UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.
Một tiết mục tại Hội thi đơn ca tài tử tỉnh lần thứ IX-2019. |
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu đưa di sản văn hóa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào cuộc sống cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các câu lạc bộ Đờn ca tài tử, nghệ nhân, tài tử từng bước nâng cao chất lượng; qua đó phát triển phong trào đờn ca tài tử tại các địa phương; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Trên cơ sở tình hình hoạt động thực tế của nghệ thuật Đờn ca tài tử tại tỉnh, kế hoạch đã chi tiết hóa 5 nhóm nội dung, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện được nêu trong Đề án bảo tồn và Phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm: Nhóm nhiệm vụ bảo tồn và quảng bá, giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử; Nhóm nhiệm vụ truyền dạy, nâng cao năng lực trình diễn cho tài tử, nghệ nhân, giáo viên giảng dạy âm nhạc trong hệ thống trường học; Nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng liên hoan, hội thi, hội diễn; Nhóm nhiệm vụ củng cố, phát triển hệ thống câu lạc bộ; Nhóm nhiệm vụ đãi ngộ nghệ nhân.
Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành liên quan; trong đó, Sở VH-TT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các hoạt động nêu trên.
ĐỨC ANH