Tiệm tạp hóa của má
Mấy chiếc lá về hưu rụng chật cả góc sân trước nhà. Tiệm tạp hóa của má tôi nằm dưới tàn cây xoài già ấy. Vỏn vẹn mấy chục nóc nhà nằm gói gọn trong cái xóm nhỏ. Hầu hết nhà nào cũng làm ruộng và lại có một điểm chung nữa là luôn thương yêu, đùm bọc nhau như ruột thịt.
Tiệm tạp của má tôi khoảng chừng mấy chung mét vuông nhưng các nhu yếu phẩm, các mặt hàng khác đều có. Cái bàn gỗ kê chân lên cao là các loại nước uống đóng chai; cái tủ nhôm bề ngoài mặt kính là để chứa mì gói, bột ngọt, đường cát, dầu ăn, đậu phộng; góc bên trái má tôi kê hai khúc gỗ bự là những bao chứa đầy gạo. Mùa trái cây chín rộ thì má lấy thêm một ít để trong cái xề hiên trước của tiệm. Mùa nắng thì có thêm nước ướp lạnh, xe nước mía cho khách đi đường.
Giờ mở cửa của tiệm thì có thể lúc năm giờ sáng hoặc có khi sớm hơn. Năm giờ sáng nghe chú Ba gọi cửa để mua gói thuốc lá. Cũng có khi ông Bảy qua mua gói trà, về uống buổi sáng. Có khi màn đêm đã chìm hẳn, cảnh vật xung quanh đã yên ắng thì thím Hai nhà bên cũng hay gọi cửa, mua mấy gói mì, thím than chiều nhà không gì ăn nên “xót ruột”.
Cuốn “sổ ghi chép” của má tôi dày lắm. Đó là cuốn tập học trò, má tôi dùng để ghi lại coi ai còn thiếu lại ít tiền của tiệm. Xóm tôi nhà nào cũng làm ruộng, hơn ba tháng mới thu hoạch lúa những lúc hụt gạo ăn, thiếu nước mắm, bột ngọt, ký đường bà con đành phải “mua chịu” chờ tới mùa lúa.
Có lẽ cách buôn bán của má tôi hết sức đặc biệt nên lúc có tiền hay mua thiếu ai cũng ghé tiệm của má. Bán xoài thì cho thêm xoài, bán cà thì cho thêm ít hành, mua tỏi thì má tôi cho thêm ớt. Chưa hết, hễ ai đi mua đồ, có ẵm theo đứa con nít, lúc ra về má thường dúi theo viên kẹo hoặc cái bánh.
Con nít xóm tôi rất thích quây quần chơi đùa trước tiệm tập hóa của má. Những lúc mệt đừ tụi nhỏ được má tôi múc cho ly trà đá giải khát. Chúng thích nhất là được thưởng thức ly đá bào của má tôi làm. Bởi lẽ có tiền thì trả ngay, không tiền thì xin thiếu bữa khác trả.
Siêu thị giờ mọc đầy các chợ lớn nhưng cả xóm thì không bao giờ quên ủng hộ tiệm tạp hóa của má tôi. Bởi những ký gạo “nghĩa tình” lúc thiếu hụt má tôi bán thiếu tới mùa. Hay cục me ít ỏi để nấu canh chua má tôi nói thôi ít đỉnh hổng lấy tiền. Hoặc làm sao họ quên cái tình của má tôi đã vét hết số tiền bán được cho thím Tư mượn để đưa thằng Tý ra bệnh viện mổ cắt ruột thừa cấp tính…
Cuộc sống dẫu phát triển như thế nào đi nữa thì tình làng nghĩa xóm luôn được vun đắp như một nét văn hóa đẹp của vùng đồng bằng sông nước quê tôi. Người ta vốn dĩ không thể sống mãi với hoài niệm nhưng ký ức đẹp thì không thể nào quên được. Bốn anh em tôi đã lớn lên bằng đôi bàn tay của má, từ mức thu nhập của cái quán nhỏ ven đường.
Nhớ hoài cái tiệm tạp hóa của má tôi!
SONG NGUYỄN