Những ngày mưa bão đi qua
Năm nào ở quê tôi cũng có bão đi kèm theo những trận mưa lớn. Người dân miền Trung chịu thương chịu khó, quanh năm tưởng chừng đã quen với cảnh mưa lũ, bão bùng vẫn không khỏi rùng mình lo lắng mỗi khi có thông báo về những đợt mưa bão kéo đến.
Tuổi thơ tôi từ bé đến lớn đã chứng kiến biết bao cơn bão, đã thấm thía những vất vả gian nan của người sống trong cái nôi của mưa bão triền miên. Đã quen với những ngày mưa bão chỉ biết nấp kín trong căn nhà nghe gió rít từng cơn dữ dội mấy chị em chỉ biết cầu nguyện cho cơn bão nhanh qua. Đi qua những ngày mưa bão, chúng tôi đã quen với việc chen chúc, chia nhau một chỗ nằm kín đáo. Nhớ mâm cơm ngày mưa bão dọn ra chẳng có gì nhưng ai cũng ăn ngon miệng vì đói và lạnh. Có đêm mưa gió xô ngã cây cối tạo nên những tiếng động rung trời, gió thổi tung cửa ào vào nhà, giật tung mái, kéo theo mưa gió cuồng nộ. Đó là những ngày không chỉ trẻ con mà người lớn cũng sống trong sợ hãi, lo lắng cho mái nhà, cho tương lai và mùa màng thất bát.
Tôi vẫn còn nhớ gương mặt thất thần của ba sau một trận bão lớn, chứng kiến tất cả những công sức lao động của mình đã bị phá tan sau trận bão diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ. Gây dựng và làm lụng vất vả cả đời nhưng chỉ vài giờ đồng hồ cơn bão đi qua đã trở thành kẻ trắng tay. Nhìn lũ trẻ nheo nhóc ướt đẫm đói rét trong căn nhà dột nát, tốc mái mới thấy tương lai thật mờ mịt. Những đứa trẻ nhoi nhóc lớn lên rồi sẽ sống thế nào qua những ngày mưa bão. Sự mạnh mẽ của một người đàn ông bản lĩnh luôn làm chủ gia đình phút chốc chẳng còn nữa, chỉ còn đó sự yếu đuối của một con người bất lực chẳng thể làm gì trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, mưa bão.
Trận mưa bão đi qua con người không chỉ đối mặt với mùa màng thất bát, khó khăn, đói kém, nhà cửa hư hỏng mà còn có những ngậm ngùi đau xót vỡ òa bởi những sự ra đi chóng vánh, oan uổng. Có những ngôi nhà mới hôm nào còn bình yên hạnh phúc trong tiếng nói cười đông đủ nay đã hiu hắt nhang khói. Có những cái chết tức tửi chưa kịp nói lời dặn dò, trăn trối với người thân, có những sinh mạng bị vùi lấp dưới đất cát ngay trong căn nhà mình dựng lên, trên mảnh đất cha ông, gia đình từng gắn bó. Có những trận lũ quét cuốn đi nhanh chóng cả ngôi làng không kịp trở tay, để lại biết bao thương tâm cho người ở lại.
Có những gia đình sống với lũ hằng năm. Mỗi năm đến mùa mưa nước lên lút nhà phải dọn dẹp đồ đạc đến nơi cao để tránh hư hỏng. Con cái dẫu ở xa không cần vận động, nhắc nhở cũng tự tiện thu xếp công việc về dọn dẹp nhà cửa. Đi qua một cơn lũ lớn lại bắt đầu hì hục dọn dẹp những tàn tích cũ, rồi sắp xếp đồ đạc để ổn định lại cuộc sống cho đến mùa lũ năm sau. Cực khổ vậy nhưng người dân vẫn lạc quan, vui sống. Dường như cái nghèo, cái khổ, cái thiếu không làm cho tinh thần của họ gục ngã, bi lụy bao giờ.
Sống giữa mảnh đất thường xuyên mưa lũ, bão bùng, đôi lúc tự hỏi tại sao cực khổ vậy, đau đớn vậy mà người dân không bỏ xứ ra đi, tìm đến nơi khác lập nghiệp, làm ăn, sinh sống. Nhưng rồi nghĩ lại mảnh đất ông bà tổ tiên gia đình ở đây, đi xa liệu có an tâm, ai nhang khói thường ngày. Nghĩ mà thương, cả đời cơ cực nhưng bao giờ cũng nghĩ cho người khác, thậm chí nghĩ cho người đã đi xa. Cái tình cái nghĩa vẫn mãi là cách mà người miền Trung dù khó, dù khổ vẫn gìn giữ muôn đời.
Thương lắm quê nghèo miền Trung, cuộc sống đã vất vả với những vụ mùa thất bát lại phải đối diện với cảnh bão lũ quanh năm nên cuộc sống chưa bao giờ ổn định. Một năm chỉ làm ăn được nửa năm còn nửa năm lại phải lăn lộn chống chọi với mưa bão, lũ lụt. Đi qua những trận bão mới thấy sinh mạng con người mong manh và nhỏ bé biết chừng nào. Mới thấm thía được sức mạnh của tự nhiên. Mới thấy thương biết bao con người nơi đây. Dù thiên tai có ập đến, họ vẫn sống kiên định như chẳng điều gì có thể khuất phục được. Họ dạy cho những người trẻ như chúng ta tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, ý chí không chịu đầu hàng, khuất phục trước hoàn cảnh - những điều vô cùng cần thiết - bởi trong cuộc sống này, để tồn tại được, là điều chẳng hề dễ dàng với bất cứ ai.
NGUYÊN HẠNH