Đừng "già néo đứt dây"

Thứ Sáu, 21/06/2019, 09:27 [GMT+7]
In bài này
.

Anh bạn kể câu chuyện, ngẫm lại thật buồn cười. Chuyện rằng, hôm ấy cơ quan tổ chức liên hoan, ban đầu anh còn nhớ đến giờ về đón con nhưng rồi do vui quá nên quên béng. Khi sực nhớ ra, anh vội gọi điện cầu cứu vợ. May quá, do sốt ruột nên cô ấy đã đón rồi. Vậy là anh chàng yên tâm ngồi lai rai cùng đồng nghiệp thêm chút nữa. 

Khi mọi người cao hứng rủ rê karaoke, anh cũng gật đầu đi mà quên béng việc báo cho vợ. Lúc tan cuộc vui, anh mở điện thoại đã thấy vài cuộc gọi nhỡ của bà xã, đành tặc lưỡi thôi kệ, về đến nhà hãy hay. Đẩy cửa vào nhà, thấy mâm cơm lạnh tanh, anh cảm thấy áy náy, bèn hạ giọng xin lỗi vợ. Những tưởng nếu bị cô nàng la cho vài câu, dù nặng nề cỡ nào cũng được. Nhưng không, tất cả chỉ là sự im lặng, cô vợ không nói không rằng. Anh hỏi thế nào, cô cũng chẳng hé răng. Biết lỗi, anh lẳng lặng tìm chỗ ngủ, nghĩ kế hôm  sau tìm cách chuộc lỗi. 

Hôm sau, hết giờ làm, anh ghé mua tặng bà xã món quà đã hứa nhưng bấy lâu do lu bu quá nên quên. Cử chỉ này đáng khen lắm. Sẽ là cái cớ tuyệt vời để xin lỗi vợ thêm lần nữa. Anh nghĩ rằng, chắc bà xã sẽ “hạ hỏa”. Mọi việc sẽ trở lại vui vẻ, chan hòa “tình thương mến thương” như trước. Nào ngờ, không chỉ chẳng thèm đoái hoài đến món quà mà vợ anh còn câm như thóc. Cô chẳng mở miệng, dù một câu ngọt nhạt. 

Có thể nói, trong các cuộc “chiến tranh lạnh”, sự im lặng mới đích thị là “vũ khí” đáng sợ nhất. Bởi lẽ, suốt một ngày làm việc ở cơ quan, ai cũng có nhu cầu trở về nhà được trò chuyện, tâm tình cùng vợ, con. Ối dào, nhiều vấn đề cần trao đổi; hoặc chỉ cần nghe giọng nói của nhau đã thấy tin cậy, ấm áp. Vậy mà, cô nàng vẫn cứ “quăng cục lơ”. Thử hỏi, không khí trong nhà nặng nề cỡ nào? 

Cuối cùng, chịu hết xiết, anh chàng liều “nắn gân” bằng câu nói “chốt hạ” chắc như đinh đóng cột: “Em cứ ngậm tăm vậy, anh chịu hết xiết rồi. Nếu cứ như thế này, anh ra khách sạn ngủ cho em vui lòng nhé?”. Câu nói ấy chỉ có tính chất dọa dẫm, thăm dò thái độ của bà xã mà thôi. Kể đến đó, anh bạn hỏi: “Bồ có biết bà xã mình trả lời sao không?”. Tôi trả lời: “Ồ, chắc là cô nàng xuống nước một phép chứ gì? Tớ biết, một khi phụ nữ đang làm căng, mình cứ làm căng hơn thì mọi việc sẽ đâu vào đó, sẽ “lập lại trật tự” thôi”. 

Anh chàng cười khì khì: “Cậu “nai” lắm. Trật lất. Vợ mình bảo, có giỏi thì qua nhà người yêu cũ, chứ ra khách sạn làm gì cho tốn kém?”. 

Theo tôi, đây là một trong những câu nói “dại dột” nhất, dù nói cho bõ ghét vì không ngờ, nó như “giọt nước tràn ly”. Bạn tôi lâu nay đã cắt đứt quan hệ với người yêu cũ nhưng câu nói ấy khác gì sự “bật đèn xanh”, thách thức? 

Có nhiều người, dù họ không hề có chuyện đó, nhưng một khi bị vợ nghi ngờ, đoán già đoán non rồi “chụp mũ” thì họ cáu lắm. Họ cáu đến nỗi: “Ừ, không có thì làm cho có. Dù gì cũng đã bị mang tiếng rồi”. Như vậy, vấn đề đang nhỏ như cái móng tay, dù đang trên đà “thắng thế” nhưng nếu người phụ nữ xử sự không khôn khéo, ắt mọi việc sẽ rối bung lên, biết đâu sẽ trở thành “thất thế”.

Thì đây, chuyện mới xảy ra trong nhóm bạn tôi. Anh chàng chở cô bạn trên phố, tình cờ bị vợ phát hiện. Tận mắt nhìn thấy cảnh trêu ngươi này, khi về nhà, vợ gặng hỏi, anh ta vẫn nói thật là cô ấy cùng cơ quan, nhờ chở ra ngân hàng nhân tiện đường. Chẳng lẽ đồng nghiệp lại từ chối chuyện cỏn con ấy? Nghe rất có lý. Nhưng cô vợ không tin, vẫn dò hỏi, truy xét luôn tù tì qua nhiều ngày sau. Hễ đi làm thì thôi, về nhà gặp mặt nhau là “bổn cũ soạn lại”. Thật là “oan ông địa”. Điên cả đầu. Vậy mà cô nàng vẫn cứ chì chiết, bóng gió xa gần, cằn nhằn như “tua” lại cuộn băng cũ đã nghe đến nhão nhẹt. 

Cuối cùng, mọi việc thế nào? Anh ta “đánh bài chuồn” bằng cách lấy cớ bị bệnh để nhập viện cho khỏe cái thân. Lúc này, ai là người phải lo cơm bưng nước rót, hầu hạ anh ta mỗi ngày trong bệnh viện? Là cô vợ chứ còn ai.

Vậy đó, nhiều phụ nữ cho rằng, một khi mình đã “kiên định lập trường”, không chịu hạ hỏa thì lần sau người chồng sẽ tởn tới già, đố dám tái phạm. Theo tôi, biện pháp đó… trật lất. Tâm lý của đàn ông nói chung, cái gì nếu “vừa vừa phải phải” thì còn chịu đựng, nhún mình, cam chịu cho qua cơn gió sóng vì đã biết lỗi. Nhưng nếu cứ làm căng quá ắt họ cũng đổ liều: “Ừ, muốn ra sao thì ra”. 

Tính cách này nào phải của riêng đàn ông, phụ nữ cũng vậy thôi. Như vậy, người vợ/chồng không đạt được mục đích ban đầu mà còn bị “ép-phê ngược”.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.