Kỳ 3: Nuôi dưỡng dòng chảy cải lương
Tại BR-VT, nhiều CLB cải lương được thành lập, tạo sân chơi cho những người theo đuổi đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.
Trích đoạn cải lương “Vương Thúy Kiều” được các thành viên CLB cải lương trình diễn trong chương trình văn nghệ do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 11/2020. |
Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé CLB cải lương (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh) để thưởng thức những bài tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương đang được các nghệ nhân ôn luyện. Âm nhạc vang lên cũng là lúc những lời hát, câu thoại được mọi người bắt nhịp. Tập trung chỉn chu lại câu chữ, thần thái nhân vật trong vở diễn mới, ông Nguyễn Huy Hải (nghệ danh Tuấn Hải), Chủ nhiệm CLB cải lương cho biết, 10 anh em cùng chung đam mê, thành lập nhóm từ năm 2011 và thường xuyên sinh hoạt, biểu diễn tại một số địa bàn trong tỉnh.
Theo ông Hải, cải lương được chắt lọc, cách tân từ Đờn ca tài tử, Hát bội để hình thành và phát triển rộng rãi trong nhân dân. Các vở cải lương tuy tính chất mộc mạc, đơn sơ, nhưng nội dung, nhạc điệu đậm nét tự sự về cuộc sống và toát lên được phần nào tâm tư, tình cảm của cộng đồng cư dân các địa phương của vùng đất Nam Bộ. Nét đặc sắc riêng trong những vở cải lương là khai thác sâu vào tâm lý nhân vật, đan xen tính bi hùng và trữ tình, lãng mạn.
Theo nghệ sĩ Tuấn Hải, vì cải lương thuộc thể loại kịch hát, là giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống với kịch nghệ hiện đại. Do đó, để hát được cải lương, nghệ sĩ phải nằm lòng thanh điệu từ nhiều loại nhạc cụ như: trống, não bạt, đồng la, đàn cò, đàn kìm, đàn tranh… Nghệ sĩ hát cải lương phải hòa mình vào từng vai diễn, phối hợp các động tác tay chân, biểu cảm khuôn mặt để lột tả đầy đủ thần thái, nét duyên của nhân vật. Những trích đoạn thường xuyên được biểu diễn, trở thành kinh điển của cải lương như: “Lâm Sanh-Xuân Nương”, “Vương Thúy Kiều”, “Lưu Bình-Dương Lễ”, “Đời cô Lựu”... “Đến với cải lương, khán giả bên cạnh được nghe còn được nhìn thấy, chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp, tính lịch sử của nhân vật được tái hiện. Từ cốt truyện, cải lương hướng người xem tới chân-thiện-mỹ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Tuấn Hải nói.
Hiện CLB cải lương tỉnh có 38 hội viên và thường xuyên sinh hoạt vào ngày 10 hàng tháng tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Các thành viên đều ở độ tuổi ngoài tứ tuần, bộn bề với nhiều công việc khác nhau, nhưng mỗi khi có buổi tập luyện, mỗi thành viên đều thu xếp việc riêng để đến tập luyện đầy đủ. Ở CLB cải lương tuy phương tiện, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng mỗi thành viên luôn nhiệt tình, tích cực hoạt động để thỏa mãn niềm đam mê, mong muốn được bảo tồn nghệ thuật cải lương và đem lại những làn điệu cải lương truyền thống đến với bà con trên địa bàn tỉnh.
Nhiều năm qua, CLB đã tổ chức hàng chục đợt biểu diễn và giao lưu với CLB của các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, TX. Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu. Đồng thời, phối hợp CLB đờn ca tài tử tổ chức hơn 30 chương trình “Điểm hẹn Sông Dinh” và “Ngọt ngào giai điệu quê hương” biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh phục vụ nhu cầu ca hát, thưởng thức cải lương cho mọi người. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC TRÚC