.

"Bông hồng cài áo" mối lương duyên của Phạm Thế Mỹ

Cập nhật: 08:43, 06/09/2019 (GMT+7)

 

nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.JPG
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.JPG

Với tài năng và cống hiến của mình, những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được nhiều thế hệ khán giả ái mộ. Đặc biệt, mỗi mùa Vu Lan báo hiếu, nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” lại vang lên khiến những người trẻ lại có dịp để tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành, những người đi trước và cả người nhạc sĩ đã góp phần lan tỏa tình yêu thương.

NHẠC PHẨM BẤT HỦ VỀ TÌNH MẪU TỬ

Mỗi năm, cứ vào độ trăng tròn tháng 7 âm lịch, những người con đất Việt lại hướng về mùa Vu Lan báo hiếu. Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức “Bông hồng cài áo”, tức là cài bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ và bông hồng trắng cho những ai đã mất mẹ để nhắc nhở về lòng hiếu thảo với đấng sinh thành. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết vào tháng 8/1962 và được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, viết lời thành ca khúc Bông hồng cài áo: “Một bông hồng cho em/Một bông hồng cho anh/Và một bông hồng cho những ai/Cho những ai đang còn mẹ/Đang còn mẹ/ Để lòng vui sướng hơn…” Sau hơn 40 năm, bài hát trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ về tình mẫu tử, đặc biệt được yêu thích trong mùa Vu Lan. Tập tục cài hoa hồng lên áo trong ngày rằm tháng 7 cũng được phổ biến, trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt Nam.

Ngoài nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” được biết đến rộng rãi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn có một gia tài âm nhạc đồ sộ với những ca khúc về tình yêu, quê hương, phận người cho đến những bản trường ca đồ sộ.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh năm 1930 tại An Nhơn, Bình Định, là con thứ 11 trong một gia đình trung lưu. Anh trai của ông là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu V. Năm 16 tuổi (chỉ 2 năm sau khi biết chơi guitar), Phạm Thế Mỹ đã vinh dự nhận giải thưởng Phạm Văn Đồng. Giám khảo lúc bấy giờ là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Đầu thập niên 1950, Phạm Thế Mỹ làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Nhạc phẩm đầu tay của ông là “Nắng lên xóm nghèo”: Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên/Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến/Đôi bướm vàng nhẩn nhơ khi quyến luyến và/Cô gái làng ngẩn ngơ một tình duyên”.

Sau hiệp định Geneve, Phạm Thế Mỹ được bố trí ở lại Miền Nam. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong những năm 1965-1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo, chính thời gian này ông sáng tác bài nhạc bất hủ “Bông hồng cài áo”. Ra tù, ông sáng tác các bài hát: Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Người về thành phố, Những người không chết... được phổ biến trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn-Mỹ-Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Ca sĩ Diệu Lý, vợ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ năm 1989.
Ca sĩ Diệu Lý, vợ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ năm 1989.

NHẠC PHẨM NỔI TIẾNG VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN

Trong thời gian nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ công tác tại Viện Đại học Vạn Hạnh, cô sinh viên của trường tên Nguyễn Thị Diệu Lý được chọn vào đội văn nghệ Vạn Hạnh, vì thích nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” cũng như đáp ứng tính công chúng thời đó nên cô thường chọn để trình diễn. Đến khi Diệu Lý trở thành giọng ca chính của Vạn Hạnh thì cô mới biết tác giả của bài hát là người thầy lâu nay chỉ huy dàn hợp xướng Vạn Hạnh. Điều thú vị là họ đều là người đồng hương Bình Định (quê Diệu Lý ở TP.Quy Nhơn). Dù Phạm Thế Mỹ lớn hơn Diệu Lý 20 tuổi nhưng giữa họ có nhiều điểm tương đồng nên nảy nở mối lương duyên. Họ chính thức kết hôn năm 1975. Hầu hết các tập nhạc của ông đã được xuất bản đều có chung tên người trình bày là Diệu Lý. Bạn bè của ông nhận xét, có 2 người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của Phạm Thế Mỹ. Người thứ nhất là mẹ ông. Người thứ hai chính là vợ: ca sĩ  Diệu Lý. Sau năm 1975, ông công tác tại Phòng VH-TT quận 4, TP.Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: Nhớ ơn Bác, Nhớ ơn Đảng (Giải nhì Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh), Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova... Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sống lặng lẽ, thanh bạch tại căn nhà chung cư ở quận 4, TP.Hồ Chí Minh.

Trước khi ông mất, nằm trên giường bệnh ông cũng kịp hoàn chỉnh hai trường ca lớn là Con đường thế kỷ và Gió Củ Chi. Bà Diệu Lý nhớ lại: “Lúc đó sức khỏe của anh Mỹ yếu lắm. Anh viết được câu nào thì tôi hát lên để anh chỉnh sửa ngay. Còn con trai Phạm Bắc Đẩu thì chuyển lời lên máy tính. Tôi rất hạnh phúc khi được đóng góp chút ít công sức vào những tác phẩm của anh Mỹ. Tính anh Mỹ rất cầu thị, không chỉ vợ mà ai đóng góp gì thấy đúng, hay là nghe theo, không bảo thủ, không chứng tỏ mình”.

Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa quận 4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau thời gian dài bị bệnh, ở tuổi 79. Trước khi ông mất, nằm trên giường bệnh ông cũng kịp hoàn chỉnh 2 trường ca lớn là “Con đường thế kỷ” (đường Hồ Chí Minh) và “Gió Củ Chi”.

VŨ THANH HOA

.
.
.