Những thiên thần áo trắng
Nhiều lúc tôi nghĩ: trong đời mình có hai người thầy đó là người thầy giáo và người thầy thuốc. Thầy giáo thì đi với mình một chặng đường lúc còn học hành ngồi trên ghế nhà trường. Còn người thầy thứ hai là thầy thuốc đi với mình, gắn bó với mình suốt cả cuộc đời dõi theo từng nhịp tim nhịp thở, từng biến đổi sinh học theo tuổi tác. Đó là người thầm lặng song hành từ lúc mình cất tiếng khóc chào đời , hai bàn tay người thầy thuốc như nhịp cầu đưa mình vào cuộc sống bằng nhát cắt rốn đầu tiên. Đây cũng chính là lúc người mẹ giao phó mình cho người thầy thuốc từ lúc trưởng thành cho đến lúc nhắm mắt. Một người thầy âm thầm lặng lẽ với chiếc áo blouse trắng mà có lần tôi ví đó là “màu trắng trong đêm” sưởi ấm tình thương đến với mọi người bệnh không phân biệt tuổi tác, địa vị, giàu nghèo...
Nhiều lúc tôi ngắm nhìn biểu tượng chữ thập đỏ của ngành y và tôi nghĩ không có biểu tượng nào giàu ý nghĩa hơn thế. Đó là sự cộng thêm, sự chia sẽ ân tình, cộng lại những thiếu hụt để cho tròn đầy bù đắp. Cộng hưởng tình cảm bao dung cộng đồng như lời Bác Hồ căn dặn: “Lương y như từ mẫu”. Thật khó có hình ảnh nào hay hơn gần gũi hơn khi ví tấm lòng người thầy thuốc như người mẹ hiền. Chỉ có mẹ mới cảm thấu được tâm tính, nỗi đau của đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Chỉ có người thầy thuốc mới lắng nghe được nhịp tim, tiếng ho, cái trở mình, câu nói mớ thảng thốt của người bệnh để từ đó “bắt mạch” không chỉ đập phập phồng mạch máu mà còn là nhịp tâm thức, tâm trí, tâm trạng của bệnh nhân. Cái mối giao cảm sinh học ấy chỉ có ở người mẹ, ở người thầy thuốc.
Trong những ngày này, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona đang hoành hành trên toàn cầu thì những “Thiên thần áo trắng” không phân biệt quốc gia, châu lục đều hướng về Vũ Hán (Trung Quốc) nơi phát sinh tâm dịch. Với bộ đồ bảo hộ, chiếc khẩu trang y tế có thể ngăn cách vi rút với con người nhưng không thể ngăn cách ánh mắt lấp lánh chứa đựng yêu thương, chứa đầy lòng bác ái với một hàm số chung: Tất cả vì sự sống con người, vì đồng loại. Cứ mỗi ngày trôi đi lòng chúng ta se thắt lại với con số những người ngã xuống vì dịch bệnh. Trong đó có cả người bác sĩ đầu tiên phát hiện và dũng cảm công bố vi rút cũng như bác sĩ viện trưởng bệnh viện Vũ Hán. Chỉ hai hình ảnh thân thương ấy thôi cũng đủ nhân lên gấp bội lòng kính phục của mọi người với những thiên thần áo trắng ở Vũ Hán và ở ngay trên đất nước thân yêu của chúng ta.
Bố tôi là một người thầy thuốc. Ngày nhỏ tôi hay thường theo ông vào ngủ ở trạm xá những đêm ông trực. Gần như cả đêm ông không ngủ, mà có ngủ thì giấc ngủ cũng chập chờn. Tất cả tâm trí của ông đều hướng về phía phòng bệnh nhân. Mỗi tiếng động nhỏ nhất trong đêm khuya thoát ra ông đều nghe được và khoác vào mình tấm áo blouse trắng bước nhanh tới nơi người bệnh vừa phát ra tiếng động. Tôi nhìn ra chỉ thấp lấp loáng một màu áo trắng tinh khiết như sắc nắng trong đêm hắt lên tường vôi trắng. Và tôi bỗng hiểu vì sao trước cửa phòng trực đêm, ông trồng một khóm hoa nhài xanh tốt và tỉa tót cẩn thận. Ôi cái hương hoa dìu dịu, từ những cánh hoa màu trắng ấy tỏa vào đêm thật lặng lẽ, thật thấm thía vào lòng ngực - Hương thầm!
Và tôi muốn sẻ chia: Hỡi những thiên thần áo trắng - Người đã chắp cánh cho những phận đời không may mắn bay lên xoa dịu những nỗi đau, khâu kín những vết thương. Bởi không thể có gì “cách ly” được tấm lòng của cộng đồng nhân ái bắt đầu từ những thiên thần áo trắng...
NGUYỄN NGỌC PHÚ