Mùa thu rơi lệ
Những ngày cuối năm âm lịch, công chúng yêu nhạc Việt vô cùng thương tiếc khi nghe tin danh ca Lệ Thu qua đời sau hơn 1 tháng nhiễm COVID-19 tại Mỹ, hưởng thọ 78 tuổi. Lệ Thu được biết đến là một nữ danh ca huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam, được giới nghệ sĩ trân trọng đặt các danh xưng: “Tiếng hát vàng ròng, giọng ca vàng mười” gắn với những ca khúc buồn và mỹ lệ đa phần về mùa Thu, được vô vàn người ái mộ như: Nước mắt mùa thu, Ngậm ngùi, Mùa thu chết, Hoài cảm, Thuyền viễn xứ, Nửa hồn thương đau, Xin còn gọi tên nhau, Hà Nội niềm tin và hy vọng…
Danh ca Lệ Thu thời trẻ. |
Nghệ danh như một định mệnh
Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16/7/1943 tại Hải Phòng và trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông. Bố mẹ bà sinh được 8 người con, nhưng 7 người qua đời vào năm lên 3 tuổi. Cô út Lệ Thu là người con duy nhất còn lại.
Năm 1953, Lệ Thu cùng mẹ vào miền Nam sinh sống. Bà đến với con đường ca hát rất tình cờ. Vào năm 1959, khi đang theo học bậc trung học, trong một lần đến phòng trà nghe nhạc, trước sự khuyến khích của bạn bè, cô thiếu nữ lấy nghệ danh Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Dang dở. Ngay sau đó, ông chủ phòng trà mời cô gái ký giao kèo biểu diễn. Về nghệ danh, nữ ca sĩ tiết lộ: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu”.
Lúc đầu, nữ ca sĩ thường hát những nhạc phẩm lời Pháp và Anh. Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau bà quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát. Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn những năm 1968-1971.
Trong gần 60 năm ca hát, danh ca luôn được khán giả nhắc đến với những tình khúc buồn. Cách hát chậm rãi, rõ lời của bà để lại nhiều cảm xúc. Ở các nốt cao, chất giọng khàn, có độ vang và ngân rung hiếm có làm người nghe có cảm giác như nỗi đau được đẩy lên đến tột cùng. Chính Lệ Thu cũng thừa nhận: “Người nghe cảm nhận giọng của tôi có điều gì đó như uẩn ức. Thật ra, tôi là người biết làm chủ cảm xúc và diễn tả nó một cách tỉnh táo”.
Tiếng hát Lệ Thu tuy không gắn liền với một nhạc sĩ nào nhưng bà là người trình bày rất thành công nhiều ca khúc của nhiều nhạc sĩ như Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Trường Sa… Lúc sinh thời, bà từng chia sẻ Nước mắt mùa thu chính là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy viết cho giọng hát Lệ Thu vì đồng cảm với cuộc đời bà.
Giọng ca vàng mười
Danh ca Lệ Thu được xưng tụng “giọng ca vàng mười, giọng ca vàng ròng” bởi giọng của bà là giọng nữ trung trầm (mezzo-alto) có một chút khào, lạnh và đanh. Giới mộ điệu ví như một chuẩn mực về hát đẹp, phát âm đẹp, một trong những giọng hát tình khúc hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam.
Làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, nhưng người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca, đó là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. Điều đó cho thấy đóng góp to lớn của Lệ Thu trong âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau năm 1975, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn. Bà hát những ca khúc nhạc mới và cũng gặt hái thành công, như bài Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân.
Năm 1980, Lệ Thu sang Mỹ định cư và tiếp tục con đường ca hát. Bà đi hát và thu âm trong rất nhiều băng đĩa nhạc tại hải ngoại. Giới nghệ sĩ Việt ở Mỹ thán phục vì ít ai trên 70 tuổi mà vẫn còn hát cực kỳ tốt và khỏe như bà. Lệ Thu rất nghị lực và chuyên nghiệp trong giữ giọng. Ca sĩ Quang Thành kể bà tập thể dục rất chăm chỉ và đều đặn để giữ sức khỏe, giữ được trí tuệ minh mẫn khi xử lý bài hát. Ở tuổi 60-70, cột hơi của bà còn khỏe hơn nhiều người tuổi 20. Càng có tuổi, giọng Lệ Thu càng lạnh, đanh lại hơn ngày xưa nhưng vẫn rất tuyệt vời vì yếu tố cảm xúc, trải nghiệm sâu sắc trong giọng hát khiến người nghe thấy “nổi da gà”.
Từ năm 2007, bà bắt đầu trở về nước để biểu diễn. Trước đây, Lệ Thu thường ngại ngần trước việc về Việt Nam ca hát vì không biết lớp khán giả của mình ngày xưa có còn không, hay thế hệ trẻ ngày nay có biết đến âm nhạc của bà không. Nhưng một lần đi du lịch, một thanh niên tầm 30 tuổi đã nhận ra Lệ Thu và bày tỏ sự yêu mến. Sau lần đó, bà có động lực trở về Việt Nam và được khán giả cả trẻ lẫn già đón nhận. Khi hát bài Mười năm tình cũ trên sân khấu ở TP.HCM năm 2014 (live show đầu tiên của bà ở Việt Nam sau rất nhiều năm), danh ca Lệ Thu rất xúc động vì thấy “những giọt nước mắt rơi xuống trên gương mặt khán giả”.
Theo ca sĩ Quang Thành, trong cuộc trò chuyện với danh ca Lệ Thu cách đây vài tháng, anh đã chia sẻ kế hoạch thực hiện 2 đêm nhạc cho Lệ Thu - Khánh Ly tại Nhà hát TP.HCM do một nhà đầu tư ngỏ lời. Theo đó, tháng 4/2021 nếu tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt như hiện nay, Khánh Ly và Lệ Thu sẽ về nước tham gia nhiều chương trình biểu diễn phục vụ khán giả quê hương.
Đại dịch thế kỷ đã cướp mất giọng ca huyền thoại. Trong trái tim những người yêu mến và ngưỡng mộ tài năng và sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật của danh ca Lệ Thu , “tiếng hát vàng mười” của bà vẫn mãi ngân vang đầy day dứt và mê hoặc.
VŨ THANH HOA