Thạch thảo trong nắng
1 Những người thợ hồ không giấu được vẻ ngạc nhiên khi cô bảo đập căn phòng ở giữa ngôi nhà hình chữ U. Cấu trúc ngôi nhà vốn rất hài hòa với khoảng sân vườn đầy nắng, gió và những khóm thạch thảo dịu dàng khoe sắc, bỗng bị ngăn thành hai ngôi nhà như những phòng trọ nghèo nàn, cửa sổ bên này nhìn về cửa sổ bên kia.
“Anh cố gắng đừng làm tổn hại những khóm hoa này!”.
Anh thợ hồ da đen trùi trũi nhìn theo hướng tay cô chỉ. Những đóa thạch thảo nở muộn, khoe sắc dịu dàng, có phần ngượng ngùng. Anh phì cười: “Mấy cây hoa này rẻ tiền mà dễ sống lắm, cô đừng lo, chết thì tôi mua tặng mấy bụi mới”. Cô thở dài: “Chẳng bụi hoa nào giống nhau đâu, dù chúng cùng một loại”. Rồi khoác túi xách màu tím nhạt lên vai, cô chầm chậm đẩy chiếc xe Chaly ra cổng. Cô đi được hai tiếng, Hoàng về. Anh thợ nói vắn tắt cách sửa, cách xây. Hoàng ừ hử gật đầu nửa như không muốn nghe mà đành phải nghe. Rốt cùng, Hoàng nói, cứ làm theo ý Trúc. Anh thợ chưng hửng, hơn ba năm đi làm, anh chưa gặp nhà nào kì lạ như nhà này. Làm thợ hồ, không biết cái duyên nghề run rủi thế nào. Anh toàn tới sửa những căn nhà đổ vỡ. Riết rồi, anh ngại xây nhà cho mình, ngoài ba lăm vẫn độc thân.
Hơn hai tuần sau, ngôi nhà sửa xong. Thời gian ấy Trúc ở trọ, Hoàng vẫn giữ thói quen ở cơ quan cả đêm lẫn ngày nên không mấy bận tâm việc sửa nhà. Trúc dọn đồ vào nhà được hai ngày thì Hoàng mới chân thấp chân cao về nhà. Không đồ đạc mang theo, Hoàng đóng cửa khe khẽ như ý thức được đã về khuya, rất khuya. Điện bên nhà ấy tắt, không một tiếng động. Trúc hơi xót lòng khi chớm nghĩ, mùi vôi vữa mới, tường mới, phòng cũ áo mới, chăn gối chưa ai giặt lại, không biết Hoàng có ngủ nổi không. Hoàng vốn kĩ tính kia mà?
Thế mà Hoàng vẫn ngủ ngon lành. Gần tám giờ sáng, khi Trúc dắt xe đi làm, Hoàng mới mở cửa, vẻ mặt vẫn còn ngái ngủ. Trúc gượng cười đáp lại nụ cười vô tư lự của Hoàng (ngày xưa Trúc từng chết mệt nụ cười này). Bây giờ hai người chỉ là hàng xóm, chung nhau một khoảng sân nhà có những khóm hoa mà cả hai từng lựa chọn, yêu thích suốt gần bốn năm chung sống.
2 “Chỉ còn gần em một giây phút thôi, một giây nữa thôi là xa nhau rồi. Người theo cánh chim về vui với đời…”.
Hoa đến khi Trúc đang nghe nhạc. Cô đốt điếu thuốc để trên bàn, loại thuốc Hoàng vẫn hay dùng. Chỉ để khói thuốc bay la lả theo giọng ngọt ngào, day dứt của Bằng Kiều, nghe nhạc như thế hay hơn gấp chục lần, không hẳn vì nhớ nhung gì để phải làm một hành động sến đến thế. Hoa bực dọc gắt: “Mày đâu rồi, Trúc?”. “Tao đây!”. “Tao không đùa, mày tỉnh lại đi. Mày nhìn lại mày xem là người hay là ma đấy? Mày thế này tao không chịu nổi. Mày chủ động cắt đứt quan hệ này cơ mà?”. Trúc thở dài. Có quan trọng gì đâu chuyện chủ động. Không ai bước chân vào hôn nhân mà khi đổ vỡ lại sung sướng, hả hê khi mình là người nói lời chia tay. Ai cũng mong những ngày êm đềm hạnh phúc chứ. Không giữ được, chính Trúc cũng có một phần lỗi.
“Mày quên hắn đi, đàn ông gì phụ bạc. Con chung không có nổi mà đi có con riêng” - Hoa chưa hết bực bội. Nhận ra sự lỡ lời, Hoa nắm tay Trúc lắc mạnh: “Nào phải tại mày, chỉ tại hai đứa bây có duyên không có nợ…”.
Tháng trước, Hoa đi tác nghiệp ở bệnh viện phụ sản, tình cờ gặp Hoàng đang dẫn một phụ nữ trẻ đi khám thai. Cô ấy gần sinh. Tưởng nhìn lầm, không tin vào mắt mình, Hoa phải trễ hẹn cuộc phỏng vấn, lén đi theo hai người từng bước chân. Cho tới khi chắc chắn đó là Hoàng, Hoa không khỏi phân vân, chỉ có thể quyết định dùng máy ảnh chụp hình về làm bằng chứng.
Trúc sụp đổ hoàn toàn khi Hoàng thừa nhận đứa bé trong bụng cô gái ấy là con anh. “Anh đã lừa tôi, anh bảo hai người cắt đứt rồi, quên nhau rồi kia mà”. “Không, chỉ vì anh say nên không làm chủ được mình. Anh chỉ gặp cô ấy duy nhất một lần hôm kỷ niệm mười năm ra trường. Cô ấy sắp sinh anh mới biết chuyện, anh không thể không có trách nhiệm với đứa bé. Cô ấy cũng chỉ xin anh chia sẻ thời gian này, chứ không dám đòi hỏi gì hơn”. Trúc rên rỉ, yếu đuối: “Nguỵ biện! Ai phản bội mà chẳng có lí do để khỏi mang tiếng? Tôi họa có ngu mới tin anh. Anh đi đi, tình cũ không rủ cũng đến. Ừ thì đến rồi đấy!”. Hoàng quay đi, biết không thể thanh minh gì lúc này. Trúc mỉa mai nghĩ tủi thân mình, cố gắng là người phụ nữ hoàn hảo cho lắm, cơm ngon canh ngọt, công việc tốt đẹp, đọc kĩ hàng tá cuốn sách chiều chồng, đã nghĩ mình tin chồng, hiểu chồng lắm… thế mà chồng có con riêng lúc nào cũng không biết.
Tiếng bé Cún nhà đối diện cười khanh khách. Giá như ngay sau đám cưới, lần dính bầu ấy, Trúc đừng tiếc học bổng du học toàn phần qua Anh. Trúc đừng ra đi mà ở lại, Trúc không chối bỏ đứa bé đang thành hình trong mình… Mọi chuyện giờ có khi khác. Trúc thở dài. Chẳng ai thay đổi được những điều “giá như” trong cuộc đời.
Lúc Hoàng đi, những đóa thạch thảo đang độ đẹp nhất. Cánh thợ sửa nhà dù không đụng tới bụi hoa, nhưng những bụi xi măng bám vào cũng đủ khiến loài hoa đỏng đảnh sinh bệnh. Bụi thạch thảo ấy, cách đây bốn năm, trong tuần trăng mật ở Đà Lạt, Hoàng đã chiều Trúc, bứng nguyên gốc có cả đất về trồng trong sân nhà. Mỗi mùa hoa nở, hai người lại cảm nhận một mùa ngọt ngào đang về. Thế mà mùa mưa này về buồn quá!
3Ngày Trúc còn nằm ngửa, mẹ Trúc, một người thợ may tha phương dừng chân bên cổng chợ làm ăn đã bỏ cô trước cổng chùa Lúa. Cô bé không lành lặn, gương mặt đẹp như thiên thần nhưng một chân đã bị liệt sau một trận sốt tưởng chết đi sống lại. Cô bé không cha hay có cha cũng chẳng ai quan tâm vì chưa ai thấy có hình bóng của người đàn ông trong cuộc đời mẹ con cô. Chỉ hơn nửa năm dừng chân ở làng này, mẹ sinh cô. Sáu tháng sau đó, mẹ bỏ đi, đặt cô trong một chiếc nôi rộng đầy ắp vải vóc và áo quần đẹp mà mẹ đã may từ nhiều đêm chan hòa nước mắt.
Một phật tử hay lên chùa xin Trúc về, Trúc gọi bà ngoại. Cả cuộc đời bà hiếm muộn. Bà coi Trúc như báu vật, hàng ngày nặn những con tò he bằng đất nung bán cho khách qua đường, nuôi cháu. Bà không cho Trúc đụng đến đất sét, không truyền nghề cho Trúc. Khi con bé mân mê những con tò he còn ẩm ướt, mới được sinh ra từ tay bà, bà xòe bàn tay gồ ghề, sần sùi, bảo: “Cháu xem, một đời bà gắn bó với bọn nớ. Bà không muốn bàn tay đẹp của cháu ra nông nỗi này”. Trúc bật cười mỗi khi nghe bà gọi tò he là “bọn nớ”, hai bàn tay trắng nhỏ của Trúc xoa xoa bàn tay có những vết chai lâu ngày, to như những cục u kì dị trên tay bà. Đó là những vết thời gian đắp bồi chai sạn để nuôi Trúc lớn. Ngày Trúc vào đại học, lần đầu tiên xa nhà, xa bà, cũng là ngày bà chân thấp chân cao trên con đường làng ráng kiếm thêm vài đồng cho cháu đi học. Bỗng dưng bà xỉu giữa trưa nắng. Bỏ dở lễ khai giảng, khi Trúc quay về đến nhà thì cơ thể bà đã trở lạnh. Bà chín mươi tuổi rồi, ai cũng bảo nên lấy làm vui. Chỉ Trúc khóc vì cô độc giữa đời, giữa bầy tò he bà phơi ngoài sân còn chưa kịp khô, nhạt nhòa nắng, nhạt nhòa nước mắt.
Cuộc sống lắm lận đận khiến Trúc coi những cơ hội cuộc đời dành cho mình là duy nhất. Hoàng là tình yêu lớn duy nhất. Học bổng, cơ hội nghề nghiệp cũng là duy nhất. Những tính toán thiệt hơn để những điều duy nhất trọn vẹn có khi phải trả giá quá đắt như lúc này. Nghĩ tới Hoàng, nghe tiếng trẻ con cười, khóc thì không giấu nổi những cơn sóng quặn đau trong mình.
Cũng may Trúc còn có Hoa cạnh bên những lúc thèm khóc vùi như thế này. Đã có lần, Trúc nói: “Băm đi băm lại tới mãi, bà lấy chồng đi cho tôi bớt lo”. Hoa cười xòa. Nụ cười tuổi U40 không giấu được chân chim quanh khóe mắt. Hoa bảo mai mốt nhờ đâu đó một ít “giống” kiếm đứa con thôi, yêu hoài, thất vọng hoài chán lắm. Chỉ có tình mẹ yêu con mới là vô bờ bến”. Nghĩ xuôi nghĩ ngược câu nói vô tư ấy, Trúc càng thêm đắng lòng. Thật lạ, chẳng có một người mẹ trong kí ức, chỉ có qua vài câu chuyện vụn bà ngoại và người quen kể lại nhưng Trúc chẳng bao giờ trách mẹ. Đôi khi cô còn mường tượng cảnh bất ngờ tìm ra người mẹ của mình. Nói thế nhưng cả Trúc, cả Hoa đều không đủ dũng cảm để sinh con và làm mẹ đơn thân.
Nghĩ vẩn vơ, Trúc bỗng giật mình nghe tiếng gõ cửa. Hoa nhào ra mở. Chợt nghe giọng Hoa nặng nhẹ: “Ông qua đây làm gì? Ông về đi”. Tiếng Hoàng lí nhí gì đó. Trúc đi ra, bất ngờ trước những đóa thạch thảo tím dịu dàng. Hoàng phân bua: “Anh chỉ muốn đưa về, có thể em muốn trồng lại vì bụi hoa cũ bị xi măng ăn, úa hết rồi. Anh xin lỗi”. Trúc cười mặn chát. Lần đầu tiên Hoàng nói lời xin lỗi chứ không phải là “em thông cảm” như mọi khi. Nhiều khi Trúc nghĩ có khó gì đâu một lời xin lỗi mà giày vò nhau đến thế. Hoàng chậm rãi đi về căn nhà trống đối diện. Tiếng ca sĩ cất lên chầm chậm, trầm chùng bên cửa sổ nhà ấy: “Người theo cánh chim về vui với đời…”. Bài hát tối qua Trúc đã mê mải nghe.
Trúc cẩn thận trồng bụi hoa mới trước cửa. Trở vào nhà, cô kéo tủ sắp xếp những bộ áo quần sơ sinh cô từng mua mà chưa có dịp dùng. Có lẽ cô sẽ gửi Hoàng đưa vào bệnh viện. Hoa nhìn theo, đoán được ý bạn, lầm rầm: “Quân tử rởm!”. Mắt Hoa ngó lơ, giọng nhẹ tênh: “Thạch thảo trong nắng nhìn duyên quá, Trúc ha”.
Buổi sáng trong veo chưa hề trong như thế…
Truyện ngắn của: VÕ THU HƯƠNG