Mang bản sắc Việt, điện ảnh mới phát triển bền vững

Thứ Hai, 25/11/2019, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

Đổi mới tư duy làm phim, giữ gìn bản sắc văn hóa để điện ảnh Việt vươn ra thị trường quốc tế là một trong những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế”. Hội thảo được tổ chức tại TP. Vũng Tàu ngày 25/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì nội dung gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các đạo diễn, nhà làm phim.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì nội dung gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các đạo diễn, nhà làm phim.

SẴN SÀNG HỖ TRỢ CÁC ĐOÀN LÀM PHIM

Phần đầu hội thảo là nội dung gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các đạo diễn, nhà làm phim. Mở đầu phần gặp gỡ là phóng sự truyền hình giới thiệu những thắng cảnh nên thơ, nhịp sống sôi động của một tỉnh đang trên bước đường phát triển và hội nhập quốc tế với thế mạnh về du lịch, cảng biển; sự đôn hậu, nghĩa tình của người dân xứ biển... đến các đạo diễn, nhà làm phim. Đó cũng là “chất liệu sống” mà nhiều năm qua, các đạo diễn, đoàn làm phim đã sản xuất nhiều bộ phim về BR-VT hoặc chọn làm bối cảnh quay phim. Những địa danh nổi tiếng đã xuất hiện nhiều trên phim như: Di tích Bạch Dinh, Bãi Trước, Bãi Dâu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm… 

Đạo diễn Lê Đức Tiến, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết, ông có cảm tình với BR-VT bởi khung cảnh biển, núi nên thơ. Đó cũng là một trong những lý do ông chọn nơi đây làm bối cảnh của các bộ phim: “Vợ người tình” (1990), “Chuyện tình biển xa” (2008), “Cuộc vượt ngục thần kỳ” (2010). “Nếu có thêm cơ hội, tôi muốn được góp sức để xây dựng hình ảnh BR-VT xinh đẹp qua những tác phẩm điện ảnh”, ông Lê Đức Tiến nói. 

Dù vậy, hình ảnh BR-VT trên phim vẫn chưa đậm nét và chưa tạo nên những đột phá kiểu như Phú Yên sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Do đó, nhiều đại biểu cho rằng, để khai thác lợi ích quảng bá hình ảnh qua phim, BR-VT cần chủ động tiếp cận với các đoàn làm phim. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trung Phan (ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) đề xuất, BR-VT có thể tận dụng lợi thế gần TP. Hồ Chí Minh - nơi quy tụ nhiều đạo diễn, nghệ sĩ, hãng sản xuất phim để làm bối cảnh cho các bộ phim. Theo đó, tỉnh cần tiếp cận với các đoàn làm phim, hãng phát hành phim nhằm giới thiệu, đưa những góc quay đẹp của BR-VT lên phim, đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu tiên để chào đón họ.  

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim về hoạt động tại địa phương”, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định. 

PHIM VIỆT PHẢI GIỮ BẢN SẮC VIỆT

Trong phần bàn về giải pháp “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận xét, thời gian qua, các đạo diễn, nhà sản xuất đã có sự đầu tư nghiêm túc cho chất lượng phim Việt. 3 năm trở lại đây, phim Việt chiếm 15% trong tổng số phim phát hành tại các rạp và chiếm hơn 23% doanh thu của các rạp chiếu phim trong cả nước và nhiều bộ phim Việt được ghi nhận tại các LHP quốc tế. 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu có chung nhận định: Phim Việt hiện nay quá nặng về tính giải trí. Nội dung nhạt nhòa, làm phim kiểu “ăn theo”, chạy đua theo doanh thu nên nội dung nhạt, không phản ánh được bản sắc văn hóa dân tộc hay những suy nghĩ, trăn trở, day dứt lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Nhà văn Tô Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình và Dịch thuật Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cho biết, 10 năm trở lại đây, nhiều đạo diễn như: Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh đã đưa những “chất liệu” thuần Việt lên phim. Hay như diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đầy tâm huyết và táo bạo thể nghiệm trong các bộ phim: “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Song Lang” để giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của nước ta. 

Song, đó là những con số rất khiêm tốn so với số lượng bộ phim điện ảnh chỉ biết làm vui, gây cười cho khán giả, lấy lượng vé bán ra làm thước đo sự thành công, còn nội dung thì nhạt nhòa. “Điện ảnh ngoài yếu tố giải trí còn có nghĩa vụ dẫn dắt, nâng cao trình độ thẩm mỹ cho khán giả. Chỉ có sự lao động nghiêm túc, đồng thời khai thác bản sắc văn hóa thì điện ảnh Việt mới phát triển bền vững”, nhà văn Tô Hoàng nói.

Đặt vấn đề tác phẩm điện ảnh Việt có chỗ đứng trong nước mới hội nhập được quốc tế, nhà báo Cát Vũ cho rằng, điện ảnh Việt Nam gần như bị “tư nhân hóa”. Các hãng phim tư nhân sản xuất phim theo kiểu “ăn xổi” với mục tiêu chủ yếu là nhắm đến lợi nhuận. Nhiều bộ phim “ăn theo” các bộ phim đã thành công nên đề tài trùng lắp, nội dung na ná. Đơn cử như sau thành công của bộ phim “Em chưa 18”, “Tháng năm rực rỡ” là nhiều phim ngôn tình “ăn theo” nhưng thất bại về doanh thu như: “Ước hẹn mùa thu”, “Nhân duyên”, “Người yêu truyền kiếp”, “Siêu quậy có bầu”… 

Nguyên nhân khiến các nhà làm phim không dám dấn thân mà chỉ chạy theo lợi nhuận là bởi lợi nhuận chính là mục tiêu họ hướng tới, vì nếu thua lỗ thì họ phải chịu hậu quả. “Các nhà làm phim tư nhân không có trách nhiệm giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam. Nhiệm vụ này là của Nhà nước. Do đó, các cơ quan Nhà nước phải có kế hoạch sản xuất và phát hành tốt phim Nhà nước đặt hàng và hướng các nhà sản xuất phim tư nhân nâng cao chất lượng phim, đề tài đa dạng, có tính nghệ thuật cao”, nhà báo Cát Vũ nói. 

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC-THI PHONG

 
;
.