Thơ trong đời sống người Việt
Người Việt Nam từ cổ chí kim, từ bậc vua chúa, đại thần cho tới những người dân thường chân đất áo vải, ai trong đời cũng từng đôi lần sáng tác, thể hiện, nếu không chí ít cũng phải đôi lần nghiền ngẫm thưởng thức các tác phẩm thi ca.
Nghệ sĩ Quế Châu diễn ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Ngày thơ Việt Nam tỉnh BR-VT lần thứ 17. Ảnh: CẨM NHUNG |
Từ xa xưa khi chưa có chữ viết thì thơ đã xuất hiện trong đời sống của người dân Việt rồi. Rất nhiều câu ca dao, tục ngữ có vần có điệu, dễ nhớ, dễ thuộc của thơ ca dân gian bây giờ vẫn đang được lưu giữ, tồn tại và được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Khi chữ viết ra đời, thơ càng thêm phát triển, từ các thể thơ Cổ Phong, Đường luật tới các thể loại thơ Hàn luật, Lục bát, Song thất lục bát, rồi thơ hiện đại, tự do ngày nay.
Thơ là phương pháp tốt nhất nếu không nói là duy nhất vừa chứng tỏ được tài năng trí tuệ vừa thể hiện được tâm tư tình cảm của người làm thơ. Chính vì thế các khoa thi xưa, đề bài chỉ chuyên về bình thơ và sáng tác thơ. Những danh nhân được người sau nhắc đến nhiều nhất, nếu không là danh tướng thì cũng là thi nhân. Đa phần là sự kết hợp của cả hai. Ai cũng biết tên tuổi của Thái úy Lý Thường Kiệt ngoài trận chiến trên sông Như Nguyệt còn gắn với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Lời thơ trong “Bình Ngô đại cáo” của quan Hành khiển Nguyễn Trãi còn lưu danh hơn cả những trận đánh Hàm Tử, Chi Lăng. Và vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với “Hịch xuất quân” hay chủ tịch Hồ Chí Minh với “Nguyên tiêu” và nhiều bài thơ khác đều cho ta thấy các bậc hào kiệt xưa giỏi dụng thơ làm vũ khí như thế nào và thơ ca có vị trí quan trọng ra sao trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Những tác giả danh tiếng thời xưa từ Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... cho đến những nhà thơ cận đại sau này như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà và các nhà thơ hiện đại như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ … tất cả đều có chỗ đứng trang trọng lâu dài trong lòng rất nhiều người dân Việt. Điều này chứng tỏ thơ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người Việt, và việc có một ngày hội tôn vinh thơ ở đất nước “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, yêu thi ca nhất nhì thế giới này là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết.
Đáp ứng niềm mong mỏi của hầu hết các nhà thơ cũng như nguyện vọng của đông đảo công chúng yêu thơ, tại kỳ họp thứ 8, (khóa 7) ngày 26-12-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã đồng ý để Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chọn ngày rằm tháng giêng, ngày ra đời bài thơ Nguyên Tiêu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Ngày thơ Việt Nam.
Ngày Thơ Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào năm Quý Mùi 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà thơ và công chúng yêu thơ.
Trải qua mười mấy năm, đã thành thông lệ cứ mỗi độ tết đến xuân về, trên khắp mọi tỉnh thành trong cả nước đều đồng loạt diễn ra rất nhiều hoạt động liên quan đến thơ như thi sáng tác thơ, thả thơ, kéo cờ, ngâm và bình thơ, giao lưu, diễn, hội thảo thơ… để chào mừng ngày hội này.
Những năm gần đây tư duy tổ chức càng ngày càng thêm sáng tạo. Những người có trách nhiệm, dường như đã mất nhiều công sức để khán giả dễ tiếp cận với thơ hơn. Đến với ngày Thơ, công chúng không chỉ được thưởng thức những tác phẩm thơ nổi tiếng của các tác giả tiêu biểu mà còn được hòa mình vào trong không gian thơ ca, đọc, nghe, ngắm chân dung những nhà thơ cùng các câu, bài thơ nổi tiếng, chiêm ngưỡng sân khấu thơ được trang trí mỗi năm mỗi khác. Người yêu thơ cũng có thể tham gia các cuộc thi đố thơ, đối thơ, đề thơ lên ảnh, được gặp gỡ và giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng… Tuy nhiên thành thực mà nói, thơ là tiếng lòng thẳm sâu của mỗi con người, thốt lên thì dễ nhưng tìm sự cảm thông, đồng điệu từ người khác lại khó. Vì lẽ đó Ngày Thơ Việt Nam có lẽ là ngày hội duy nhất đông tác giả hơn khán giả và thơ dù có cố gắng cách mấy cũng không thể có nhiều công chúng như âm nhạc, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng ngày thơ Việt Nam vẫn là ngày hội của những người yêu thi ca đồng thời là một sân chơi lý thú, bổ ích đáp ứng được nhu cầu vui chơi và học hỏi cho mọi người dân Việt Nam mỗi dịp đầu năm.
BÙI ĐẾ YÊN