Từ mùa thu cũ
Tôi đã từng hứa viết tặng mùa thu một điều vui buồn gì đó, nhưng mỗi khi cầm bút, sao tôi thấy khó đến lạ kì? Dường như trước mùa thu, tôi thấy mình nhỏ bé và ngô nghê vô cùng. Tôi sợ chạm mạnh vào cái tiết trời mong manh dịu nhẹ. Tôi sợ làm xô lệch những gì mà ai đó đang nghĩ cho mùa thu. Tôi sợ bắt gặp một cánh đồng vụ mùa vẫn còn bao dấu vết của mồ hôi trên áo...
Với người miền Bắc xưa, cứ mỗi độ thu về là kéo theo tâm lí tích luỹ cho những ngày đông tháng giá. Thu càng vào sâu thì tâm lí ấy càng được củng cố cao độ. Vì thế, mùa thu là khoảng thời gian tốt nhất dành cho sự chuẩn bị ấy. Tuổi thơ ở nông thôn, nhất là những thế hệ 7X, 8X chắc không thể quên được hình ảnh và hương vị của củ khoai nướng, bắp ngô luộc khi tiết trời se lạnh. Những lấm láp của những lần tát múc cá cua, tôm tép. Có những lần nghịch dại, thử bắt cá lên nướng như người miền Tây nhưng không thể ăn nổi vì thịt của nó vẫn còn sống và tanh vô cùng. Hóa ra chúng tôi háu ăn quá, xiên cá chưa cắm tận xuống gần mặt đất, rơm đốt lại ít, nhiệt không đủ làm cá chín. Lúc ấy, mỗi đứa một vẻ, vừa buồn cười, vừa buồn bực, vừa tiếc rẻ. Nhưng có lẽ, những lần đi mói củ sen rồi mang hết ra sông vừa tắm vừa rửa sen nhai ngau ngáu với nhau là sướng nhất. Ăn củ sen sống chưa thỏa, chúng tôi bèn bỏ cả vào nồi luộc. Hương vị củ sen luộc cũng không kém phần thú vị, bùi bùi, ngọt ngọt, ngậy ngậy. Chỉ có điều ăn xong, tha hồ mà lấy vữa từ tường vôi mà ngồi cọ thành nồi vì nhựa sen bám vào đó từng vệt ngang đen sì. Chúng tôi dần lớn khôn, dần trưởng thành và nên người từ những gì như thế, từ những điều gần gũi nhất của nông thôn, của đồng ruộng.
Có lần bà tôi bảo “Rô tháng tám chả dám bảo ai. Rô tháng hai bảo ai thì bảo”. Lên học đại học, cô bạn gái thủ thỉ “Ếch tháng mười, người Hà Nội”, anh ơi!... Hình như mùa thu cũng mang trong nó nghĩa của thu hoạch, của căng đầy và chín mọng. Câu thơ “Bao giờ cho tới mùa thu, trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm” của Nguyễn Duy hiện lên bất chợt làm tôi nhớ nhà khôn tả. Nhớ bàn tay bà, nhớ bàn tay mẹ mỗi độ thu về làm cốm gói lá sen phần tôi mỗi khi tôi vắng nhà. Đi xa mới thấy mùi cốm không hề dễ quên. Cốm được gói lá sen quả là một món quà thanh nhã và tinh khiết, một món ăn đượm hồn quê, tình làng từ những người nông dân một nắng hai sương. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một hình ảnh về cốm rất đẹp trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Câu hát “Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”… vang lên giữa trời thu, khí thu Hà Nội lại làm tôi thêm yêu những con người lao động bình dị của đất nước một cách rất chân thành, chan chứa và gần gũi vô cùng. Rồi còn biết bao nhiêu tác phẩm hay, ở nhiều thể loại được gợi hứng từ mùa thu mà mỗi người sẽ thêm trân trọng cuộc sống từ những hiểu biết và rung cảm của riêng mình.
Có lẽ, từ khi biết đọc thơ, tôi mới thấy mùa thu đẹp. Từ khi hiểu hơn về âm nhạc hòa trong thơ, tôi lại thấy mùa thu đẹp hơn nữa. Và từ khi biết yêu, tôi mới chợt nhận ra mùa thu thật ý nghĩa. Tôi yêu mùa thu một cách tự nhiên như những gì mùa thu mang đến. Tình yêu ấy vừa trong trẻo, vừa đậm sâu khi tôi ở Hà Nội. Hà Nội, khi những chiếc lá vàng khẽ rơi trên mặt nước Hồ Gươm, khi sóng Sông Hồng yên ả phù sa, khi hương hoa sữa toả lan thoang thoảng, khi đường phố muôn sắc ánh đèn. Hai mùa heo may tràn đầy kỉ niệm. Tôi và em đến với nhau bằng tất cả niềm tin, sự kiên trì và lòng tự trọng. Tình yêu sinh viên đẹp theo đúng nghĩa của nó nhất. Cho đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn người con gái ấy đã làm thay đổi trong tôi bao tư duy và cảm xúc. Ngày đầu tiên chia xa cũng là ngày đầu tôi thấy thu vắng lặng, hắt hiu… Tôi không dám chắc mình biết nhiều về hội họa, nhưng phải chăng Isaac Ilyich Levitan thế kỉ XIX cũng đã từng bâng khuâng vô định lắm mới có thể để tình thu nương náu diệu kì với cảnh thu trong kiệt tác mang tên “Mùa thu vàng” của ông. Tác phẩm đó cho đến bây giờ vẫn là một trong đỉnh cao về tranh phong cảnh của nền hội họa nước Nga và thế giới.
Mùa thu đến rồi đi, gặp gỡ rồi chia li. Mùa thu có khi cho đi mà không cần nhất thiết cứ phải nhận lại. Và có ai đó đã nói rằng: “Trai gái bằng tuổi nhau thì con gái thường chín chắn hơn trong tình yêu”. Riêng về điều này, tôi thấy đúng. Lòng tôi sau đó trống hơ trống hoác. Những cơn gió làm lá khô rơi xào xạc cũng chẳng khiến tôi nghĩ nhiều đến con nai hiền lành thuở xưa. Tôi mặc kệ trái tim rêu phong, cỏ úa. Cho mãi tới khi quyết định về quê dạy học, lũ trẻ làm mùa thu cũ của tôi cũng dần xa và thời gian cũng đã làm nhạt nhoà nhiều nhẽ. Con đường ít vắng vẻ như hồi tôi mới ra trường. Đôi khi kí ức ùa về theo đôi chân bước chậm nhưng để tôi thấy trân trọng hơn những điều mới từ mùa thu cũ.
VŨ VĂN CƯƠNG