.

Từ Đường thi đến thơ Đường Việt Nam

Cập nhật: 09:07, 22/03/2019 (GMT+7)

Nếu trong kho tàng văn học Việt Nam, thơ ca là một vườn hoa đa sắc màu, với nhiều thể loại như ca dao, tục ngữ, câu đố, thơ lục bát, câu đối, thơ tự do... thì thơ Đường luật là một bông hoa đặc sắc nhất nhì trong vườn hoa đó. Rất nhiều những bậc danh nhân, hào kiệt như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh… cũng như các thi nhân nổi tiếng từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm,  Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan cho đến gần hơn là Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Tú Xương… cũng đều đã từng có những bài thơ Đường nổi tiếng làm giàu đẹp cho thơ ca Việt Nam.

Các nhà thơ xem triển lãm thơ Đường luật Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh
Các nhà thơ xem triển lãm thơ Đường luật Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh

Thơ Đường bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng trở nên thịnh hành từ thời nhà Đường-Trung Quốc. Triều đại nhiều biến động ấy kéo dài gần 3 thế kỷ, từ năm 618 đến năm 907. Trải suốt 4 thời kỳ sơ Đường, thịnh Đường, trung Đường và vãn Đường đã quy tụ được khá nhiều vị vua thông minh, hiếu học và yêu chuộng văn chương nên văn học thời nhà Đường phát triển rất mạnh mẽ, và thể loại được chú trọng nhất trong thời kỳ này chính là thơ ca. Gần như những tên tuổi lớn nhất của thi ca Trung Quốc như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột, Mạnh Hạo Nhiên… cùng nhiều kiệt tác thơ ca như Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị), Hiệp khách hành (Lý Bạch), Thạch Hào lại (Đỗ Phủ), Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế), Đề tích sở kiến xứ (Thôi Hộ), Ẩm tửu khán mẫu đơn (Lưu Vũ Tích)…  đều được ra đời trong thời kỳ này.

Không có tài liệu nào nói chính xác về thời điểm xuất hiện của thơ Đường tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu cứ tính thời điểm ra đời của những kiệt tác thơ Đường Việt Nam như bản tuyên ngôn bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà” (năm 1076) hay bài thơ nổi tiếng “Cáo tật thị chúng” (năm 1096) thì có thể kết luận thơ Đường đã được du nhập vào nền thi ca Việt Nam từ trước thế XI rất lâu mới có thể hòa trộn, nhuần nhuyễn và phát triển lên tới đỉnh cao như vậy. Trải qua khoảng thời gian đằng đẵng một ngàn năm, các bậc hào kiệt, thi nhân Việt, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia đã tiếp thu và vận dụng những tinh hoa của thơ Đường các sáng tác của mình, biến nó thành một loại hình thơ ca đặc sắc của Việt Nam. Nhà thơ, học giả nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã từng nhận xét: Một số bài thơ trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh có thể xếp ngang hàng với những bài thơ Đường hay nhất của Trung Quốc. Tại hội thảo về thơ Đường luật ngày 26-4-2012, giáo sư Vũ Khiêu nêu triết lý Việt hóa về thơ Đường như sau: “Đây là thơ Việt Nam, thể hiện tâm hồn Việt Nam, cảm xúc Việt Nam và phản ánh hiện thực Việt Nam. Còn về kỹ thuật chỉ sử dụng thể loại tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú thời Đường, dù là viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm... nhưng đều là thơ Đường Việt Nam”.  

Điều này thể hiện rất rõ qua những tác phẩm nổi tiếng từ Nam Quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Mời trầu (Hồ Xuân Hương), Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Bạn Đến Chơi Nhà (Nguyễn Khuyến) cho tới  “Nguyên Tiêu”, “Cảnh rừng Việt Bắc”, và các bài thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Những tác phẩm thơ Đường luật đó đều mang nặng hồn cốt, tư duy nghệ thuật của người Việt Nam. 

Thơ Đường gồm rất nhiều thể, dạng, ít ai nắm hết được. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chỉ thịnh hành các thể loại chính là Thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu bảy chữ), và một số biến thể như Thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), Ngũ ngôn tứ tuyệt (bốn câu, năm chữ), Ngũ ngôn bát cú (tám câu, năm chữ) cùng một số  dạng ít phổ biến khác. Do phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định khắt khe về niêm luật, vần điệu và bố cục, thơ Đường thường khó làm hơn các thể loại thơ khác. Với một số câu chữ rất hạn hẹp, tác giả phải chuyển tải cho được những nội dung mình cần truyền đạt đến người đọc nên để làm được một bài thơ Đường đúng và hay bắt buộc người làm thơ phải cắt gọt, chọn lọc câu chữ rất kỹ. Ngoài ra còn phải biết tiết chế trong khi mạch cảm xúc đang trào dâng. Điều này khiến nhiều nhà thơ, trong đó có cả Xuân Diệu dù am hiểu luật và đã có những bài thơ Đường hay nhưng cũng không chọn thể loại thơ này để phát triển sự nghiệp thi ca của mình.

Vì vậy, bất chấp những thành tựu trước đây, ngay khi phong trào thơ mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, thơ Đường đã mất đi ngôi vị độc tôn trong văn học. Mãi đến gần đây, với khát vọng cháy bỏng của những người yêu quý nền thơ ca được xếp vào hạng lớn nhất của thi ca nhân loại này thì thể thơ Đường luật mới được phục hồi và phát triển trở lại trong mạch nguồn thi ca đất Việt.

Hội thơ Đường luật Việt Nam là một trong những tổ chức khai thác, bảo tồn và phát triển thơ Đường tiêu biểu nhất. Ra đời năm 2005, trở thành tổ chức thành viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam năm 2012, Hội đã nhanh chóng phát triển nhờ những hoạt động tôn vinh thơ Đường quy mô. Tính đến nay Hội đã có gần 3.000 hội viên và hơn 70 Chi hội thơ trên cả nước. Dù chỉ là một tổ chức văn hóa xã hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải nhưng Hội có điều lệ riêng trong đó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của hội viên. Hội cũng có hàng chục cuộc hội thảo về thơ đường luật, góp phần giới thiệu và quảng bá cho hàng trăm tác giả và tác phẩm thơ Đường. Hàng năm, hội đều chọn những tác phẩm tiêu biểu của tất cả các hội viên trong cả nước để in vào tuyển tập thơ Đường. Mỗi năm, Hội lại tổ chức một ngày hội giao lưu và trao đổi học thuật về thơ Đường luật tại các tỉnh thành nổi tiếng trong cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XIV được tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ 21 và 22-3. Tuyển tập thơ chào mừng Đại hội mang tên “Bà Rịa -Vũng Tàu qua những áng thơ Đường luật” với sự góp mặt của 553 tác giả cùng 1.100 bài thơ ca ngợi mảnh đất giàu đẹp BR-VT cũng vừa được xuất bản. Hy vọng ngày Hội thơ Đường tại BR-VT sẽ là ngày hội rực rỡ nhất cho tất cả những người yêu quý thể thơ đặc sắc đã được cha ông ta dày công vun đắp.

AN AN

.
.
.