Valentine và những thi phẩm bất hủ
Nhân loại bao đời nay đã trải qua nhiều thảm họa: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, nghèo đói… đôi khi tưởng như mọi thứ đã kết thúc trong tàn phá, suy kiệt và chết chóc. Nhưng rồi cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, chứng kiến bao sự hồi sinh kỳ diệu trên chính đống tro tàn. Một trong những sức mạnh khiến cho loài người vượt qua nhiều gian nan, thử thách của thiên nhiên, những thăng trầm của lịch sử và số phận chính là vì họ có tình yêu sưởi ấm trái tim mình.
Ngày 14/2 hàng năm đã trở thành ngày trao đổi các bức thông điệp và đọc cho nhau nghe những bài thơ tình bất hủ (ảnh mang tính minh họa). |
Tình yêu khiến cho tâm hồn, trí tuệ thăng hoa, tạo nên nguồn năng lượng vô tận. La Fontaine - nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp đã nói: “Tình yêu đến với những ai vẫn hy vọng dù đã từng thất vọng, vẫn tin tưởng dù từng bị phản bội, vẫn yêu thương dù từng bị tổn thương”. Vì thế, khi các nước phương Tây chọn ngày 14/2 hàng năm làm Ngày Lễ tình yêu (còn gọi là Ngày Lễ tình nhân), trước đây ngày lễ này chỉ thịnh hành ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng ngày nay nó được phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.
TRUYỀN THUYẾT VỀ NGÀY VALENTINE
Không chỉ có một truyền thuyết về ngày Valentine, vẫn còn nhiều tranh cãi cho nguồn gốc ra đời của ngày 14/2 hàng năm nhưng có lẽ truyền thuyết này được nhiều người biết đến nhất: Valentine là tên của một vị thánh tử vì đạo vào cuối thế kỷ thứ ba sau Công nguyên dưới thời cai trị của Hoàng đế La Mã Claudius II (214-270). Lúc đó, nước La Mã đang trong thời điểm chiến tranh. Hoàng đế ra lệnh tổng động viên mọi nguồn lực vào cuộc chiến và cấm mọi người yêu nhau vì nó sẽ làm giảm sức chiến đấu của binh sĩ. Linh mục Valentine ở thành La Mã, cùng Thánh Marius đã chống lại sắc lệnh của hoàng đế và tiếp tục cử hành lễ cưới cho các đôi vợ chồng trẻ trong bí mật. Khi bị phát hiện, linh mục Valentine đã bị bắt và kết án tử hình bằng hình thức kéo lê và bị ném đá cho đến chết. Buổi chiều trước khi ra pháp trường, ông gửi tấm "thiệp Valentine" đầu tiên cho cô con gái của viên cai tù Asterius, người thiếu nữ mù lòa bẩm sinh đã được ông chữa lành bằng phép lạ trước đó, và ký tên "dal vostro Valentino" - from your Valentine (Từ Valentine của em). Cho đến nay, các cặp tình nhân vẫn có truyền thống ký tên bằng cụm từ "From your Valentine" của ngày xưa thay vì tên mình trong các tấm thiệp Valentine. Dần dần, ngày 14 tháng 2 hàng năm đã trở thành ngày trao đổi các bức thông điệp của tình yêu và Thánh Valentine đã trở thành vị Thánh của những lứa đôi. Trong ngày này, những đôi lứa yêu nhau sẽ tặng cho nhau hoa hồng, kẹo chocolate hoặc các món quà có hình trái tim cùng những lời tỏ tình nồng thắm.
TÌNH YÊU VÀ NHỮNG CUNG BẬC
Tình yêu có muôn vàn cung bậc, có đủ mọi sắc thái. Cõ lẽ vì thế tình yêu luôn bất ngờ, luôn hấp dẫn và cũng tạo nên bao cảm xúc với loài người:
“Em bảo anh đi đi/Sao anh không ở lại?/Em bảo anh đừng đợi,/Sao anh lại về ngay?/Lời nói thoảng gió bay/Đôi mắt huyền đẫm lệ/Sao mà anh ngốc thế/Không nhìn vào mắt em?” (Em bảo anh đi đi - Kaputikian), Bài thơ tình bất hủ được chép trong sổ tay của nhiều thế hệ người yêu thơ Việt. Bài thơ sống mãi có lẽ bởi đã đi vào góc sâu thẳm tinh tế nhất của trái tim: đó là mâu thuẫn giữa yêu thương và hờn giận. Có thể nhân vật Anh đã phạm lỗi lầm gì đó với nhân vật Em, nhưng với tình yêu vô bờ bến, lòng vị tha thiên bẩm của phụ nữ: nàng có bảo chàng đi cũng là bởi muốn chàng mãi ở bên mình, có giận dỗi, trách móc cũng bởi nàng quá yêu thương… Nữ tác giả là một trong không nhiều nhà thơ Armenia được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Armenia và thi sĩ Silva Barunakova Kaputikian cũng từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương quốc tế.
“Tôi yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/Hay hồn em phải gợn sóng u hoài/Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng/Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”(Tôi yêu em - Pushkin). Hầu hết người yêu Văn học Nga đều thuộc bài thơ kinh điển này của đại thi hào Nga Aleksandr Pushkin: Lời thơ vừa chân thành, giản dị vừa cao thượng, kiêu hãnh - điển hình cho phong cách yêu của quý ông lịch lãm, cũng là cách thể hiện của tình yêu đích thực: luôn trao tặng, dâng hiến, yêu người yêu trên cả bản thân mình dẫu có là ly biệt. Tinh thần cao quý ấy của Pushkin luôn tỏa sáng trong các tác phẩm của ông đã làm thay đổi quan niệm trước đó trong văn học và ý thức của người Nga, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga phát triển. Pushkin được tôn vinh là Mặt trời thi ca Nga.
“…Xin chào em, cô gái/Ta yêu nàng xiết bao/Mắt em nhìn đắm đuối/Hẳn tình em sóng trào/Như con chim sơn ca/Yêu khí trời, tiếng hát/Như buổi mai ngàn hoa/Say hương đời ngào ngạt/Như lòng anh yêu em/Bằng trái tim nồng ấm/Trào sức sống thanh niên/Niềm vui, lòng quả cảm/Đời dâng bài ca mới/Cùng những điệu nhảy vui/Hạnh phúc ta phơi phới/Trong tình em muôn đời” (Khúc hát tháng năm - Goethe): Bài thơ dài 36 câu này là một bản tình ca tươi đẹp, trong đó có tới 7 lần đại thi hào bậc nhất nước Đức Johann Wolfgang von Goethe dùng đến từ “yêu đương”. Có lẽ tình yêu trong trái tim Goethe luôn sôi nổi, trẻ trung và hướng đến một hạnh phúc trong lành, viên mãn. Đó cũng là mặt tích cực của tình yêu, để nhân loại dù trải qua nhiều bi thương vẫn hướng đến những điều thiện lành như đại văn hào Pháp Victor Hugo đúc kết: “Hạnh phúc lớn nhất ở đời là có thể tin chắc rằng ta được yêu thương - yêu vì chính bản thân ta, hay đúng hơn, yêu bất kể bản thân ta.”
VŨ THANH HOA