.

Hoa tháng Mười

Cập nhật: 13:16, 16/10/2020 (GMT+7)

Tháng Mười có một ngày dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, một ngày để mọi người tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, những thành tựu lớn lao mà xã hội đã ghi nhận và nhan sắc quyến rũ, xinh tươi của các người đẹp Việt. Đó cũng là dịp để một nửa thế giới còn lại tụng ca người thân thương nhất của mình, đó chính là các bà, các mẹ, các chị, các em gái… và cả những người phụ nữ chưa từng quen biết, những người vẫn thầm lặng làm những công việc hàng ngày bình dị có cả nặng nhọc, lam lũ, nguy hiểm ở khắp mọi miền Tổ quốc:

Cô gái Bà Rịa - Vũng Tàu trong tà áo dài.
Cô gái Bà Rịa - Vũng Tàu trong tà áo dài.

Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển

Mà hỏi có gì đẹp trong cô gái Việt Nam

Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ

Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang

Từng cây lúa từng cây súng

Dâng tự hào cùng cô gái Việt Nam

(Hai Chị Em - Hoàng Vân)

EM ĐI BẮC NHỮNG NHỊP CẦU

Người ta vẫn quen gọi phụ nữ là những người đẹp hoặc là phái yếu. Và có lẽ, tất cả mọi phụ nữ trên thế giới này đều mong muốn mình được xinh đẹp và dịu dàng, e ấp như đặc tính họ được ban tặng. Nhưng khi khói lửa chiến tranh tràn vào mảnh đất yên lành, tràn vào từng góc nhà, góc sân, cướp đi những gì bình yên nhất, thân thương nhất, thì những người đẹp và dịu dàng nhất cũng phải đứng lên bảo vệ quê hương xứ sở của chính mình:

Trái tim đau nỗi đau mất nước

Anh ơi anh - khi Tổ quốc yêu cầu

Ta sẵn sàng gửi lại nhớ thương nhau

Theo bước hành quân kháng chiến

(Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh)

Đó chính là thời kỳ “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “những nón trắng cày ruộng thay chồng trên cánh đồng năm tấn thóc”, những người phụ nữ chân yếu tay mềm quanh năm cày cấy, ruộng vườn, lo toan cơm nước giờ trở thành những người mẹ cầm súng:

Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi, cả hai cùng có mặt

(Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly)

Còn là những cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi dũng cảm, kiên trung sẵn sàng lên đường không chút so đo, tính toán. Cái tuổi đẹp nhất của họ đã hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc quê hương mình:

Em đi lên rừng cây xanh mở lối

em đi lên núi núi ngả cúi đầu

Em đi bắc những nhịp cầu

nối những con đường tổ quốc yêu thương

cho xe thẳng tới chiến trường.

Cô gái miền quê ra đi cứu nước

mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn.

Bàn tay em phá đá mở đường gian khó phải lùi nhường em tiến bước.

(Cô gái mở đường - Xuân Giao)

Họ cũng chính là những người vợ nơi hậu phương chung thủy chờ chồng theo phong trào “hậu phương thi đua với tiền phương” bởi vì người ở tiền tuyến chắc tay súng khi trái tim tràn đầy tình yêu và niềm tin với người ở quê nhà.

Đoàn con gái trở về trong nỗi nhớ

Tập vực trâu, vạch tiếp những đường cày

Ruộng đã bừa xong, mạ vừa hồ rễ

Trước mùa xuân hội cấy chăng dây

Những nhánh lúa theo tay người thẳng tắp

Như lòng thương nối tiếp không cùng

Của hậu phương gửi sâu vào thớ đất

Nỗi nhớ lên xanh cả cánh đồng!

(Hậu phương - Xuân Quỳnh)

EM LẤY MÙA THU LẤY NẮNG MÂY

Khi đất nước hòa bình. Những người phụ nữ Việt Nam lại góp phần không nhỏ vào việc xây dựng lại quê hương. Họ có mặt trên mọi lĩnh vực. Từ những công việc giản dị, thiết thực, gần gũi nhưng lại rất quan trọng với mỗi gia đình - những tế bào của xã hội:

Mùa xuân ai đi hái hoa

Mà em đi nuôi dạy trẻ

Sao em muốn đàn em mau khoẻ

Sao em muốn đàn em mau ngoan

(Cô đi nuôi dạy trẻ - Nguyễn Văn Tý)

Họ là những phụ nữ đang cống hiến thầm lặng, vất vả, không lộng lẫy váy áo, không son phấn rực rỡ. Nhưng đó là những việc không thể thiếu vắng mỗi ngày, dẫu trời mưa hay nắng, mùa đông rét mướt hay mùa hạ nóng nực: 

Những đêm đông

Khi cơn dông

Vừa tắt

Tôi đứng trông

Trên đường lặng ngắt

Chị lao công

Như sắt

Như đồng

Chị lao công

Đêm đông

Quét rác...

(Tiếng chổi tre - Tố Hữu)

Và họ - những người phụ nữ Việt Nam hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, là những văn sĩ trí thức đạt nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại, đem đến bao tự hào cho người Việt không chỉ trong nước mà còn khắp nơi trên thế giới.

Em đứng giữa giảng đường hôm nay

Kìa trời xanh nắng đẹp dâng đầy

Một niềm vui mới dựng xây thành phố

Câu hát lên cao thắm đẹp ước mơ

Được cùng chị cùng em bay tới những chân trời khoa học bao la

(Em đứng giữa giảng đường hôm nay - Tân Huyền)

Và một điều không thể không nhắc đến đó chính là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào của cánh “mày râu” mỗi khi các nàng bước ra các cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế.

Em lấy mùa thu lấy nắng mây

May thành áo hội mặc đêm nay

Lung linh nếp áo hồn xứ sở

Hương sắc chập chờn gợn sóng bay

Mượn lược trăng vàng chải tóc xanh

Chòm sao vương miện sáng long lanh

Giơ tay em với chòm sao đội

Để cho em nghiêng nước nghiêng thành

(Đêm hoa hậu - Nguyễn Phan Hách)

Nếu Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản, Hanbok là trang phục của Hàn Quốc thì chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Người con gái Việt trong bộ áo dài mang theo cả nét văn hóa truyền thống và tâm hồn, cốt cách Việt.

Nhẹ nhàng tung bay tà áo dài

Em phụ nữ Việt

Ánh lên bao rạng ngời người Phương Đông,

(Em trong mắt tôi - Nguyễn Đức Cường)

Trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, gần trăm năm bị Pháp đô hộ, áo dài tiếp xúc cả 2 luồng văn hóa.Tuy nhiên, nó vẫn vượt qua mọi thử thách để trở thành “quốc phục”, một biểu tượng của người phụ nữ, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam:

Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu

Dù ở đâu Pa-ris, Luân Đôn hay ở những miền xa

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... Em ơi!

(Một thoáng quê hương - Từ Huy & Thanh Tùng)

VŨ THANH HOA

.
.
.