Hoàng Nhuận Cầm về với chiếc lá đầu tiên
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột qua đời vào chiều tối 20/4/2021 tại nhà riêng, thọ 70 tuổi. Tin buồn này khiến nhiều bạn bè văn nghệ và công chúng yêu thơ bàng hoàng, xót xa. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với những bài thơ tình được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và bạn đọc yêu thích như Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
(Chiếc lá đầu tiên)
CHÀNG THƯ SINH CON NHÀ NÒI NGHỆ THUẬT
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông là con đầu lòng của cố nhạc sĩ Hoàng Giác (1924 - 2017) - là một ca nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Hoàng Giác sở hữu một số tác phẩm vang bóng một thời như Mơ hoa, Ngày về, Lỡ cung đàn, Quê hương…
Chàng trai Hoàng Nhuận Cầm thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (khóa 16). Năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm cùng bạn bè đồng khóa trong Khoa đã tình nguyện nhập ngũ, khoác ba lô ra trận. Ông đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, trong đó có mặt trận Trị Thiên - Huế. Sống trong những tháng ngày bom đạn, máu lửa chiến tranh đã in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau chiến tranh, ông về học lại Khoa Ngữ văn rồi về công tác trong ngành điện ảnh truyền hình. Hoàng Nhuận Cầm còn là nhà biên kịch điện ảnh tài ba với các phim: Đằng sau cánh cửa, Đêm hội Long Trì, Hà Nội - mùa Đông năm 1946, Pháp trường trắng, Nhà tiên tri, Mùi cỏ cháy… Trong đó, kịch bản Mùi cỏ cháy giúp ông đoạt giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Hoàng Nhuận Cầm còn tham gia chương trình “Văn nghệ chủ nhật” và ông bắt đầu nổi danh với nhân vật Bác sĩ Hoa Súng. Lối diễn hài hước, dí dỏm và rất duyên đã tạo nên một “Bác sĩ Hoa Súng” đặc biệt, không thể nào quên và vẫn còn mãi trong ký ức tuổi thơ của những khán giả yêu mến chương trình này cho đến bây giờ.
THI SĨ ĐÍCH THỰC
Hoàng Nhuận Cầm vẫn dành trọn vẹn tình yêu cho thơ ca dù ông vẫn bừng sáng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Những bài thơ tình của ông luôn “đốn tim” bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên bởi dù viết với trạng huống nào, tâm tư nào vẫn có nét sang trọng, lãng mạn của chàng thư sinh Hà thành. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “... Ông đã đóng góp vào thi đàn một giọng thơ riêng: trong trẻo, thanh xuân, của một sinh viên vào lính”.
Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi
(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)
Thơ Hoàng Nhuận Cầm trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, người ta vẫn thấy chất sinh viên, sự vô tư tuổi trẻ, trong bài Cỏ cháy: “Và cỏ đã cháy đen/Trong đợt bom nối tiếp/Anh không có thì giờ để tiếc/Cơn lửa ào ào như lốc qua vai”. Còn trong Buổi sáng trên chốt: “Có ai nói về hy sinh, đất nước/Mà tim không thắt lại bao giờ”.
Không chỉ là nhà thơ đa tài, Hoàng Nhuận Cầm còn có giọng đọc và ngâm thơ khá đặc biệt. Các năm trước, vào Ngày Thơ Việt Nam, mỗi dịp rằm tháng Giêng, ông nhiều lần tham gia đọc thơ, trình diễn thơ ở Văn Miếu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về điều này trên mạng xã hội: “Với tôi, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ mê đắm nhất xứ sở này. Bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến khi giọng đọc ấy vang lên. Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tình yêu vô tận với thơ ca”.
Lọ mực đổ trên trái tim tan nát
Tình yêu không giống như trong bài hát
Mọi sự trở về đều cay đắng như nhau.
(Mây cuối trời)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: Trong đời sống, Hoàng Nhuận Cầm là người rất giản dị, thậm chí xuề xòa. Lẽ ra, với những gì mà nhà thơ này đã đóng góp cho nền thi ca nước nhà, ông phải được trọng nể hơn. Nhưng Hoàng Nhuận Cầm chỉ sống cho thơ. Với thơ, Cầm vừa say sưa, vừa quyết liệt, vừa linh thiêng, tôn thờ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì nhận xét: Thơ của Hoàng Nhuận Cầm “đẹp như làn sương bay trên thảm cỏ ban mai”.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu. Sự ra đi đột ngột của ông để lại nhiều hụt hẫng cho bạn bè và nhiều thế hệ bạn đọc. Trong tâm tưởng nhiều người, những câu thơ đẹp đến nao lòng của ông vẫn sống mãi, để mọi người thấy yêu quý hơn, trân trọng hơn những thi sĩ đích thực và hiếm hoi:
Tình yêu đến trong đời không báo động
Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ
Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ
Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng
(Viên xúc xắc mùa thu)
VŨ THANH HOA