Nhạc sĩ Anh Bằng và món nợ tình day dứt
Nhạc sĩ Anh Bằng là một tên tuổi gạo cội của dòng nhạc trữ tình. Những ca khúc của ông đã neo vào lòng người nghe nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng có lẽ rõ nét nhất là tình yêu quê hương xứ sở, những triết lý về phận người và những mối tình đắm say trải qua từ chính cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa.
Nhạc sĩ Anh Bằng. |
Năm 1954, khi chia tay Hà Nội vào miền Nam, chàng thanh niên 28 tuổi tên Trần Anh Bường đã viết nên ca khúc “Nỗi lòng người đi” với bút danh Anh Bằng. Đây là ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ sinh viên, học sinh, trong đó có tôi. Và những ai phải xa Hà Nội khi tuổi còn rất trẻ, chưa biết bao giờ mới có ngày quay lại, sẽ thấm thía được từng ca từ, giai điệu mênh mang, day dứt: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu/Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều/Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ/Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa…”.
Là một người tài hoa và đào hoa, những nhạc phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng thường thấp thoáng bóng dáng những cuộc tình đi qua đời mình. Sài Gòn hoa lệ, đã đưa tên tuổi Anh Bằng trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng từ trong tận trái tim, không bao giờ Anh Bằng quên được hình bóng người con gái Bắc năm xưa. Điều này có lẽ thể hiện rõ nhất trong nội dung bài hát “Bây giờ còn nhớ hay không” với giai điệu làm xao xuyến bao trái tim những người dù đã rời xa tuổi học trò với nội dung độc đáo bởi nhân vật nữ được nhạc sĩ so sánh với tiên nữ phải bay về trời: “Bây giờ còn nhớ hay không/Anh đem cánh phượng tô hồng má em/Để cho em đẹp như tiên/Nhưng em không chịu/Sợ phải lên trên trời”.
Nói đến âm nhạc của Anh Bằng, không thể không nhắc đến ca khúc “Anh còn nợ em” - kể lại chuyện tình ngang trái và cũng là mối tình cuối cùng trong cuộc đời ông. Danh ca Phương Dung là bạn thân của Mỹ Dung, một ca sĩ phòng trà đã làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ viết bài hát này kể rằng: Nhạc sĩ yêu Mỹ Dung rất nhiều nhưng ông không thể bỏ vợ con để đến với cô. “Anh còn nợ em” chính là món nợ mà nhạc sĩ Anh Bằng muốn người đời thấy rằng ông nợ người con gái ấy quá nhiều: “Anh còn nợ em/Dòng xưa bến cũ/Con sông êm đềm/Anh còn nợ em/Chim về núi nhạn/Trời mờ mưa đêm/Anh còn nợ em/Nụ hôn vội vàng/Nắng chói qua son…”.
Nhạc sĩ Anh Bằng cũng là người thành công trong việc phổ nhạc cho thơ. Bài hát “Trúc đào” được ông phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Đây là bài hát cũng được rất nhiều thế hệ khán giả yêu thích: “Tại vì hai đứa ngây thơ/Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn/Nhìn vầng trăng sáng lung linh/Nhìn em mười sáu như cành hoa lê/Rồi mùa thu ấy qua đi/Chợt em mười tám chợt nghe lạnh lùng/Thuyền đành xa bến sang sông/Hàng cây trút lá tình đi lấy chồng…”. Ca khúc gợi lên hoài niệm về một mối tình thơ ngây với hình bóng người con gái luôn khiến Anh Bằng day dứt. Có lẽ mối tình nhẹ nhàng, thầm lặng chịu nhiều thiệt thòi phù hợp với cách yêu của người Á Đông nên cho đến ngày nay, bài hát vẫn được những ca sĩ dòng Bolero chọn trình diễn.
Nhưng với tôi, trong gia tài sáng tác của Anh Bằng, “Khúc thụy du” là ca khúc ám ảnh nhất. Một chuyên gia âm nhạc đã đánh giá “Khúc thụy du” là bản nhạc “vạn người mê” bởi bài thơ gốc của Du Tử Lê đi sâu vào thân phận chiến tranh, còn ca khúc khi được Anh Bằng phổ nhạc, đã khắc họa tình yêu trong cuộc đời.
Bài thơ “Khúc thụy du” được nhà thơ Du Tử Lê viết tháng 3-1968. Nhà thơ Du Tử Lê kể lại: Vào năm 1985, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm gặp ông tại quán cà phê Tay Trái và giới thiệu mình là người đã phổ nhạc bài thơ của ông, trước đó hai người chưa hề quen biết. Nhạc sĩ Anh Bằng đã khéo léo tìm những thi ảnh trong bài thơ, chuyển sang trạng thái khác, đó là tâm tưởng của một kẻ đang day dứt trong tình yêu thay vì đi sâu vào thân phận một người dằn vặt bởi cuộc chiến tranh như bài thơ gốc. Cũng vì bài hát quá nổi tiếng nên rất nhiều giai thoại và nghi vấn đi theo. Nhiều người đoán già đoán non về người con gái tên Thụy được nhắc đến trong ca khúc, và cũng có nhiều ý kiến phản đối vì bài hát đã giản lược phần quan trọng nhất của bài thơ là thân phận con người, chỉ nhấn vào khía cạnh tình yêu, một khía cạnh rất nhỏ. Chính nhà thơ Du Tử Lê sau mấy chục năm nhìn lại cũng công nhận nhạc sĩ Anh Bằng có cái lý của ông. Và bài hát vẫn được yêu thích cho đến nay.
Về cuối đời, thính giác của nhạc sĩ Anh Bằng bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ có thể nghe được 10% âm thanh bên ngoài. Tưởng điều đó sẽ chấm dứt luôn sự nghiệp sáng tác của ông, nhưng trong nhiều thập niên qua, ông vẫn sáng tác, thậm chí còn nhanh hơn ngày xưa. Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời năm 2015 tại Mỹ, sau hơn 8 năm điều trị bệnh ung thư gan nhưng những giai điệu bất hủ của ông để lại cho đời thì vẫn mãi còn vang vọng trong trái tim bao thế hệ người yêu nhạc Việt trữ tình, như lời bài hát Khúc thụy du: “Hãy nói về cuộc đời/Khi tôi không còn nữa/Sẽ lấy được những gì/Về bên kia thế giới/Ngoài trống vắng mà thôi/Thụy ơi, và tình ơi !”.
VŨ THANH HOA