.

Ánh đèn trong đêm

Cập nhật: 07:45, 23/01/2021 (GMT+7)

Khi Tuấn và Nga xuất hiện cùng lẵng hoa ghi dòng chữ: “Hai con Tuấn & Nga chúc mừng sinh nhật mẹ!” Mọi người có mặt trong bữa tiệc đều giật mình. Dù vẫn có đôi lời khen ngợi dành cho hình thức của cô dâu tương lai thì sau khi tìm hiểu biết Nga đã ba mươi ba, già hơn Tuấn tới năm tuổi, lại chỉ là dân bán buôn, may vá ở nhà, phần đông vẫn lắc đầu: Chịu! Không hiểu nổi!

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Cũng đúng thôi Tuấn vốn là mẫu thanh niên cao giá thời nay. Đẹp trai, đi du học về, nếu không phải con nhà gia thế thì cũng có bố mẹ là những người có vai vế trong tỉnh. Bản thân Tuấn cũng là người tự lập, không dựa dẫm vào gia đình, có công việc tốt, có nhà và xe riêng,  biết kiếm tiền và biết chơi ngông, từng có những cô người yêu đẹp như hoa hậu. Điều kiện  như vậy, việc Tuấn chọn một người như Nga hẳn nhiên khó tránh khỏi ì xèo. Tranh thủ lúc Nga đang phụ dọn dẹp ở ngoài, Mẹ Tuấn kéo con vào nhà.

- Sao tự nhiên anh biến tiệc sinh nhật của mẹ thành lễ ra mắt của anh thế hử!?

- Thì con phải tận dụng cơ hội chứ! Tuấn tếu táo.

- Nhưng con chưa bàn gì với mẹ cả. Bố con biết chuyện này chưa?

- Con cũng mới nhận được sự đồng ý của cô ấy thôi.

- Sao con vội vàng thế? Bố mẹ không can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư của con nhưng hôn nhân là chuyện cả đời người. Mới có mấy ngày mà.

- Mẹ ơi con theo đuổi cô ấy đã 9 tháng 16 ngày rồi, hơn cả số ngày mẹ giữ con trong bụng ấy chứ. À mà đúng ra là con đã yêu cô ấy 3 năm  6 tháng  tính từ ngày gặp mặt rồi mẹ ơi!

- Ôi trời nếu đã tính chính xác được tới cả ngày như thế thì chắc mẹ có muốn phản đối cũng không nổi rồi.  Thôi được mẹ hứa sẽ tôn trọng  quyết định của con nhưng con nói làm mẹ tò mò quá. Hai đứa quen nhau trong trường hợp nào?

- Hôm nay là ngày sinh nhật mẹ. Con sẽ làm theo yêu cầu của mẹ. Chỉ xin mẹ đợi để con ra với Nga đã. Câu chuyện khá dài, hai mẹ con mình đứng trong này lâu quá Nga sẽ nghĩ này nghĩ nọ đấy. Cô ấy nhạy cảm lắm!

***

Mẹ yêu, mẹ có nhớ cái căn hộ chung cư nhỏ trên tầng 5 mà con thuê khi đang làm hợp đồng cho Công ty Pvshipyard hồi mới về nước không? Căn hộ đó mẹ đã lên chơi một lần mang tặng con hai giò lan rồi lại phải mang về vì đoan chắc nếu để chúng ở đấy chúng sẽ chết khô chết héo. Thế mà con cũng ở đó được gần 4 năm. Căn bản vì nhà nhỏ, xa  trung tâm nhưng gần công ty con làm, giá thuê lại rẻ với lại con thì đúng như mẹ nói “thuê nhà chỉ để cuối tuần về ngủ nướng”nên cũng không có nhu cầu thay đổi dù sau này con đã có tiền hơn.

Một buổi tối tiếp khách về khuya, thấy nhà hết kem đánh răng và mấy thứ đồ dùng khác. Con xuống dưới lầu tìm mua. Siêu thị đã đóng cửa từ lâu, đi bộ mỏi chân chả thấy cửa hàng tạp hóa nào còn mở, con đang tính quay về thì phát hiện gần đó có kiốt còn sáng đèn. Quán nhỏ, có biển đề “tạp hóa Thanh Nga”. Cô chủ vừa may đồ vừa bán hàng. Sau này, con thường ghé đó mua đồ. Phần vì cầm chắc trước 11 giờ, tiệm Nga vẫn còn mở cửa. Phần nữa là vì cô chủ xinh, hiền, phần nữa vì cái gì con cũng chả biết, có lẽ là thói quen. Thế rồi có một lần, sau ngày con gặp Nga lần đầu khoảng vài tháng, con uống say, thằng bạn chở con về, tống con vào thang máy rồi mới về. Thế mà chả hiểu sao khuya ấy hay đúng ra là sáng sớm hôm sau, con lại thấy mình tỉnh dậy ở quán của Nga. Cô ấy bảo con tới hỏi mua nước suối rồi gục luôn ở bàn. Nga đã pha chanh nóng cho con, đắp mền, lau mặt rồi chong đèn thức cả đêm vừa làm hàng vừa canh cho con ngủ. Quen rồi thì  con càng hay ghé quán Nga hơn. Khi gói mỳ, chục trứng, lúc cây đèn cầy, cuộn giấy vệ sinh… Mọi thứ linh tinh đều ra quán Nga cả. Có lần con tò mò hỏi: Tối 11 giờ chị  mới đóng cửa hàng. Sáng sớm đi qua đã thấy mở cửa. Không biết chị ngủ vào lúc nào? Cô ấy đáp thói quen thức khuya của cô ấy đã hình thành từ ngày cô ấy phải thức để phụ mẹ trông ông nội rồi trông ba và mẹ sau này. Hỏi kỹ thêm con mới giật mình khi phát hiện ra cô ấy đã mất cả bố lẫn mẹ. Phải chăng đó là nguyên nhân ánh mắt cô ấy lúc nào cũng như khóc. Khi đó, cô ấy vẫn còn đang trong thời kỳ để tang mẹ.

Mãi bây giờ con vẫn tự hỏi liệu có phải ngay từ khi đó con đã có tình ý với Nga không. Thực tình thì như mẹ biết đấy con trai mẹ lúc nào cũng có mấy em kè kè nên cho dù có tình cảm với Nga, con cũng không cho phép mình quá mồm mép, nói linh tinh làm khổ người ta. Ngoài ra thì Nga cũng khá cố chấp. Cô ấy thuộc dạng người có thích ai đến chết cũng chẳng chịu nói ra huống chi hoàn cảnh mồ côi mồ cút một mình như thế, con lại còn trẻ hơn cô ấy mấy tuổi. Tình cảm và sự quan tâm của con trai mẹ được đáp lại bằng sự dịu dàng, chân thành nhưng kém phần thân thiện, cởi mở giống như lửa diêm mồi củi ướt chả thể cháy to được. Hai năm trời dù có nhiều cơ hội, khi con và cô ấy ở gần nhau và con đã chia tay với bạn gái thì tình cảm của bọn con vẫn dậm chân tại chỗ. Rồi con chuyển lên Phú Mỹ làm, đổi nhà lên trên Bà Rịa, không có cơ hội ghé quán của Nga nữa. Một đôi lần đi mua đồ vẫn nhớ đến cô bán hàng xinh xinh có mái tóc dài và đôi mắt buồn mênh mông con lại lắc đầu tự nhủ: Có gì đâu mà vấn vương nhưng cuộc đời luôn có những chuyện bất ngờ kỳ lạ mẹ ạ.

Hôm đó con đi sang Văn phòng Công ty Vietgas, rồi tiện thể ghé vào khu nhà liên kế đang xây của Petrosetco ngay chỗ gần sân bay để xem căn nhà giờ là nhà của con đó. Khi ấy nó mới đang xây thô. Sau đó con và cậu bạn đi café, phát hiện ra đã đánh mất bóp tiền trong đó có hơn chục triệu và nhiều giấy tờ quan trọng khác. Cậu bạn bảo đừng có quay lại tìm, chả ăn thua đâu. Ghé nhiều nơi như thế lại toàn những chỗ đông người qua lại. Nếu có ít tiền thì còn mong người ta trả để được hậu tạ, đằng này vừa rút tiền ở cây ATM ra. Mất là cái chắc. Con đang tính gọi cho mẹ nhờ đăng báo thì may sao có số lạ gọi. Một bà lão nói bà đi bộ và nhặt được chiếc bóp. Bà nhờ người gọi theo số điện thoại có trên danh thiếp. Bà cụ đã già nhưng còn minh mẫn lắm, hỏi kỹ lưỡng từ tên tuổi, giấy tờ, tiền bạc trong bóp, chắc chắn con là chủ nhân rồi mới đưa trả. Lúc đầu con còn nghĩ xấu chắc bà ấy muốn vòi tiền nên khi nhận bóp còn nguyên xi mọi thứ, con có lấy ra mấy triệu, biếu bà nhưng nói thế nào bà cụ cũng nhất quyết không nhận. Lúc ấy đã khá muộn, con đành hỏi địa chỉ để chở bà cụ về. Khi bà nói số nhà con giật mình. Hỏi kỹ lại thì ra bà chính là bà ngoại của Nga, lên ở cùng cháu đã mấy tháng nay. Trên đường về nhà, bà đã kể cho con nghe chuyện của Nga. Một câu chuyện mà khi kể lại cho mẹ, con vẫn còn thấy cay cay nơi sống mũi.

Trước đây nhà Nga thuộc dạng khá giả. Bố làm chủ thầu xây dựng. Mẹ đã từng dạy học ở quê trước khi theo chồng vào trong này. Nhà chồng neo người mẹ Nga không xin đi dạy tiếp mà ở nhà chăm con và bố mẹ chồng. Chị gái đầu của Nga đi du học bên Úc rồi lấy chồng ở luôn bên đó. Có lẽ do chị ấy sợ cái cảnh phải sống cùng nhà với ông bà đau ốm liên miên. Hai mẹ con Nga phải trông nom ông bà nội rất vất vả. Ông bà mất chưa được bao lâu thì bố Nga đi khám sức khỏe phát hiện bị ung thư gan. Nghe nói là do công việc phải đi tiếp khách, rượu bia nhậu nhẹt nhiều quá. Mẹ Nga bán đất, bán nhà, đưa cha Nga qua Singapore chữa bệnh nhưng tiền hết mà hai năm sau người cũng mất. Nợ nần chồng chất, Nga học hết lớp mười hai là phải nghỉ  đi làm thu ngân ở cửa hàng tạp hóa, rảnh chút nào thì đi học nghề may. Mẹ Nga khi thì đi giúp việc nhà khi thì đi thu mua ve chai. Hai nghề đó đều cực  nhưng vốn ít, không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần chăm chỉ thì cũng đủ sống. Sau mấy năm gom góp vất vả hai mẹ con Nga mở được một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ trong hẻm. Thượng vàng hạ cám cái gì cũng bán lẽ ra phải nhanh giàu nhưng mặt bằng đi thuê, vốn gối đầu không có lại còn phải cạnh tranh với bao nhiêu là siêu thị, với các cửa hàng lớn bé khác ở ngay mặt đường nên chỉ túc tắc đủ ăn. Tạm ổn định, Nga lên Sài Gòn ôn thi. Nga muốn học đại học cho khỏi thua chị kém em nhưng ai ngờ trong một lần đi lấy hàng mẹ Nga bị tông xe, chấn thương sọ não. Bảo hiểm không có. Chút tiền tích cóp cho Nga đi học đương nhiên thành tiền chữa trị cho mẹ. Chi phí thuốc men, phẫu thuật tốn kém rất nhiều mà mẹ vẫn không qua khỏi. Nga quẫn trí tới mức nếu không vì phải lo tang ma cho mẹ và gánh nặng nợ nần, cô ấy đã nhảy lầu tự vẫn rồi. Đằng nội ít người, đằng ngoại ở xa. Chị gái thì mới sinh con, trước lại cũng đã dồn tiền lo thuốc men chạy chữa cho bố mẹ nên cũng khó khăn tới cả tiền mua vé máy bay về nước gặp mặt mẹ lần cuối chị ấy cũng chả lo được. Bà con, anh em, bạn bè ai cũng thương nhưng cũng chả giúp được gì nhiều. Một mình Nga phải lo toan mọi việc. Mới hăm mấy tuổi đầu liên tiếp phải chịu mấy cái tang lớn. Đau xót đến chừng nào. Bà thương Nga bỏ nhà bỏ cửa vào sống cùng cháu nhưng chỉ được mấy tháng thì Nga lại lo ông ngoại già yếu, nói bà  phải về chăm ông. Một thân một mình, Nga trả nhà cũ, thuê lại kiốt ở tầng trệt chung cư, nhà nhỏ, giá cao nhưng có gác xép để ở lại an ninh. Rồi Nga nhận hàng về may gia công. Làm việc miệt mài, Nga không chỉ trả được nợ cũ mà còn vay ngân hàng mua được căn nhà đó. Bà bảo, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua bà chỉ lo đàn bà, con gái có thì... Ngoảnh đi ngoảnh lại Nga đã ngoài ba mươi. Con gái tuổi này ở ngoài quê là ế hẳn. Thương cháu, thỉnh thoảng, rảnh rỗi bà lại vào ở cùng, vừa để Nga bớt buồn vừa tiện trông hàng trông họ giúp Nga.

Tối hôm ấy, từ nhà Nga về, con đã trằn trọc cả đêm khi nghĩ tới sự sắp đặt nhiệm màu của thượng đế. Liên kết lại sự việc từ cái ngày đầu tiên khi ánh sáng le lói trong đêm dẫn con tới nhà Nga cho đến chiếc ví đánh rơi và tiếng đập khác lạ từ trái tim con khi gặp lại cô ấy, con hiểu ra: Nga chính là người phụ nữ của con. Suốt chín tháng qua con đã phải tốn biết bao công sức mới khiến Nga tin tưởng mà nhận lời yêu con. Thế nên mẹ hãy đứng về phía con mẹ nhé!

Bà My đọc lại email, mỉm cười lau nước mắt, rồi nhanh chóng gõ câu trả lời: Nếu đã là số phận thì chỉ có trời mới thay đổi được. Mẹ là người thường nên chỉ có quyền chúc con hạnh phúc!

BÙI ĐẾ YÊN

.
.
.