.

Nhạc sĩ Đức Huy - Và con tim đã vui trở lại

Cập nhật: 07:51, 15/03/2019 (GMT+7)

Nhắc đến nhạc sĩ Đức Huy, có lẽ đa phần người yêu nhạc Việt ở độ tuổi từ U70 cho đến thanh, thiếu niên hiện nay đều có thể nhớ đến một bài hát hoặc chí ít là một câu hát trong các sáng tác của ông. Các sáng tác của ông thường có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ giản dị, súc tích. 

Nhạc sĩ Đức Huy
Nhạc sĩ Đức Huy

Viết về tình yêu, dù là mối tình tan vỡ, ông cũng không quá bi lụy, não nề mà luôn có cái nhìn  lạc quan, bình thản trước mọi dịch chuyển của kiếp người: “Và nếu như có một ngày một ngày nào đó/Em sang ngang một ngày nào đó/Anh sẽ chúc em được được nhiều hạnh phúc/Cho em luôn luôn được gì em muốn/Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay/Nhiều như những gì mình đã có/Một lần đã trọn vẹn hiến dâng/Với anh em mãi là người tình trăm năm” (Người tình trăm năm). 

Các nhạc phẩm của Đức Huy được phổ biến rộng rãi không chỉ cho mọi lứa tuổi mà còn từ hải ngoại, đến trong nước với đông đảo người hâm mộ như: Người tình trăm năm, Và con tim đã vui trở lại, Yêu em dài lâu, Đừng xa em đêm nay, Đường xa ướt mưa, Màu mắt nhung, Như đã dấu yêu, Và tôi cũng yêu em… Cũng như các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đức Huy cũng khiến người đối diện ngạc nhiên khi biết ông ở lứa tuổi… 4X bởi ngoại hình trẻ trung, nho nhã với lối nói chuyện cuốn hút, duyên dáng và gần gũi. Ở tuổi 70, Đức Huy vẫn sáng tác đều đặn, là gương mặt giám khảo thân quen của nhiều cuộc thi âm nhạc trên truyền hình và đáng kể hơn là người vợ kém ông 44 tuổi vừa sinh thêm cho ông 2 con nhỏ!

CHẤT LIỆU SÁNG TÁC TỪ CUỘC ĐỜI

Nhạc sĩ Đức Huy sinh năm 1947 tại Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam. Gia đình ông sinh sống qua nhiều nơi, từ Đà Nẵng, Đà Lạt, qua Nha Trang, sau cùng định cư tại Sài Gòn. Thời còn là sinh viên Đại học Văn khoa (Sài Gòn), ông tham gia nhiều ban nhạc trẻ như Crazy Boys, Revolution, Strawbery Four và bắt đầu sáng tác. Nhạc phẩm đầu tay của ông sáng tác năm 1967 mang tên “Khóc hạ” nhưng không được công bố. Hai năm sau, nhạc phẩm “Cơn mưa phùn” của ông được thính giả trẻ bấy giờ đón nhận nồng nhiệt. Đức Huy rất đam mê đàn guitar. Ông nhìn đàn anh chơi đàn, học lỏm rồi về nhà tự luyện. Có ngày, ông nghe đĩa nhạc tới 40 lần chỉ để tìm cho ra những hợp âm trong bài hát. Để có thêm kiến thức, Đức Huy để dành tiền tiết kiệm ra rạp xem phim ca nhạc của các nhạc sĩ tài năng thời đó như Cliff Richard hay nhóm The Shadows. “Tôi xem nhiều đến mức nhớ được cách xử lý của các bậc thiên tài với đoạn cao trào, kịch tính. Tôi ghi nhớ từng giai điệu rồi về nhà tập theo. Tập chưa được, lại chạy ra rạp mua vé xem”, nhạc sĩ mỉm cười nhớ lại.

Khi định cư ở Mỹ, đầu tiên ông làm phục vụ trong một nhà hàng Việt Nam, sau đó tự mở nhà hàng, mở phòng thu nhạc. Năm 1985, ông bắt đầu con đường âm nhạc chuyên nghiệp, cùng ban nhạc biểu diễn trên một chiếc du thuyền, đi khắp Tahiti, Caribe, Jamaica, México trong 4 năm. Di chuyển nhiều và gặp gỡ nhiều là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Người tình trăm năm, Một tình yêu, Để quên con tim, Tiếng mưa đêm… Sau này rời tàu, nhạc sĩ tập hợp 10 bài hát làm album Người tình trăm năm, trong đó có đến 6 bài được công chúng yêu thích cho đến nay. Thời gian này, ông gặp một nữ ca sĩ nghiệp dư có nghệ danh Thảo My, đến năm 1989 họ kết hôn. Trong thời gian yêu đương, Đức Huy viết tặng Thảo My 3 bài hát: Đừng xa em đêm nay, Những đêm trăng tròn, Còn mãi thương yêu. Qua giọng ca Thảo My, Đừng xa em đêm nay lập tức nổi tiếng ngay khi phát hành: “Đừng xa em đêm nay khi bóng trăng qua hàng cây/Đừng xa em đêm nay đêm rất dài/Vòng tay em cô đơn đêm khuya vắng nghe buồn hơn/Còn tim em khát khao yêu thương/Đừng xa em đêm nay hãy nói anh sẽ ở đây/Đừng để em một mình nơi chốn này/Hãy ôm em trong tay cho em biết anh cần em/Và hãy nói anh vẫn yêu em” (Đừng xa em đêm nay).

Nhờ đó, vợ ông vốn là ca sĩ nghiệp dư đã trở nên đắt sô trong cộng đồng hải ngoại. Tiếc rằng sau đó, như mở phòng thu, mở tiệm studio, nhà hàng nhưng kết quả không như mong đợi. Kinh tế khó khăn chính là yếu tố khiến vợ chồng Đức Huy ngày càng xa cách. Hậu ly hôn, vợ và ba con sống ở Mỹ, Đức Huy về Việt Nam. 

Nhạc sĩ Đức Huy và gia đình.
Nhạc sĩ Đức Huy và gia đình.

VÀ “YÊU LẠI TỪ ĐẦU”

Ấn tượng của tôi về nhạc sĩ Đức Huy khi trở về Việt Nam trong một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình, khi ông đàn guitar và hát chung với nữ ca sĩ Mai Khôi, lúc đó trông cả hai người thật hạnh phúc và lãng mạn tuy họ có khoảng cách về tuổi đời và cả phong cách âm nhạc: Nhạc sĩ Đức Huy thì nhẹ nhàng, sâu lắng còn Mai Khôi thì phá cách đến mức nổi loạn. Quả vậy, cuộc tình của họ chỉ ngắn ngủi trong 5 tháng. Trước ca sĩ Mai Khôi, Đức Huy cũng từng có mối tình với nữ ca sĩ Ngọc Lan. Theo Mai Khôi, ông yêu cô vì cô có nhiều nét giống nữ ca sĩ này và cô tâm sự: “Người đề nghị chia tay vẫn là anh Huy. Bản thân tôi vẫn nghĩ, dù không còn yêu nhau nhưng chúng tôi vẫn có thể làm việc chung cùng nhau nhưng anh không đồng ý. Anh cho rằng, nếu không yêu nhau nhưng phải nhìn mặt nhau rất khó chịu. Khi chúng tôi thật sự xa nhau, tôi biết anh Huy rất sốc”.

Sau khoảng thời gian đi về cô lẻ, nhạc sĩ Đức Huy đã gặp được người vợ hiện tại kém ông tới 44 tuổi, vốn là một người hâm mộ nhạc của ông. Với ai tò mò về đời sống vợ chồng của mình, nhạc sĩ chia sẻ: “Khoảng cách tuổi tác mà mọi người thấy chỉ là vỏ ngoài. Cách cảm thông, tôn trọng và trân quý sự hiện diện của người kia trong cuộc đời mình mới là quan trọng”. Hiện nay họ đã có hai con chung, con trai đầu đã 6 tuổi. Trong chương trình âm nhạc gần đây cũng là Ngày của mẹ, nhạc sĩ Đức Huy đã giới thiệu bài hát mới nhất với tựa đề Nhớ mẹ ầu ơ ví dầu để tặng người mẹ quá cố, tặng người vợ thứ hai và hai con nhỏ. Nhìn nhạc sĩ lại đắm say bên phìm đàn và cất lên tiếng hát yêu đời, người ái mộ hiểu rằng con tim của người nhạc sĩ tài hoa đã thực sự “vui trở lại”: “Và con tim đã vui trở lại/tình yêu đến cho tôi ngày mai/tình yêu chiếu ánh sáng vào đời/tôi hy vọng được ơn cứu rỗi/và con tim đã vui trở lại/và niềm tin đã dâng về người/trọn tâm hồn/nguyện yêu mãi riêng người mà thôi...” (Và con tim đã vui trở lại).

VŨ THANH HOA

.
.
.