Những đứa trẻ ở mái ấm
Không thể phủ nhận là ngày xưa, việc nuôi trẻ dễ hơn bây giờ. Việc cho trẻ ăn, uống ít cầu kỳ hơn, mọi thứ thiếu thốn, đồ chơi thì càng hiếm, tạo được cái gì chơi cái đó. Vậy mà những trò như đá bóng bằng trái bưởi, hay đánh chuyền đánh chắt, ô ăn quan vẫn hấp dẫn bao thế hệ trẻ thơ.
Bây giờ thì mười nhà hết chín phàn nàn việc nuôi trẻ sao khó quá. Cha mẹ không tiếc tiền mua thức ăn ngon, chế biến công phu nhưng trẻ vẫn biếng ăn hay quậy phá khiến các bà mẹ gặp nhau là lại than thở về con. Đã thành bà nội bà ngoại, và cũng không ít khi rầu lòng chán nản khi phụ dâu con nuôi cháu, nên tôi ngộ ra nhiều điều khi trải qua một chuyến thiện nguyện.
Nơi chúng tôi đến là một ngôi chùa. Ở đây có mái ấm tình thương đang nuôi dưỡng tám chục trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ lâu nên tích cực gom góp áo quần trẻ em và đồ chơi cũ trong khu phố, kèm theo sữa, bỉm cùng vật dụng của trẻ chất đầy 3 chiếc xe hơi gia đình và một khoản tiền kha khá. Một số nhà còn cho con đi theo để có bài học thực tế.
Mái ấm chia làm nhiều lớp. Lớp nhỏ nhất là trẻ dưới 1 tuổi, gồm 13 cháu được đặt trong cái nôi xếp sát nhau do một cô bảo mẫu trông chừng. Cô luôn chân luôn tay đưa nôi, canh chừng trẻ đến mức chẳng có thời gian để bắt chuyện với khách. Nhưng điều ngạc nhiên là phòng tuy có hơi nóng bức nhưng không thấy em bé nào khóc nhè. Cháu nào cũng cười thật đáng yêu khi có người đưa tay ra bế ẵm, chẳng kể người lạ như trẻ ở nhà. Những ánh mắt ngây thơ, miệng cười tươi với bất cứ ai nào sao mà thương quá chừng! Một người trong đoàn giải thích, sở dĩ trẻ không lạ vì các cháu hiếm khi được bế bồng nên thích được nựng nịu.
Lớp 2-3 tuổi đang ăn. 14 cháu ngồi cạnh nhau. Cô bảo mẫu luôn tay đút cơm cho từng cháu. Cơm chan canh lẫn ít thức ăn nhưng cháu nào cũng há miệng chờ sẵn. Chừng chưa đầy 30 phút, bữa ăn đã kết thúc, tôi không thấy cảnh các cháu khóc nhè hay mè nheo, tỏ ý từ chối như những đứa cháu tôi. Lớp 4 - 5 tuổi thì tự xúc ăn. Mỗi cháu có một tô cơm với cá chiên và canh. Lúc này là 4 giờ chiều. Tôi hỏi cô bảo mẫu từ nay đến tối còn bữa nào nữa không, cô cho biết đây là bữa cuối trong ngày. Lớp này cũng vậy, các cháu ăn ngon miệng và tỏ ra ngoan ngoãn, không để cơm dư, không giành giật trêu chọc nhau như trẻ ở nhà hay ở các trường nội trú. Bởi nếu không ăn đủ, ban đêm các cháu sẽ bị đói và sẽ không có gì để ăn thêm.
Mấy chị bạn nói với tôi: Bọn trẻ ngoan vì biết thân biết phận, vì lời niệm Phật hàng ngày thấm vào chúng, hay nhờ phước đức nhà chùa. Lời giải thích nào cũng có lý. Riêng tôi nghĩ thêm, chẳng phải khuyến khích việc bắt trẻ con chịu khổ, nhưng hoàn cảnh và môi trường sống là yếu tố quyết định để rèn giũa con người. Nếu được nuông chiều quá, người lớn cũng dễ thành ích kỷ. Cũng như cây cảnh phải chăm sóc khó khăn, còn cây trên núi đá lại luôn mạnh mẽ để phù hợp với sự khắc nghiệt của nắng hạn hay gió bão.
HỘI AN