Chớp mắt ngàn năm
Nguyễn Trọng Tạo - một nghệ sĩ tài hoa, dành cả cuộc đời mình cho văn chương, nghệ thuật đã ra đi, để lại gia tài lớn cùng các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực: thơ, nhạc, hội họa.
Nguyễn Trọng Tạo luôn gắn liền với các giai thoại cũng như nhiều đồn đại về cuộc sống riêng và hoàn cảnh ra đời các tác phẩm thơ, nhạc của ông nhưng có lẽ điểm nổi bật nhất ở con người Nguyễn Trọng Tạo là tình yêu tuyệt đối với văn chương nghệ thuật, là tính cách cởi mở hết mình với bạn bè văn nghệ và trên hết là tấm lòng khoan dung, nâng đỡ đối với tài năng trẻ, luôn quyết liệt bảo vệ sự đổi mới trong tư duy và hình thức sáng tạo.
Trong cuộc sống, Nguyễn Trọng Tạo là người xuề xòa, nhưng trong văn chương, nghệ thuật ông lại là người cực kỳ kỹ tính, quyết liệt. Nguyễn Trọng Tạo quan niệm thơ hay thì không thể là thơ viết theo lối mòn, nhàn nhạt và chiều theo đám đông nào đó. Thơ hay phải làm người đọc thổn thức, đắm đuối và nhà thơ phải vận động, sáng tạo hết mình với từng con chữ. Ai là người may mắn được Nguyễn Trọng Tạo góp ý, chỉnh sửa dù chỉ một câu thơ, một bài thơ sẽ cảm nhận được phẩm chất ấy từ ông.
Trước các tác giả thơ, ông không hay để ý đến nhân thân hay danh tiếng của họ. Ông quan niệm tác phẩm chính là gương mặt rõ nhất của người viết, vì thế cái cách nhận xét thẳng thắn, không để lấy lòng người nổi tiếng hoặc kiên định nâng đỡ một tài năng trẻ chưa có tên tuổi nào đó thường khiến nhiều người khó chịu nhưng vẫn phải nể phục. Ông cho rằng: “Mỗi bài thơ là một kinh nghiệm sống. Nhưng những kinh nghiệm sống chỉ có thể thành thơ khi có một tia chớp cảm xúc đánh thức nó!”.
Nguyễn Trọng Tạo đã có một thời gian gắn bó thân thiết với những văn nghệ sĩ của Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2002, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, ông đã phổ nhạc bài thơ «Khúc hát dòng sông», một chương trong trường ca “Thời gian khắc khoải” của nhà thơ Lê Huy Mậu thành bài hát Khúc hát sông quê, được công chúng yêu quý. Năm 2008, tập thơ Em đàn bà với hơn 30 bài thơ tình với bút pháp hiện đại, tươi trẻ, lãng mạn cũng ra đời tại đây. Nguyễn Trọng Tạo bộc bạch: “Con người không có thơ thì chỉ là cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là cái nhà hoang. Vì thơ - có khi anh phải “đi đày”, có khi lại ngồi cùng chiếu với thi hào được giải Nobel”.
Trước khi mất, Nguyễn Trọng Tạo đã có hai đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, và đêm nhạc cùng tên trên chính quê hương xứ Nghệ của ông vào dịp sinh nhật lần thứ 71, sau khi nhạc sĩ vừa vượt qua cơn tai biến. Tại đêm nhạc, ông khiến công chúng bất ngờ khi cho biết ngoài các ca khúc quen thuộc như Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Một dại khờ một tôi hay Khúc hát sông quê… ông còn nhiều bài hát khác muốn giới thiệu vì “kho” sáng tác của ông đã có gần 100 bài.
Lần nhập viện thứ hai vì căn bệnh ung thư phổi đã đem người thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa ra đi mãi mãi, nhưng những câu thơ, nốt nhạc của ông vẫn mãi mãi sống trong trái tim hàng triệu người yêu quý ông: “Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió/có thương có nhớ có khóc có cười/có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”. (Đồng dao cho người lớn).
VŨ THANH HOA