Bóng trăng tuổi thơ
Nhà tôi cách nhà nó một rào giậu có hoa bìm bìm tim tím nở rộ mỗi sớm mai đầy nắng.
Buổi sáng, nó ló mặt qua rào giậu í ới gọi tôi đi học. Chúng tôi học trường làng, nó nhỏ hơn tôi hai tuổi, nhưng vì mẹ cho tôi đi học trễ nên tôi với nó học cùng một lớp, ngồi cùng một bàn, cùng chia nhau trái ổi, trái táo dại hái được trên con đường từ làng ra cánh đồng trù phú.
Minh họa của MINH SƠN |
Buổi trưa đi học về, cơm nước xong xuôi nó lại chạy ra rào giậu gọi tôi, rủ sang chơi nhà chòi. Tôi tự ái quát:
- Đồ con nít. Tao lớn rồi chứ có phải hỉ mũi chưa sạch như mày đâu mà rủ chơi mấy trò đó.
Vậy rồi buồn quá, tôi cũng lủi thủi sang chơi. Tôi bao biện: “Thấy mày chơi một mình tội tội nên tao sang chứ không phải tao thèm đâu nghen”. Nó cười. Tôi biết nó đang vui.
Tối tối, nó hay rủ tôi ra sân ngắm trăng. Tôi ở sân bên này, nó ở sân bên kia, cách nhau rào giậu. Mấy bông bìm bìm đã héo úa từ lâu. Ở quê tôi, mỗi nhà cách nhau một rào giậu cao ngang bụng người lớn, ngang ngực con nít. Nó nói:
- Trăng đêm nay sáng quá, anh Khang ha.
- Ừ, trăng đêm nào chả sáng.
- Mà đêm nay trăng sáng hơn đấy chứ?
- Ừ, sáng hơn thiệt. Trăng Trung thu mà.
Trung thu, tháng tám năm nào mà chúng tôi chẳng nô nức đón Trung thu. Vậy mà nó quên. Mà thiệt ra, trừ những đêm giông gió bão bùng, không phải Trung thu thì trăng quê đêm nào chẳng sáng. Tôi với nó lớn lên qua những mùa trăng vành vạnh ánh vàng. Dưới bóng trăng này, chúng tôi và những đêm ra sân ngồi rôm rả đọc thơ Vũ Quần Phương, hát hò. Nó thích thơ Vũ Quần Phương, bài nào cũng êm ái tâm hồn. Từ lâu, chúng tôi đem lòng yêu bóng trăng quê, yêu ngôi làng nhỏ có bóng tre rợp mát con đường, có cánh đồng xanh ngủ yên dưới chân núi bóng ôm trùm bao phủ…
*
Đêm hôm qua, tôi mơ thấy nó đứng bên rào giậu ngó sang nhìn tôi, cười. Khuôn mặt của nó lúc nào cũng sáng như trăng rằm. Nó bảo:
- Anh Khang làm lồng đèn cho em chơi đi.
Tôi hất mặt sang bên kia rào giậu:
- Mày sẽ trả công cho tao cái gì?
Nó nghĩ ngợi một hồi rồi lí nhí:
- Đêm Trung thu anh Khang nhớ ra hàng rào, em lén mẹ lấy bánh mang ra cho anh Khang ăn.
Mắt tôi sáng rỡ. Mấy lần nó vẫn thường lén đem bánh ngọt, trái táo… sang cho tôi ăn. Mặt nó có vẻ gì bí hiểm lắm. Rồi nó về. Tôi thì đắc chí vì dụ được con bé nhỏ hơn mình những hai, ba tuổi. Tôi dẫn nó ra lũy tre sau chùa Lá Đa, bảo nó ngồi ngoài này canh sư thầy Diệu Huệ có ra thì ra ám hiệu, còn tôi hì hụp chặt tre chẻ ra, vót thành những thanh tre mỏng mềm, dài bằng cánh tay. Những thanh tre ghép thành hình ngôi sao. Tôi lấy giấy bóng kính màu đỏ căng lên cái khung rồi dán chặt bằng lần hồ. Mới tích tắc tôi đã có ngay cái lồng đèn hình ông sao cho nó. Nó gật đầu cảm ơn tôi rối rít. Tôi mơ thấy đêm trăng năm nào tôi với nó đi rước đèn cùng đám con nít trên cánh đồng khô khốc. Chúng tôi cùng hát dưới trăng. Chúng tôi đã có những tháng ngày hồn nhiên yên lành đến thế.
Giấc mơ vụt tan. Nó cũng mờ xa khỏi tâm trí của tôi. Tôi giật mình ngồi dậy, kí ức ngổn ngang, tôi chênh vênh trong bóng tối. Tôi đếm ngón tay lẩm bẩm tính. Đã đến Trung thu rồi sao nó vẫn chưa về. Mà có lẽ nó sẽ không về nữa. Tôi nhớ lần cuối cùng tôi gặp nó là khi nó đã lên ngồi trên chiếc xe lam cũ màu trắng bạc, nó khóc ròng ngoảnh lại vẫy tay về phía tôi. Chiếc xe lăn bánh trong hoàng hôn buông chập choạng đồng xa, tôi nói vống:
- Mày đi rồi mày về với tao, tao đợi.
Tôi không biết nó có nghe hay không, hay gió vô tình bạt lời tôi đi mất.
Hôm đó, trăng tròn tháng Tám. Đêm tôi ra rào giậu ngồi nhìn sang căn nhà bên cạnh đã đóng cửa im ỉm, mấy chậu mười giờ nhỏ xíu trên bậc cửa héo hắt không ai tưới. Nó đi thật rồi. Chị Ngần thấy tôi buồn buồn, chị bước ra đứng bên cạnh tôi từ lúc nào mà tôi không hay. Chị thỏ thẻ:
- Thôi Khang đừng buồn. Ai cũng có lúc phải ra đi. Đâu ai có thể ở bên mình mãi mãi được? Tất cả rồi cũng bay theo gió, chỉ có kí ức là ở mãi trong tim thôi, em à!
Đúng rồi, chỉ có kí ức là ở mãi với tôi. Kí ức về cô bé nhà bên. Kí ức về những đêm trăng tròn trong thời thơ ấu của chúng tôi. Kí ức ấy được chúng tôi thêu dệt nên qua bao nhiêu mưa nắng, thăng trầm. Bây giờ, nó đã lìa xa tôi. Không còn cô bé nhà bên để tôi chòng ghẹo, nó đã theo mẹ về tận thành phố. Thành phố là gì, chị Ngần nhỉ? Tôi ngô nghê hỏi bởi tôi chưa bao giờ được đặt chân lên thành phố. Chị Ngần cười cười, bảo thành phố cách chỗ chị em mình xa lắm, lớn lên em ra đó học rồi sẽ biết thành phố đông đúc, rộng lớn đến nhường nào. Tôi gật đầu.
Những ngày vắng nó, tôi buồn miên man. Năm đó, tôi cũng chẳng buồn đi chơi Trung thu cùng đám bạn trong xóm. Thấy tôi nằm xoay mặt vào tường, chị Ngần lắc đầu, mà tôi cũng chẳng để ý. Vắng nó, tôi thấy bóng trăng tuổi thơ như nhợt nhạt hẳn đi. Tôi cũng chẳng thèm ăn bánh Trung thu, chẳng thèm ra sau chùa trộm tre làm lồng đèn ông sao nữa bởi nó đi rồi thì lấy ai mà rước đèn, phá cỗ với tôi. Chị Ngần nói tôi ráng học cho giỏi, đến chừng lớn lên lên thành phố để còn gặp lại cô bé nhà bên. Đành là vậy, nhưng biết khi nào chúng tôi mới gặp lại nhau? Nó đến vội mà đi cũng vội. Mấy năm trước, tôi không nhớ rõ, một buổi trưa đi học về tôi thấy căn nhà bên cạnh có tiếng người nói chuyện rôm rả, mấy người đàn ông khuân đồ đạc từ xe tải vào trong nhà và một cô bé ngồi nghịch cát dưới chân rào giậu. Nó chủ động làm quen. Ban đầu, tôi hống hách chẳng thèm để ý đến những câu chuyện nhạt nhẽo mà nó kể. Nhưng rồi tôi thân với nó lúc nào không hay. Cô Mến sắp tôi với nó ngồi cạnh nhau. Tôi lấy viên phấn vạch một đường “chia ranh giới”. Nó cũng gật đầu chấp nhận. Những năm tháng gắn bó, tôi với cô bạn hàng xóm có gì ngon cũng chia nhau, vui buồn kể nhau nghe. Giờ đây cô ấy đi thật rồi. Tuổi thơ. Bạn cũ. Mọi thứ sao mờ xa, vời vợi…
Thời gian dễ xóa sạch bóng hình kí ức trong trái tim người khác, biết nó có còn nhớ đến tôi không?
*
Cái rào giậu sân nhà, qua bao mưa nắng, gió giông vẫn không hề gãy đổ. Dây bìm bìm leo lên đó vẫn tươi tốt và cần mẫn trổ hoa tím ngát mỗi sớm mỗi chiều.
Đêm nay Trung thu trăng tròn. Sáng nay chúng tôi vẫn phải đến trường. Trường làng nằm khuất dưới rặng tre. Nó đi, chỗ cũ không ai ngồi nên tôi đành ngồi một mình, trống huơ, nhiều lúc nhìn sang mặt bàn thấy những nét chữ nghuệch ngoạc nó vẽ trên đó, tôi nhớ bổi hổi. Tan học, tôi ôm cặp lủi thủi về nhà, cũng chẳng màn nấn ná lại với chúng bạn bàn chuyện đếm nay sẽ tụ họp ở đâu, có can đảm mà trèo lên cây bưởi vườn ông Cửu hái trộm quả như những mùa Trung thu năm trước…
Vừa bước vào trong nhà, tôi nhận ra ngay bóng dáng của người bạn nhỏ nhắn nhà bên đang ngồi quay lưng ra phía cửa, mái tóc tết thành hai bím - hai cái “chổi rơm” mà tôi vẫn thường trêu ghẹo nó hồi nó còn ở nhà, còn là hàng xóm của tôi. Tôi reo lên:
- Hương, là mày phải không? Mày về với tao rồi phải không, Hương?
Con bé giật mình ngoái lại nhìn tôi. Vẫn nụ cười hiền trên khuôn mặt, vẫn đôi mắt trong se long lanh. Nó vẫn là cô bé của tôi năm nào. Thành phố không làm nó đổi thay giống như lời người vẫn nói.
- Em về chơi với anh Khang nè. Vài hôm nữa em mới đi. Anh Khang nhớ dẫn em đi bẫy chuồn chuồn, đi tắm sông, à mà tối nay rước đèn rồi, anh Khang nhớ làm lồng đèn cho em nữa nghe.
Tôi vờ dỗi:
- Mày bỏ tao. Sao không đi luôn đi, về chi nữa?
Mặt nó xịu xuống như bông bìm bìm héo úa:
- Mẹ bắt em đi, chứ em có muốn xa làng mình đâu? Làng mình vẫn đẹp, đẹp nhất!
Tôi không giận nó nữa, ai lại nỡ giận cơ chứ? Tôi không biết nó sẽ ở lại làng bao lâu, nhưng tôi sẽ trân trọng những khoảnh khắc có nó bên cạnh. Gió thu phảng phất ngang qua rào giậu, chùng chình. Tôi để cặp lên ghế rồi dắt tay nó ra bờ sông ngắm nhìn những vạt cỏ lau rung rinh trong nắng trưa. Trên trời mây trắng. Tôi hí hoáy:
- Mày coi tao bơi qua sông, như cá luôn đây này.
Tôi định co chân phóng xuống nước thì nó ngăn:
- Anh Khang, đừng! Anh quên rồi sao? Hồi đó anh vẫn hay cảm nước mỗi khi tắm sông trong nắng trưa.
Nó vẫn nhớ. Quả thật nó nhớ rành rọt kí ức cũ, không thiếu một chi tiết nào. Tôi muốn ôm nó nhấc bổng lên quá đỗi. Tôi dắt nó ra lũy tre sau chùa Lá Đa. Bên tai văng vẳng tiếng gõ mõ tụng kinh của sư thầy Diệu Huệ. Bao giờ cũng vậy, tôi chắp tay khấn vái lầm rầm rồi mới chặt tre sau chùa làm lồng đèn. Bà tôi nói mình có lòng, biết sám hối thì Phật đâu nỡ trách phạt. Tôi cười.
Còn nó, nó đang ngồi đợi tôi làm cho nó cái lồng đèn để kịp tối nay còn đi rước đèn, phá cỗ. Tôi thần mong những giây phút yên lành này sẽ trôi qua thật chậm, thật chậm. Tôi sợ một lúc nào đó thời gian sẽ làm mờ nhòe tất cả. Nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ quên nó, và hình bóng quê hương. Mọi thứ đều thiêng liêng trong tâm khảm của tôi.