Trăng chơi vơi
5 giờ chiều, bến xe vẫn ồn ào đông đúc. Xe vừa vào bến chưa kịp dừng, hàng chục ông xe ôm đã chạy theo, ríu rít giành giật: “Áo xanh trong góc đó của tao nghe, áo đỏ đó của tao nghe, áo tím đó của tao nghe…”. Chị muốn cười quá, quay sang nói với người bên cạnh: Họ làm như đang chia đồ vậy! Người bên cạnh lại cười tươi như hoa: Thì chị cứ nghĩ họ là người quen đang đón mình đi. Là người quen đang đón mình ư? Lần này chị cười thật sự: Chẳng lẽ có ai quen để đón mình sao? Xe dừng hẳn lại, anh lơ nhanh nhẹn nhảy xuống mở cửa, hành khách lục tục chui ra trong sự vồ vập của “những người quen” đang chia chác “người quen”. Xui xẻo cho một anh xe ôm đã giành đón chị, anh ta vồn vã: Chị về đâu, tui đưa về, giá rẻ thôi mà nhưng chị lắc đầu mãi làm anh ta nản chí phải quay sang làm quen người khác. Người quen hai giờ ngồi bên nhau của chị đã yên vị trên chiếc xe ôm nghiêng đầu chào nhẹ: Tui đi trước nghe. Không đợi chị gật đầu chiếc xe đã vọt tới, đưa người quen cuối cùng của chị biến mất trong ráng chiều chạng vạng. Thốt nhiên chị còn lại một mình, người đón người đưa đi hết rồi, không còn ai cả, dù xung quanh vẫn đông đúc ồn ào tiếng cười nói, tiếng mời chào của những người quen chưa lần gặp gỡ.
Minh họa của MINH SƠN |
Khi chị lững thững xách valy ra cổng bến xe thì đã thấy ông yên vị trên chiếc Dream cà tàng, y như là ông ngồi đó từ hồi nào đến giờ vậy, dáng ngơ ngác không kém gì chị và có vẻ đáng tin cậy. Lách ra khỏi đám “người quen”: Chị đi đâu tui chở cho, chị đi đâu tui chở, chị đi đâu... chị bước thẳng đến bên ông, nói địa chỉ, ông già gật gù: Hơi xa à nghen!
Ông già chạy chầm chậm, rồi phân bua: Chạy chậm vầy cho chắc ăn nghen cô! Chị cười: - Không sao đâu bác! Miễn sao tới nơi là được rồi.Vun vút hai bên họ những chiếc xe to, nhỏ, cũ, mới ngược xuôi như mắc cửi nhả ra hơi nóng ngột ngạt. Thành phố là đây sao? Không khí đặc quánh đủ thứ mùi vị, đủ thứ màu sắc và những đôi mắt nhìn thẳng vào nhau nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy nhau.
Chiếc xe ôm lạng lách như làm xiếc vượt qua khỏi mớ lộn xộn những xe và người để tiến lên, mang theo hai cuộc đời. Đã ra xa lộ, gió thổi lồng lộng nên không khí dễ chịu hơn một chút. Đường phố lên đèn, những ngọn đèn cao áp sáng rực khiến bóng đêm bị đẩy lùi đi đâu đó rất xa, rất xa. “Hay ở thành phố thì không có đêm nhỉ?” Chị tự hỏi và đã đinh ninh như vậy nếu ông già xe ôm không lên tiếng: “Trăng kìa, cô có thấy trăng không, mười tư rồi đấy!” Ừ, trăng thật. Trăng có tự hồi nào mà chị không hề để ý. Trăng nổi lên vành vạnh ở trước mặt hai người - ông già và chị - và lơ lửng ở cuối con đường. Nhưng trăng có ánh sáng không? Chị nghĩ vậy bởi không thấy ánh sáng dịu dàng và rực rỡ thường có của ánh trăng tỏa ra. Trăng rằm là sáng lắm chỉ có điều tại ánh sáng điện sáng hơn nên nó bị mờ đi! Ông già trả lời, nhưng chị có hỏi đâu? Chị đang nhớ về thằng nhóc. Nếu giờ này chị ở nhà thì hai mẹ con đang nằm trên chiếc võng ngó lên trời, đếm: “Một, hai, ba, bốn, năm… một trăm, hai trăm,… mẹ, con quên rồi, mình đếm lại đi” và nhóc con sẽ ngọng nghịu: Trăng tròn như quả bóng, bạn nào đá lên trời. Mẹ, bạn nào vậy mẹ, phải Bi không? Chà chị quên không mang kính, bụi bay vào mắt rồi!
Có lẽ ra khỏi thành phố không khí dễ chịu, thoải mái hơn, hay là tại có ánh trăng, hay là thường người tài xế biết chuyện ít khi để khách của mình buồn, nên ông già lại lên tiếng:
- Trong thành phố nhà cao tầng nhiều nên ít khi thấy trăng lắm. Bà nhà tui nhiều lúc thèm trăng thường phải leo lên sân thượng nhà thằng con lớn để ngắm trăng. Nhưng lúc khỏe kìa chớ lúc yếu thì...
- Bác nhà năm nay bao nhiêu ạ?
- 63 cô ạ, tui 65.
- Thế thì hai bác còn ít tuổi hơn cha mẹ cháu, chưa già đâu ạ!
- Chưa nhiều tuổi nhưng bà ấy bỏ tui rồi cô ơi!
- ?!
- Bà nhà tui cực lắm! Bốn đứa con, làm nhà, dựng vợ, gả chồng đâu đó một tay bả hết. Tui có mà như không, suốt ngày chỉ lo đi đây đi kia, nghệ thuật này nghệ thuật nọ không phụ giúp được việc gì mà còn lấy của nhà mang đi. Lúc đầu bả còn cằn nhằn, la lối, nhưng sau cái đận ấy… Mà cô có mấy cháu:
- Cháu có một thôi ạ, mới ba tuổi.
- Ư, tuổi đó đi mẫu giáo rồi nhưng tuổi đó cũng là tuổi quấn mẹ. Bây giờ có mẫu giáo chớ hồi tụi tui làm gì có. Mấy đứa nhỏ sàn sàn tuổi với nhau nên bà nhà tui cực lắm, tui không hiểu sao bà vừa đi dạy, vừa chạy chợ lại vừa chăm sóc tụi nó được, mà đâu phải mình tụi nó… Thế chú nhà làm gì?
- Dạ, anh cũng làm cán bộ nhà nước ạ!
- Cán bộ nhà nước à, hồi xưa tui cũng làm nhà nước chớ nhưng sau mê chụp hình nên bỏ nghề khăn gói đi theo nó, còn bà già cũng bỏ dạy để chạy chợ. Thường làm nhà nước thì không giàu có nhưng mà căn bản hơn.
Sau tiếng dạ chị im lặng. Ký ức trôi ngược hơn 100 cây số để trở về ngôi biệt thự gần bốn tỷ đồng được dựng lại từ tiền của chị. Phong cách cổ điển mà sang trọng, nội thất toàn bằng gỗ mà một bộ đi văng đã bằng cả căn nhà của một người bình thường. Trong căn nhà ấy, nhóc con ba tuổi đang làm gì nhỉ? Còn làm gì khác ngoài chuyện ngồi trong lòng bà ngoại gào khóc hỏi mẹ đâu rồi, mẹ chừng nào về mà bà làm sao biết được. Khi chị đi, bà nhìn chị, ánh mắt không thể diễn tả bằng lời nhưng phải làm chị quay đi hướng khác: Ừ cứ đi đi, để thằng Bi má giữ. Đưa cái khăn quàng cổ cho chị, bà tiếp: nhớ về sớm sớm nghe con rồi bước vội vào phòng nhóc con. Lúc đó, chồng chị không có nhà. Anh ta đang đi đánh tennis hay loanh quanh phê pháo đâu đó với bạn bè. Nhớ đến chồng, chị bật cười khan nhớ lại cái tin nhắn mới nhận được khi đang ngồi trên xe tốc hành: Em ơi, bóng đèn nhà tắm hư rồi làm sao bây giờ? Lấy nhau hơn mười năm, không biết bao nhiêu lần chị phải thay bóng đèn, sửa dây điện, có lần, lúc mới cưới, còn trẹo chân vì dọi lại mái nhà… Chị mệt mỏi!
- Thế cô đi công tác hay đi thăm ai ở Thủ Đức? Tiếng ông già đột ngột khiến chị giật mình.
- Dạ, không, à có, cháu thăm người bà con bác ạ!
- Tui sống ở thành phố năm mươi năm có lẻ rồi mà nhiều khi thấy ghét không chịu nổi, nhất là mấy cái cao ốc - ông già chuyển đề tài đột ngột - họ xây làm gì mà cao quá trời!
- Tại đất chật người đông mà bác.
- Nhưng nó che khuất mặt trăng kìa!
Hóa ra là vậy, đúng là có mấy cái cao ốc đang che khuất mặt trăng.
- Bác yêu bác gái quá!
- Yêu, yêu chứ, nhưng phải chi tui nhận ra sớm thì hay biết mấy!...
- Mấy cái nghệ thuật, nghệ thiết làm tui bỏ bả và đám con đi biền biệt, chỉ trở về nhà khi hết tiền. Mà bả cũng dữ dằn lắm nghen, tui bán đồ bán đạc lấy tiền bả cũng không thèm nói gì nhưng khi biết tui có bồ bên ngoài là không thèm sỉ diện gì hết, kiếm tới tận chỗ đánh con nhỏ một trận tơi bời. Lần đó, tui tức quá xán cho bả bạt tai, đạp cho bả một đạp. Rủi tai, bả bị sẩy thai đứa thứ năm. Vậy là từ đó, vợ chồng coi như có sẹo.
- Từ đó về sau bà không còn đả động gì đến chuyện của tui nữa!
- Cũng từ đó đám con cái cũng ít nói chuyện với tui, mà tui cũng không dám nói chuyện với tụi nó!
- Ba tháng trước tự nhiên bả phát bệnh, từ nào tới giờ bả chưa tốn một viên thuốc vậy mà phát bệnh lên rồi là liệt giường luôn. Chỉ có ba tháng đó vợ chồng mới là vợ chồng(!?) Ngày nào bả cũng biểu tui đưa đi coi trăng nhưng đâu phải lúc nào trăng cũng có!
Chiếc xe đột ngột thắng đứng lại. Chị vẫn ngồi sửng sốt trên xe tuồng như không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng cảm giác có tiếng gọi thảng thốt... “Mình ơi!”. Ông già cũng ngơ ngác, ngó trước ngó sau rồi nói: Đây là Thủ Đức rồi nè cô, mình đi đâu nữa? Chị nhìn vào mắt ông, thấy những ánh lệ long lanh nhưng trên mặt không một giọt nước: Con đến khách sạn X. ở đường Y. phường P.
Ông già đề máy chạy tiếp.
Chị hỏi nhỏ:
- Sao bác không làm nghề chụp hình nữa?
- Lâu lắm tui không còn hứng thú chụp hình nữa. Cũng mấy năm rồi, chắc là từ hồi bả không còn cằn nhằn tui nữa!
- Sao bác không nói với bác gái là bác không còn léng phéng nữa?
- Tui không biết, tui nghĩ từ từ bả cũng biết, tui tính mai mốt nói cũng được, phải chi biết vầy…
- Chắc bác gái biết!
- Nhưng biết bây giờ thì có ý nghĩa gì đâu, chúng tôi đã bỏ phí bao nhiêu năm...
- Bây giờ bác sống với ai?
- Với thằng con út. Vợ chồng nó đối xử cũng tử tế. Tụi nó không biết tui chạy xe ôm đâu nhưng mà ở nhà vắng vẽ buồn quá nên tui lén tụi nó ra ngoài đường biết đâu trốn buồn được. Mới chạy có ba ngày hà! Mà cô ơi đây là đường Y. phường P. nè mà có thấy khách sạn X. ở đâu đâu?
Ông già ngừng xe để chị bước xuống lấy điện thoại xem lại mẫu tin nhắn có địa chỉ, đúng là đường này mà có sai đâu. Ông già hỏi thăm người chạy xe ôm, ông ta gật gù nghe rồi nhiệt tình chỉ: Khách sạn này nằm trong con hẻm mới mở, bác chạy ra đằng trước rồi quẹo phải, sau đó quẹo trái... Người già, người trẻ lại tiếp tục đi tới theo vầng trăng vẫn lơ lửng trước mặt...
Cuối cùng điểm đến đã hiện ra. Nhỏ nhắn, xinh xắn, sang trọng như một biệt thự hơn là khách sạn. Trông nó thật bình yên và sự cân bằng cuộc sống ở trong đó! Chị mở máy xem lại “Anh đã ở Thủ Đức, phòng…, khách sạn X., đường Y., phường P., Thủ Đức” và hàng chục tin khác: “Em đã đến đâu rồi?”. Chị ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh cổng khách sạn trong cảm giác trống rỗng, chông chênh thường trực mặc cho hai người bảo vệ nhìn chị vừa ngạc nhiên vừa dò hỏi gì. Có lẽ chị sẽ ngồi ở đó mãi mãi nếu ông già không lên tiếng: Cháu vào đó đi? Trong đó có thật sự yên ổn không hả bác? Cháu có trốn được không hả bác? Không có tiếng trả lời!
Ánh sáng từ trong khách sạn tỏa ra rực rỡ lung linh, quay lưng lại, lạ thay, bao đoạn đời đã qua mà ánh trăng vẫn chơi vơi không hề thay đổi!
THANH NAM