Lời nói dối ngọt ngào
Ngày Cá tháng Tư - ngày nói dối. Ta chỉ cho phép được nói dối trong ngày này nhưng chỉ là vui thôi đừng nghiêm trọng quá. Ấy vậy mà có những người phải nói dối ta cả mấy chục năm cũng chỉ muốn tâm ta an, lòng ta vững khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là mẹ. Đói vẫn kêu no. Mệt vẫn kêu khỏe và không bao giờ “khoe” ốm đau dù tuổi đã già.
Đi học xa nhà Tết mới có dịp về thăm mẹ. Cứ mỗi lần mẹ hỏi hết tiền chưa để mẹ gửi vào. Tôi lại nói dối “dạ con vẫn còn mẹ ạ”. Từ ngày rũ gấu quần đẫm bùn để bước vào giảng đường đại học, cõng ước mơ qua cánh đồng làng ấy là tôi đã tập nói dối “con ổn, con đủ, con không sao cả. Cũng từ đó, tôi lại càng ý thức hơn những lời nói dối của mình với gia đình, nhất là mẹ, người 18 năm qua, đã nói dối để cho con và em trưởng thành.
Sinh ra ở một làng quê nghèo, như bao đứa trẻ khác, con cũng có một tuổi thơ đầy kỷ niệm, nhọc nhằn nhưng nhiều mơ ước. Nhớ là nhớ mãi, nhớ miết cái nắng gay gắt ban trưa đầu trần chơi trò trốn tìm, bắt chuồn chuồn cắn rốn; là con cá rô bắt hụt trong cái mương đợt lụt dâng rồi tiếc hùi hụi đến mấy ngày; là miếng cơm khê giòn rụm, béo béo, chị em vòi mẹ chia nhau; là miếng cà muối xổi chan chát mỗi bữa cơm chiều, the thé nơi đầu lưỡi trong mùi khói lam cay xè… Những cái thức quê dân dã ấy cứ cay cay đầu sống mũi, gọi về bao nhung nhớ bình yên. Nhưng có một thứ đáng nhớ hơn tất thảy mọi thứ mà hầu như đứa trẻ nào ngày ấy cũng say mê, thích thú đó là “ngóng như ngóng mẹ đi chợ về” vì biết rằng trong đôi quang gánh của mẹ sẽ có bọc kẹo bột, kẹo vừng thơm tho và ngọt vị yêu thương. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh mẹ mở gói kẹo chia cho chị em chúng tôi, gương mặt mẹ mướt mồ hôi, còn chúng tôi thì hí hửng khỏi cần tả. Còn mẹ, vẫn câu nói cũ “mẹ không đói, mẹ không thích ăn ngọt”. Thế là tôi tin, bé em tin. Hai chị em tôi đã tin rất nhiều…
Thuở ấy mà có dĩa thịt gà để ăn là vui như hội. Tôi ngây ngô tin vào lời nói dối “mẹ không thích ăn thịt gà” khi cả nhà cùng ngồi ăn. Ăn xong, vừa buông đũa buông bát, hai chị em đã chạy ù đi chơi với cái bụng no nê đầy năng lượng. Nhưng vừa chơi được một chút vì thấy khát nước nên phải chạy về uống. Có lẽ vì món thịt gà rang của mẹ hơi mặn. Vừa tới cửa bếp, tôi đã phải lùi lại, nép vào sau cánh cửa. Dưới ánh sáng hơi tối của chiếc bóng tiết kiệm điện bị mạng nhện bao phủ, mẹ đang gặm lại những miếng xương gà mà chúng tôi đã ăn. Chẳng biết nó có còn dính tí thịt nào không nhưng nhìn mẹ gặm có vẻ như chúng rất ngon lành. Lòng tôi thắt lại, tim tôi nhói đau muốn chạy lại ôm mẹ thật chặt nhưng sợ mẹ tủi nên không dám. Tôi khẽ lùi ra ngoài, chạy đến một gốc cây to, ngồi ôm mặt khóc.
Phải rồi, mẹ đã “nói dối” quá nhiều, tôi biết cả chứ. Ngoài quê một tháng đi làm còn nuôi em Tèo đi học thì lấy đâu tiền gửi vào trong này mà mẹ cứ bảo để mẹ gửi vào. Còn nữa, mẹ chưa bao giờ “khoe” mẹ ốm, mà con thì cứ trông cho mình ốm để được mẹ chăm… Bây giờ khôn lớn rồi tôi hiểu hết, hiểu hết những lời nói dối “đau” và “thương” ấy cũng chỉ muốn tâm con an, lòng con vững để rồi tự nhủ phải mạnh mẽ lên, không khóc nữa, mà có khóc thì cũng không được gọi về nhà… Có lẽ mẹ biết, mẹ hiểu mà mẹ không nói!
Giờ tôi đã đi làm, chín chắn và trưởng thành hơn. Tôi luôn nghĩ về mẹ và sẽ cố gắng đền đáp báo hiếu mẹ. Giữa cuộc bể dâu với những giả - chân lẫn lộn, tôi nhận ra chỉ có những lời nói dối từ mẹ mới là những lời nói dối chân thật nhất dù có thể mẹ đã phải cất giấu riêng mình những điều không dễ bày tỏ. Nhưng qua bao thời gian những lời nói đó giúp con cứng rắn, bản lĩnh hơn. Tôi sẽ cố gắng hết mình để làm một người có ích cho xã hội và một người con hiếu thảo với mẹ hiền.
Bâng khuâng trong ngày Cá tháng Tư với bộn bề cảm xúc, nghĩ về mẹ qua những câu nói dối mà thương rồi tự đặt câu hỏi và tự trả lời rằng từ ngữ đẹp nhất trên thế giới này là từ gì nhỉ? Chính là từ “Mẹ” đấy!
HƯƠNG THỦY