.

Riêng một góc trời Ngô Thụy Miên

Cập nhật: 11:34, 18/01/2019 (GMT+7)

Khi còn là sinh viên, chúng tôi thường phải tiết kiệm những đồng xu ít ỏi của mình cho niềm vui cuối tuần là rủ nhau ra quán cà phê bên cạnh trường để được thả hồn vào những bản tình ca bất hủ: Riêng một góc trời, Niệm khúc cuối, Áo lụa Hà Đông, Dấu tình sầu, Giáng ngọc, Khúc thụy du… Sau này, tôi mới biết, đó là những nhạc phẩm bất hủ của Ngô Thụy Miên. 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (trái) và ca sĩ Tuấn Ngọc - người trình bày thành công các ca sĩ của ông.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (trái) và ca sĩ Tuấn Ngọc - người trình bày thành công các ca khúc của ông.

TÀI KHÔNG ĐỢI TUỔI

Ngô Thụy Miên bắt đầu viết nhạc từ năm 1963 khi mới 15 tuổi. Chỉ 2 năm sau, ông đã được công chúng biết đến khi ca khúc Chiều nay không có em ra đời năm 1965. Khi ấy, ca khúc này được giới trẻ yêu thích, đặc biệt giới học sinh sinh viên hưởng ứng nồng nhiệt: “Dù mai tình lên khơi như sóng gào/Không có em cho phố vắng dấu chân hẹn hò/Không có em mùa thu thôi lá vương bay/Mùa đông buốt giá qua đây/Vòng tay ấy ôi sao lẻ loi…”. Năm 1969, ông xuất bản tập nhạc đầu tay lấy tựa là Tình khúc Đông Quân. Đông Quân chính là bút danh đầu đời của ông trước khi đổi thành Ngô Thụy Miên. 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng trải lòng: “Sáng tác của tôi viết ra không hẳn cho một đối tượng thính giả nào, mà chỉ dành cho những người có thể chia sẻ những tình cảm, tâm tư riêng với mình mà thôi. Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang lại hạnh phúc cho người yêu”. Có lẽ nhạc sĩ đã đem chính tâm tưởng ấy vào những ca khúc của mình khiến bao thế hệ người nghe được trải qua đủ cả các cung bậc cảm xúc: ngọt ngào, sâu lắng và cả cay đắng, cô đơn…

Nói đến ca khúc Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến những ca khúc do ông phổ thơ Nguyên Sa. Giới chuyên môn nhận định: Cho đến ngày nay, hai cái tên Ngô Thụy Miên-Nguyên Sa vẫn là một điển hình cho sự thành công khi gieo thơ thành nhạc. Nguyên Sa đã giúp nhạc Ngô Thụy Miên thăng hoa và ngược lại Ngô Thụy Miên đã đem tiếng thơ của Nguyên Sa bay cao khiến triệu tâm hồn thổn thức với những Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Paris có gì lạ không em… 

Thơ tình Nguyên Sa mang tình yêu thuần phác, hiện sinh, trữ tình thường nhật dành cho một người, một dáng hình cụ thể là người bạn đời-bà Trịnh Thị Nga. Người cùng thời nhận xét thơ Nguyên Sa lãng mạn, sang trọng thích hợp với giới trí thức, sinh viên, học sinh chứ không đến được với tầng lớp bình dân. Chính Ngô Thụy Miên là người đưa thơ Nguyên Sa thăng hoa thật sự trong sự kết hợp giữa âm nhạc và thi ca và neo lại trong trái tim mọi thế hệ người nghe. Thời đi học, Ngô Thụy Miên đọc thơ Nguyên Sa rất nhiều và có lẽ vì vậy mà chất thơ ấy đã thấm vào tâm hồn ông. 

Nhạc sĩ từng bộc bạch: Trong bốn thập niên viết nhạc của mình thì thơ Nguyên Sa lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, trong suốt cuộc đời nghệ thuật, Ngô Thụy Miên mới gặp Nguyên Sa 2 lần! Điều đó cho thấy, không cứ phải chạm mặt, gặp gỡ ngoài đời nhiều mới có sự đồng điệu, hai người nghệ sĩ đã gặp nhau trong niềm giao cảm của tình yêu nghệ thuật và sự thăng hoa ấy đã đem lại cho công chúng những tuyệt phẩm sống mãi cùng năm tháng. 

ĐỜI TƯ KHÉP KÍN

Điểm đặc biệt ở Ngô Thụy Miên là ông có một cuộc sống riêng đầy bí ẩn, khép kín. Danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ: Sự nghiệp âm nhạc của anh lừng lẫy gắn liền với ca khúc Riêng một góc trời. Ngay từ khi hát ca khúc này lần đầu tiên, anh đã biết ca khúc sẽ nổi tiếng và cho đến tận bây giờ, nhắc đến Tuấn Ngọc là công chúng vẫn nhắc đến Riêng một góc trời: “Một mai em nhé, có nghe thu về, trên hàng lá khô/Ngàn sao lấp lánh, hát câu mong chờ, em về lối xưa/Hạ còn nắng ấm, thấy lòng sao buốt giá/Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau”. 

Vì Ngô Thụy Miên nói rằng ông viết tình ca cho chính mình nên người ta vẫn thắc mắc về hình bóng “Em” trong các ca khúc của ông. Ngô Thụy Miên thừa nhận: Em trong tình ca Ngô Thuỵ Miên thì không chỉ là bóng hình của những người tình đã đi qua hay đang chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống hiện tại. Em của những ngày tháng còn ở Sài Gòn đúng là người tình như trong Mùa Thu cho em, Niệm khúc cuối,… nhưng khi ra hải ngoại thì Em chính là Sài Gòn, là nơi chốn Ngô Thụy Miên đã trưởng thành với bao kỷ niệm của một đời. Người tình chợt đến chợt đi, nhưng Sài Gòn sẽ còn mãi trong trái tim ông.

Nhưng, những tiết lộ của Tuấn Ngọc lại cho thấy một điều khá lạ là anh và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có lẽ chỉ gắn với nhau trong tinh thần của bài hát là chủ yếu, chứ ngoài đời rất hiếm dịp gặp nhau. Tuấn Ngọc kể: Dẫu là một nhạc sĩ tài hoa, ca khúc của ông được trình diễn khắp các sân khấu trong và ngoài nước, nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên luôn được các ca sĩ hàng đầu yêu mến và chọn lựa khi thực hiện các album nhạc. Vậy nhưng, tại Mỹ, Ngô Thụy Miên lại sống “ẩn dật” cùng vợ. Không chỉ có Tuấn Ngọc mà hầu hết các nghệ sĩ ở Mỹ đều ít có cơ hội được gặp ông. Trên báo chí cả ở hải ngoại lẫn Việt Nam, đều hiếm gặp những bài viết về vị nhạc sĩ có những ca khúc bất hủ này. 

Hiện nay Ngô Thụy Miên sống cùng vợ ở tiểu bang Washington - Mỹ. Vợ chồng ông không tham gia sinh hoạt trong giới văn nghệ, nên gần như nhạc sĩ sống khá tách biệt, ẩn dật nên các thông tin về ông khá ít ỏi. Tuy vậy, ông vẫn đam mê sáng tác, khi có những sáng tác mới ông lại gửi đến trung tâm Thúy Nga để trung tâm phát hành.  Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bày tỏ: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Đến nay, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác trên 70 ca khúc, trong đó có rất nhiều ca khúc nổi tiếng ở trong nước và hải ngoại. 

VŨ THANH HOA

.
.
.