.

Trải nghiệm Tết cổ truyền độc đáo của người Khmer

Cập nhật: 18:30, 16/04/2021 (GMT+7)

Cứ đến giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, người Khmer các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, dân tộc Khmer tại BR-VT lại nô nức đón Tết cổ truyền với những nghi lễ linh thiêng và độc đáo. Tết Khmer có tên gọi Chôl Chnăm Thmây ở Campuchia, Tết Sonkran ở Thái Lan và Tết Bun Pi May ở Lào.

Các đại biểu tham gia Lễ Buộc Chỉ tay truyền thống của các nước Lào, Camphuchia, Thái Lan tại ngày hội Tết Cổ truyền Campuchia, Lào, Thái Lan tại BR-VT ngày 13/4.
Các đại biểu tham gia Lễ Buộc Chỉ tay truyền thống của các nước Lào, Camphuchia, Thái Lan tại ngày hội Tết Cổ truyền Campuchia, Lào, Thái Lan tại BR-VT ngày 13/4.

Ngày 13/4 vừa qua, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức Ngày hội Tết Cổ truyền Campuchia, Lào, Thái Lan tại BR-VT để giúp cho tất cả người dân nước bạn đang sinh sống và làm việc tại BR-VT được đón Tết cổ truyền thật vui tươi và đầm ấm.

Năm nay, ngày hội Tết cổ truyền các nước được tái hiện trong không khí vui tươi và đầm ấm với những điệu múa duyên dáng, các trò chơi truyền thống, nghi thức lễ buộc chỉ cổ tay, té nước, tắm Phật… cùng nhau chúc những điều tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.

Tự tay buộc sợi chỉ tay cho khách, bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước CHDCND Lào tại TP.Hồ Chí Minh nói: “Buộc chỉ cổ tay với ý nghĩa chúc những tốt đẹp cho người mình yêu quý, những cái không tốt ra đi cùng năm cũ. Càng nhiều được lời chúc cùng buộc chỉ cổ tay thì người nhận càng được nhiều may mắn, hạnh phúc”.

Theo phong tục, từ 14-16/4 hàng năm diễn ra Tết cổ truyền của nhân dân Lào; Tết Chôl Chnăm Thmây của nhân dân Campuchia, Tết Thing Yan của nhân dân Myanmar và Tết Trut Sonkran của nhân dân Thái Lan. Trong những ngày chào đón năm mới, 4 nước đều có nhiều nghi thức giống nhau như: lễ tạ ơn bố mẹ, người cao tuổi trong gia đình để thể hiện sự tôn trọng và xin lộc cho bản thân; nghi lễ làm lễ ở chùa để cho cả năm có phúc hậu và may mắn. Đây là những ngày dành trọn cho gia đình, họ hàng, bạn bè.

Trong tiếng nhạc vui tươi, sôi động của ngày hội, các nước Lào, Thái Lan, Campuchia còn có gian hàng giới thiệu văn hóa, ẩm thực truyền thống với nhiều món ăn độc đáo, ngon miệng. Du khách đặc biệt ấn tượng với món ăn Massaman của nhân dân Thái Lan, từng được truyền hình CNN bình chọn là món ăn ngon số một thế giới vào năm 2011. Bà Urai Sawetkamon (người Thái Lan) chia sẻ: “Nguyên liệu làm nên món cà ri Massaman rất đơn giản gồm thịt gà hoặc thịt bò, vịt kết hợp cùng các loại gia vị và nổi bật nhất chính là cà ri. Cách chế biến món ăn hấp dẫn này cũng chẳng cầu kỳ nhưng lại cần sự khéo léo, gia giảm đúng lượng mới khiến món ăn trọn vị không quá nồng. Nếm thử miếng đầu tiên bạn sẽ cảm nhận ngay hương vị đặc trưng của cà ri kết hợp hài hòa cùng quế và bạch đậu khấu tạo một cảm giác rất Ấn Độ. Tuy nhiên càng thưởng thức, thực khách lại càng cảm nhận được vị béo và thơm nhẹ của nước cốt dừa – nguyên liệu đặc trưng của ẩm thực Thái Lan khiến cà ri Massaman để lại ấn tượng khó phai”.

Đến dự ngày hội, Tith Somnang, học viên Quân đội Hoàng gia Campuchia đang học tập tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 (BR-VT) háo hức kể: “Tại Trường Trung cấp Biên phòng 2, chúng tôi cũng được tổ chức liên hoan, làm lễ té nước, chơi trò chơi mừng Tết Chôl Chnăm Thmây. Đặc biệt, được tham dự ngày hội Tết cổ truyền, chúng tôi vơi đi nỗi nhớ gia đình, quê hương và càng thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghĩ giữa các nước”.

Còn tại chùa Nam Sơn - ngôi chùa Khmer duy nhất ở BR-VT (tọa lạc Núi Lớn, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) là nơi tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây cho 650 hộ với hơn 3.900 dân tộc Khmer sinh sống tại BR-VT. Ngày hội diễn ra với nhiều nghi lễ: đắp núi cát, tắm Phật cùng nhiều trò chơi tập thể cùng nhau chúc mừng năm mới thu hút người dân địa phương và du khách.

Thượng tọa Quách Thành Sattha, trụ trì chùa Nam Sơn cho hay: “Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là Tết năm mới hay lễ “chịu tuổi”, đây là một lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long kéo dài 3 ngày vào các ngày 14-16/4 (nếu năm nhuận sẽ có thêm ngày 13/4). Từ xưa, nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết là đắp núi cát và Tắm Phật. Trong 3 ngày Tết, không khí tại các chùa và các phun sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt đêm. Còn tại TP.Vũng Tàu, đồng bào dân tộc Khmer trong 3 ngày Tết đều quy tụ về chùa Nam Sơn để tổ chức đón tết với các nghi thức trang trọng, cùng nhau chúc mừng năm mới.

Bà Điền Thị Én (dân tộc Khmer, ngụ xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) vui vẻ cho biết: “Ngày đầu tiên của tết Chôl Chnăm Thmây được gọi là Maha Songkran, mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm vào buổi chiều, rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là Virak Wanabat, ngày vui chơi các trò chơi truyền thống tại chùa và giúp đỡ những người nghèo khổ. Đến ngày tết thứ ba -ngày Tngay Leang Saka, mọi người dùng nước thơm để tắm Phật, còn trẻ nhỏ dùng nước thơm tưới lên các bậc tiền bối, bởi theo quan niệm nước thơm tưới lên các bậc tiền bối là chúc sự trường thọ và hạnh phúc”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

.
.
.