại cô, giống như một sự xếp đặt. Có những cơn mưa lúc chiều tối, cô ấy mua thức ăn bên quán nhậu khá ồn ào về phòng, hai anh em ngồi ăn, ngoài phần ăn của hai người luôn có thêm một phần ăn cho lũ mèo mà cô ấy sẽ bày ra hiên nhà cho chúng trước khi mặc áo mưa, lủi thủi phóng chiếc xe honda cà khổ ra khỏi cơ quan.
Năm tháng đã lẩn vào những mùa mưa đi qua rất nhanh. Ngôi nhà ấy đã được đập đi xây lại. Tôi sẽ không trở về làm việc trong căn phòng nhỏ ấy nữa, nhưng những buổi trưa cô ấy vẫn gọi điện thoại kêu tôi ra quán cà phê có cơm văn phòng đối diện cơ quan để ăn cơm và hai anh em luôn hướng mắt nhìn qua công trình còn đang ngổn ngang. Cô ấy vẫn hay nheo nheo mắt: “Mấy con mèo của em không biết bây giờ tan tác về đâu?”. Và tôi thường đùa, với một chút ngậm ngùi: “Em đúng là mẹ mèo như người ta đã gọi, chăm sóc cho lũ mèo hoang còn hơn chăm sóc cho bản thân!”.
PHAN TƯỜNG NIỆM