.
TẠP BÚT

Tiếng rao trong ký ức

Cập nhật: 08:55, 20/09/2019 (GMT+7)

Cuộc sống đang ngày mỗi phát triển đi lên. Những cũ kỹ lạc hậu cứ lùi dần vào quá khứ. Để rồi có những ký ức bình yên của ta cũng trôi dần vào một góc nhớ. Khi ta lớn lên nhớ thương về ngày cũ thì lại gọi đó là những di sản, những hoài niệm đẹp trong lòng.

Ai cũng có riêng cho mình một góc trời tuổi thơ. Ở đó giản đơn chỉ là con đường, bờ tre, khóm lá. Hay một khu vườn nhỏ để sớm chiều bên nhau đùa giỡn, chơi trò. Và khi nhắc về những ký ức không thể thiếu những tiếng rao ngày ngày qua ngõ. Đó là những điệp khúc nhọc nhằn cho cuộc mưu sinh mà tiếng rao ấy khi cất lên ở chỗ này, khi ở nơi khác khắp các con đường ngõ hẻm vùng thôn quê.

Với những đứa trẻ khi mới lớn lên tâm hồn còn trong veo thì làm gì bận tâm đến những vất vả nhọc nhằn của người lớn. Những buổi đang chơi đùa. Thấy có người gánh xôi, chè ngang qua thì chạy vào nhà xin tiền mẹ mà mua để ăn. Còn bữa nào bụng no thì thôi, chẳng màng quan tâm đến. Nhưng những tiếng rao mời gọi thì cứ văng vẳng bên tai. Nghe quen đến nỗi mới chỉ nghe loáng thoáng ở đằng xa là đã biết gánh chè hay gánh xôi sắp sửa đi qua cửa nhà mình rồi.

Ở vùng thôn quê chiếc đòn gánh dường như là công cụ thông dụng cho rất nhiều người làm nghề mua bán. Một phần bởi đường đi ở vùng sâu vùng xa khi xưa đa phần là lộ đất. Và cả những cây cầu dừa cầu khỉ nối liền những con kênh con rạch. Nên những sớm những chiều vẫn thường thấy người ta gánh đồ đi bán ngang qua. Khi thì của người đi thu mua ve chai. Khi thì của bà bán cá. Khi thì của mấy người đi bán rau cải, bánh trái… Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì cái gánh trên vai cũng là một phần thu nhập hàng ngày để xoay xở trong gia đình. Nên mỗi ngày trên con đường trước ngõ đều có những cái gánh hàng cùng tiếng rao mời gọi đi ngang qua.

Dù nói là không hề quan tâm chuyện ngược xuôi mua bán của người ta. Khi cần thì ra cửa đón mua thứ gì đó. Không thì thôi. Nhưng ngày nào cũng vậy, Cứ mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều đều có những người gánh hàng đi ngang qua. Riết rồi vô tình ta lại quen luôn là giờ nào trong cái gánh có bán những thứ gì sẽ đi ngang qua cửa, và giọng rao của ai khàn khàn hay trong trẻo đều vẫn y như thế mà phát ra.

Tôi thì thích cái giọng vừa thanh mà lại ngọt như đường của bà bán bánh lọt ở xóm trên. Cứ đúng khoảng mười một giờ trưa là bà lại gánh hai thao bánh lọt đi ngang qua nhà. “Bánh lọt tới đây! Bánh lọt vừa ngọt vừa ngon ăn cho mát lòng mát dạ bà con ơi!”. Có một câu ngày nào cũng rao riết rồi tới đứa con nít nhỏ xíu cũng thuộc nằm lòng luôn. Mà cũng phải công nhận bánh bà làm ngon thiệt. Những buổi trưa mới đi làm về nằm trên chiếc võng ngả lưng nghỉ ngơi. Thấy gánh bánh lọt tới cũng phải ngồi dậy. Không ăn nhiều thì cũng ủng hộ bà một chén. Đang lúc trời nắng nóng nực, bưng chén bánh lọt mát lạnh mà húp thì đúng là mát lòng mát dạ thiệt. Nhưng mà thấy tội cho bà. Có tuổi rồi mà vẫn phải đi bán vào lúc buổi trưa nắng gắt, người ướt đẫm mồ hôi. Có lần tôi hỏi: “Sao bà không đi bán vào buổi sáng hay buổi chiều cho đỡ mệt?”. Bà cười làm lộ rõ gương mặt những vết nhăn: “Buổi sáng người lớn đi làm, bọn trẻ đi học nên đi bán buổi trưa thì người ta ở nhà nghỉ ngơi nên sẽ bán được nhiều hơn”.

Nhưng rồi dòng quay của thời gian không cho bất cứ ai đứng yên một chỗ. Những đứa trẻ khi lớn lên thành gia thất lo lập nghiệp thành tài thành nhân. Người già thì cứ già thêm rồi cũng về với tổ tiên…

Con đường thôn quê bây giờ đa phần đã được trải nhựa, đổ bê tông. Cầu dừa cầu tre cũng được thay thế bằng cầu xi măng kiên cố.

Ta cứ mãi loay hoay với những bộn bề lo toan của cuộc sống. Đôi khi ngoáy lại để thương nhớ những ngày xưa như vẫn còn nghe đâu đó văng vẳng những tiếng rao thân quuen. Nhưng tất cả đã trôi vào ký ức.

TRẦN KỲ DUYÊN

.
.
.