.

Quỳnh

Cập nhật: 19:56, 06/11/2020 (GMT+7)

Con gái út của bà vợ thứ năm một vị quan hàn họ Nguyễn người làng tôi vừa tạ thế đã tròn năm. Cầm – bạn tôi – cháu gọi bà bằng cô gọi điện mời tôi tới dự đám giỗ đầu của bà. Nhà chật – Cầm nói thêm – tao chỉ mời mấy anh em quen biết, thân cận thôi. Nhớ lên nhé!

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Đã lâu tôi không gặp Cầm. Nghe nói từ sau cái lần dính kỷ luật, Cầm nghỉ làm nhà nước, ra ngoài kinh doanh. Không ngờ như vậy lại hóa hay. Cầm trúng liền mấy quả. Từ đó phất lên.

 Giàu lắm! Có người còn kể, vợ Cầm, lúc đầu thì còn đóng cửa đếm tiền. Về sau, tiền nhiều quá, nàng chỉ đếm đầu bao tải.

Còn bố Cầm, một cán bộ tuyên huấn tỉnh về hưu thấy tiền nhiều là sợ. Ông bị mắc chứng sợ tiền. Đêm đêm, ông thường giật mình tỉnh giấc hét toáng lên: Tù! Tù mọt gông! Chả biết ông bảo ai tù? Được ít lâu ông bỏ về quê với con gái làm giáo viên và ông mất ngoài đó.

Tôi nhờ xe cơ quan lên thành phố; rồi nhảy xe ôm đến nhà Cầm. Căn nhà số 48 của Cầm nó hai mặt tiền đã được sửa sang, ngăn thành nhiều ki ốt cho thuê, chỉ trừ một lối đi nhỏ vào phía sau.

Thấy tôi đến Cầm từ trong nhà chạy ra, reo lên:

- A, đây rồi! Nó đây rồi!

Tôi bảo Cầm:

- Khiếp, cậu làm như tớ là “cầy tơ bảy món” không bằng!

Mọi người cười ồ. Đúng như Cầm nói, đám giỗ chỉ có mấy anh em cùng quê đã quen biết nhau cả. Ngoại trừ một người, Cầm bảo:

- Để xem cậu có nhận ra nhân vật mới này không?

Trước mặt tôi là một thiếu phụ xinh đẹp có lẽ đã ngoài bốn mươi, từ cách trang điểm cho tới quần áo cho thấy, nàng không phải là người quê tôi. Đúng là không nhớ nổi.

Một ai đó nhắc:

- Thôi để tí nữa anh chị hãy tìm hiểu nhau, còn bây giờ thì cậu đi làm thủ tục với bà giáo đi!

Tôi bước tới bàn thờ bà giáo thắp hương. Không có ảnh bà giáo trên bàn thờ nhưng trong ký ức của tôi vẫn còn loáng thoáng hình ảnh bà giáo.

Ngày ấy, gia đình tôi có hai sào ruộng ở gần nhà Cầm. Tôi thường cưỡi trâu theo các anh chị cày bừa ở đó. Bà giáo bị điên. Bà thường lủi thủi kiếm củi nhóm bếp dọc bờ tre lối vào nhà Cầm. Đám trẻ con hay trêu chọc bà. Thường thì bà nói lẩm bẩm điều gì đó rồi bỏ đi.

Chị tôi nói, bà giáo ngày xưa là con quan, xinh đẹp, thông minh. Bà học trường Tây ngoài phủ, một thầy giáo trẻ người Pháp yêu bà. Rồi cách mạng nổ ra. Người yêu bà về Pháp không trở lại. Bà bị điên từ đó.

- Tội nghiệp bà. Người ta bảo, anh em tụi tớ học hành đỗ đạt, ăn nên làm ra như hôm nay là nhờ bà gánh nợ kiếp trước cho đấy. Nghĩ vậy, tớ đưa bà vào đây, thuê người chăm lo chu đáo cho đến ngày bà mất. Vẫn biết, trách nhiệm chính nuôi bà không phải là tớ. Nhưng các bác, các chú, các anh, chị nhà tớ toàn trí thức cả. Chỉ có tớ là “cổ cày vai bừa” thôi!

Buổi gặp mặt nhân đám giỗ bà giáo ở nhà Cầm hôm ấy không ngờ lại có nhiều chuyện vui. Bình thường tôi nhút nhát, ít lời. Nhưng khi có tí bia rượu vào tôi cũng hay ba hoa. Nhất là những lúc bạn bè lâu ngày gặp lại. Chuyện làm ăn. Chuyện thế sự. Chuyện ngày xưa. Rượu vào lời ra, loạn cả lên. Tôi không nhớ là mình đã ba loa khoác lác những gì hôm đó nữa.

Người thiếu phụ xinh đẹp tôi gặp hôm đó không phải ai xa lạ mà là Quỳnh. Một hoa khôi của trường tôi dạo trước. Tôi không quen Quỳnh, chỉ biết Quỳnh là con gái “rượu” của vợ chồng một bác sĩ quân y công tác ở bệnh viện quân khu sơ tán về quê tôi. Ngày ấy, quê tôi còn “cổ điển” lắm. Những cô gái thành phố ăn trắng, mặc trơn về quê tôi bỗng chốc trở thành “thiên nga” cả. Huống nữa là Quỳnh. Quỳnh xinh đẹp lại văn nghệ giỏi. Bởi thế, ngay từ ngày mới vào lớp 8, Quỳnh đã là tiêu điểm chú ý của trường. Quỳnh học cùng lớp với Cầm, lớp 8b.

Đối với tôi, hỏi có biết Quỳnh, chắc chắn tôi đáp: Không! Nhưng nếu hỏi có nhớ ai hát bài “Bên ven bờ Hiền Lương” hôm đi nhập ngũ không thì tôi nhớ ngay: Quỳnh 8b.

Tôi bảo Quỳnh:

- Quỳnh này, có cô gái 8b anh không biết tên. Anh kể chuyện này rồi em điều tra xem cô ấy là ai hộ anh nhé!

Quỳnh bảo:

- Anh nói đi, có chuyện gì uẩn khúc em giải oan cho. Bọn con gái 8b tụi em vẫn còn liên lạc với nhau mà.

Và tôi kể: Đúng cái hôm bom Mỹ ném trúng kho lương thực Dùng, huyện đoàn huy động toàn bộ thanh niên các xã lân cận đi sơ tán thóc. Đêm ấy, người đen đặc cả thị trấn. Mùi khói bom hãy còn khét lẹt. Nhà cửa, cây cối đổ ngổn ngang. Phải xếp hàng đến quá khuya anh mới len vào được chỗ lấy thóc. Cả mấy dãy kho đổ sụp. Gạch ngói, đất cát gỗ nứa ngổn ngang. Phải nhặt nhạnh hết mọi thứ mới xúc được lưng thúng thóc. Quỳnh biết sao không? Khi anh đang xúc thúng thóc thứ hai thì vớ phải một cánh tay người. Cánh tay mềm nhũn, lạnh toát. Nó bị đứt rời ở khoảng trên khuỷu tay một chút. Anh phải lặng đi có đến vài phút rồi mới la lên được:

- Cánh tay! Có cánh tay ai đây này? Người ta xúm lại đông đặc. Anh không còn biết gì nữa. Kéo được hai thúng thóc ra khỏi cái biển người rùng rùng ấy, anh lặng thinh cắm cổ bước.

Qua khỏi phà Dùng. Ánh trăng cuối tháng bàng bạc rải trên cánh đồng lúa. Lúc ấy, đang là tháng hai ta. Lúa đang thì con gái mơn mởn. Gió đêm trên đồng mát rượi. Lạ thật, mới ban ngày, máy bay, bom đạn quần đảo, gầm thét, cuộc sống chiến tranh như sôi lên, bức bối đến ngộp thở. Vậy mà, đêm đến, cảnh quê yên bình đến lạ. Cảm giác ấy làm anh quên đi cánh tay người đứt rời lẫn trông đống thóc lúc nãy. Anh không biết, anh em trong chi đoàn đã về hết chưa hay còn kẹt lại bên kia sông mà đường về vắng teo.

Khi đến ngã ba Thanh Hương, anh gặp một cô gái đang ngồi khóc rấm rứt, anh hỏi:

- Bạn ở chi đoàn nào vậy?

Cô gái ấp úng:

- Em ở chi đoàn lớp 8b. Em bị đau chân không đi được nữa!

Và thế là anh san gánh thóc cho cô ta. Thực ra, cô ấy cũng chỉ gánh khoảng hai chục cân thóc. Người đâu mà yếu thế. Anh thầm nghĩ: chắc cô này người thành phố không quen gánh gồng. Con gái làng anh ấy à, bốn năm chục cân băng qua cánh đồng đường trơn trượt, vẫn chạy băng băng. Chợt thấy Quỳnh nhìn tôi trân trối:

- Là anh ư? Có phải là anh không?

- Anh nào? Tôi ngớ ra - thì anh đang kể chuyện mình mà lại!

Quỳnh như reo lên:

- Ối trời ơi! Thế mà bây giờ em mới biết. Cô gái khóc nhè ngồi bên đường hôm ấy là em đấy. Ghét anh ghê!

*

Theo địa chỉ của Quỳnh đưa, tôi tìm đến nhà Quỳnh như đã hẹn. Đó là một căn hộ tập thể tuềnh toàng nằm sâu trong ngõ phố. Tôi gõ cửa phòng:

- Ai đấy, xin đợi một lát.

Cửa mở. Quỳnh trong bộ quần áo bằng lụa óng ánh. Nhìn gương mặt vừa mới trang điểm xong của Quỳnh không ai nghĩ đây là một phụ nữ đã ngoài bốn mươi.

- Anh ngồi đi ! Để em tìm cái gì uống.

Tôi nhìn một lượt căn phòng. Mọi thứ tiện nghi không có gì sang trọng cả nhưng bày biện hợp lý, gần gũi, dễ thương. Trên bàn nước, một nhánh phong lan màu tím biếc ngay thơ phô sắc.

Quỳnh đặt ly nước mát trước tôi. Mùi nước hoa từ người nàng thoang thoảng.

Tôi hỏi:

- Em ở đây một mình à?

Quỳnh cười:

- Một mình là thế nào. Cả con gái em nữa chứ.

Hôm nay cháu đi dự sinh nhật bạn. Tối cháu mới về. Anh ở đây ăn cơm với mẹ con em nhé!

Tôi đùa Quỳnh:

- Đẹp như em mà chịu ở một mình à?

Quỳnh cười:

- Chả mù đâu, chỉ có em mù thì có, em nhìn cả “mớ” đàn ông mà chẳng chọn được “một nửa” cho mình. Mà chẳng cần đâu. Em sống “văn nghệ” lắm. Đây, anh xem, buồn thì đã có cái này, Quỳnh kéo ri đô. Một giá sách chạy dài gần hết căn phòng phía sau.

Quả thật, nếu hôm ấy không có cái giá sách thì câu chuyện của chúng tôi sẽ tẻ nhạt biết bao. Tôi nhìn giá sách của Quỳnh, thầm nghĩ, chủ nhân giá sách này hẳn phải là một người “văn hóa” lắm đây. Những thú vui ở đời đâu phải chỉ nằm ở nhà hàng, vũ trường, ở các hội nghị. Cả một thế giới sôi động, muôn hình muôn vẻ đang nằm yên trên giá sách của Quỳnh.

Thế rồi, bằng những câu chuyện về văn chương, dần dà tôi đã mở được cánh cửa tâm hồn lâu nay vẫn khép kín của nàng.

Truyện ngắn của LÊ HUY MẬU

.
.
.