Ăn Tết ở quê...
Minh họa của: MINH SƠN |
Ngày Tết ta nói “ăn tết” nghĩa là bao hàm cả chơi tết, mặc tết. Trong đó “chơi tết” vẫn là mục đích chính yếu hơn. Ăn tết ở quê là mong muốn của bao người con xa quê để được đi chơi tết ở làng quê bởi ở đó có không khí của hội hè thôn mạc của bao ký ức gắn bó tuổi thơ một đời người. Mà tuổi thơ thì nhớ lâu lắm, nhớ rất cụ thể, rất chi tiết. Và cũng chỉ có tuổi thơ mới lưu giữ được lâu thế. Về quê vừa được sống lại với ký ức của tuổi thơ, vừa được chiêm nghiệm lại những kinh nghiệm sống đã trải qua. Quê chính là hồn vía, hồn cốt của thơ - phần tinh túy nhất của tâm hồn con người.
Về quê ăn tết là ta về với cội nguồn. Cái nguồn cội sâu xa có gì mà thăm thẳm vậy. Hình nhưng trong mỗi con người thuần Việt ai cũng có chút ít chất ruộng, chất đồng, chất quê. Dù anh có sinh ra, sống ở thị thành thì anh vẫn ăn hạt gạo quê, thích nghe câu hò, điệu hát dân ca. Quê không chỉ là miền quê, là cái chất quê thuần phác mà quê ở ngay trong giọng nói, ứng xử của dân miền lúa nước. Nhiều lúc tôi cứ bần thần khi nhẩm tính ở nước non mình mềm như dải lụa đào lại có bao nhiêu xứ: Xứ Quảng, Xứ Huế, Xứ Nghệ, Xứ Thanh, Xứ Bắc, Xứ Đoài… Đôi lúc ta thành người xa xứ nhưng không thể xa quê. Tiếng quê, giọng quê, món ăn quê, người quê và cả tết quê. Tết quê có gì thật riêng, thật đậm, thật mộc. Mộc trong cả món ăn ẩm thực. Cũng món thịt heo thôi, nhưng chiều 30 Tết ta thèm nghe tiếng heo kêu, được góp vài ba nhà “đụng” một con heo hơi. Được chia đều từ lòng, thủ, thịt vai, thịt chân giò…. còn nóng hổi, còn bốc khói đã bắt mắt, đã nằng nặng tay, đã xuýt xoa ơi ới, tay dao, tay thớt, nghe thật vui, thật ồn ã, náo động cả góc làng, góc xóm hồ hởi mà tươi trẻ lại. Trẻ thì được thêm cái bong bóng, già thì dành cho quả tim tươi đỏ. Chứ không lạnh ngắt, tái tê, bèo nhèo như các phản thịt bán ngoài chợ. Rồi gạo nếp từ tay mẹ làm ra, xay, giã, còn mùi đồng, mùi ruộng vốc lên đã thấy thơm, thấy bùi. Lá dong cũng hái ở ngoài vườn thêm những nắm đỗ đồ lên thật dẻo với nút lạt dang đã thành bánh chưng lại lục bục đun sôi, lại bập bùng ánh lửa đêm 30 Tết mà thành cỗ Trời tròn, Đất vuông dâng lên tổ tiên, ông bà trong mùi hương trầm thơm ngát. Hoa tết ở quê cũng là hoa tươi, hoa thật. Hoa vừa mới hái trong vườn, cuống còn ứa nhựa. Hoa cũng mộc như lời mời của người bán hoa là nụ cười tươi tắn, rạng rỡ của cô thôn nữ, má cũng ửng hồng như hoa.
Ăn tết để ngày cuối năm ta ra nghĩa trang của làng thắp nén hương lên nấm mộ của ông bà tổ tiên, nén hương của người con xa quê, sợi khói hương trầm thơm lưu lại lâu hơn trong gió. Những sợi khói mỏng manh như sợi dây tâm linh kết nối giữa người sống và người đã khuất về với cội nguồn.
Về quê ăn tết ta được sống lại với cái tuổi ngày xưa được “lì xì” những phong bao đỏ. Chút quà nhỏ mà đưa lại bao hứng khởi may mắn. Quà đầu năm mới là quà chúc phúc thật vô tư giản dị. Cho và nhận, âu đó cũng là tấm lòng thơm thảo để được sẻ chia để được giao hòa trong một cộng đồng bao dung và hướng thiện. Chợ tết ở quê cũng có sắc thái riêng, không gian riêng và sản vật riêng, bán đi cái rủi, mua thêm cái may như nước làm đầy nhau thêm. Ly nước trà mời nhau có cái sóng sánh vị ngọt đậm đà và có cả vị chát thấm nhiều nghĩ ngợi…
Ở quê bây giờ đường làng ngõ xóm khang trang hơn, nhà cao tầng nhiều hơn. Mảnh vườn có thể hẹp lại hơn nhưng lại thêm nhiều cây cảnh, ân đức đúc thành nhưng thế cây, thế lộc như khát vọng của con người. Làng quê bây giờ đã thành môi trường sinh vật cảnh đa dạng, phong phú và tinh tế. Chính sự cân bằng động này phần nào đã xóa đi những ám ảnh của đời sống tất bật chốn thị thành.
Về quê ăn tết ta được trở lại chính mình. Tết là thời gian được nghỉ ngơi phù hợp với lịch thời vụ gieo trồng trong năm. Đây cũng là thời kỳ thiên nhiên phát tiết đâm chồi, nảy lộc. Con người được hòa mình vào thiên nhiên tắm trong tươi tốt của hội hè đình đám. Tết như cái gạch nối bắc cầu giữa năm cũ và mới, hồi sinh và phục thiện. Về quê để được ăn tết ở quê cũng chính là để ra đi mở đầu một năm mới từ một bệ phóng cội nguồn tâm linh thăm thẳm….
NGUYỄN NGỌC PHÚ