.

Nguyễn Trọng Tạo - Con sông quê chảy mãi đến vô cùng!

Cập nhật: 10:07, 12/01/2019 (GMT+7)

Tối 7-1, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã qua đời ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh BR-VT đã có những chia sẻ về cơ duyên của sự kết hợp giữa ông và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo để làm nên ca khúc nổi tiếng: Khúc hát sông quê.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (trái) và nhà thơ Lê Huy Mậu trong một lần ông đến Vũng Tàu.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (trái) và nhà thơ Lê Huy Mậu trong một lần ông đến Vũng Tàu.

Với tôi, Nguyễn Trọng Tạo là một người đặc biệt. Tôi thầm cảm ơn số phận đã run rủi cho tôi gặp anh. Nhờ đó, tôi với anh mới làm được một việc mà người nghệ sĩ nào cũng mơ ước, là gửi cả tấm lòng mình vào một tác phẩm, sao cho, khi hát lên, ai cũng tìm thấy hình bóng quê hương, tuổi thơ và người mẹ tảo tần của mình. Giản dị và chân thành đến cảm động, từ bài thơ rất dài của tôi, anh đã chọn một số câu, một số hình ảnh trong đó để viết nên một ca khúc có thể nói là để đời của anh - Khúc hát sông quê.

Tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo lần đầu vào tháng 12-1985 tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III. Bấy giờ, có buổi chiêu đãi văn nghệ tại Nhà văn hóa hữu nghị Việt Xô. Nhà văn Chu Lai giới thiệu tôi với anh. Anh bảo: Lê Huy Mậu à? chùm thơ trên Văn nghệ quân đội là mình biên tập đấy! Khi đó, Nguyễn Trọng Tạo đã nổi tiếng với nhiều bài thơ và cả ca khúc “Làng quan họ quê tôi”. Tôi rất mừng vì được anh biết tên, nhớ ý thơ. Những năm sau đó, chúng tôi còn gặp nhau vài lần nữa, cho đến năm 2002, anh vào Vũng Tàu tham gia trại sáng tác âm nhạc, tôi có đưa cho anh chùm thơ 5 bài, trong đó có bài “Khúc hát dòng sông” - một chương trong trường ca “Thời gian khắc khoải” của tôi. 

Sáng hôm sau, anh gọi điện, hỏi Mậu ăn sáng chưa, ra Nhà Sáng tác ăn sáng, mình hát cho nghe bài hát mình vừa phổ thơ Mậu. Tôi ra đến nơi, gần như anh cũng vừa hoàn chỉnh những nốt nhạc cuối cùng. Nhấn nhá bắt nhịp vài lần, anh cất giọng “Qua... qua nửa đời phiêu dạt/Con lại về úp mặt vào sông quê...”. Bao nhiêu năm đã trôi qua, cái cảm giác khi giai điệu đầu tiên của bài hát cất lên vẫn còn âm vang bên tai tôi. 

Giọng hát Nguyễn Trọng Tạo khá hay. Sau đó, ca khúc qua sự thể hiện của các ca sĩ nổi tiếng như Anh Thơ, Thu Hiền... còn hay hơn nữa. Nhưng điều quan trọng làm xúc động lòng người mà tôi cố tìm cho mình lời giải đáp. Đó là như không phải Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc bài thơ tôi mà chính anh đã sáng tác cả phần lời của bài hát. Chỉ có điều, anh tìm thấy dòng sông Bùng của anh, tuổi thơ của anh, hình ảnh người mẹ hiền tảo tần của anh trong hình ảnh dòng sông tuổi thơ, người mẹ của tôi. Tôi, nhiều lắm là hệ thống những chi tiết, chất liệu âm nhạc giúp anh. Còn tất cả nó có sẵn trong anh rồi. 

Đã 17 năm ca khúc đi vào đời sống âm nhạc của đất nước, tôi và anh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu mến của bạn đọc, bạn nghe đài. Không chỉ của đồng bào trong nước mà của cả kiều bào ở nước ngoài nữa. Một đời nghệ sĩ, một đời nhà thơ, có được sự tôn trọng của đồng nghiệp, sự yêu quý của đồng bào mình thì còn gì hạnh phúc hơn.

Nguyễn Trọng Tạo là một người đa tài. Anh là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo, nhà phê bình văn học, thậm chí anh còn tham gia dịch thuật. Có lẽ ý thức được sự quý mến của đồng nghiệp, bạn bè, người hâm mộ dành cho mình nên anh cũng cố gắng để đền đáp, không chỉ bằng các tác phẩm mà còn bằng cả những giao thiệp đời thường, bằng sự chịu trận trong những cuộc rượu triền miên năm tháng. Tôi có nhiều dịp được cùng anh đi uống rượu với bạn văn. Ở đâu anh cũng là người lịch lãm, văn hóa, chừng mực. Anh đặc biệt dành nhiều tình cảm cho đất và người BR-VT. Nhiều anh em văn nghệ sĩ BR-VT coi anh như một người anh, người bạn thân thiết!

Vĩnh biệt anh, một nhà thơ, một nhạc sĩ tài hoa, một người bạn lớn giản dị, chân thành. Mong anh ra đi thanh thản, với những gì đã cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, anh sẽ còn sống mãi như dòng sông quê chảy mãi đến vô cùng!

LÊ HUY MẬU 

.
.
.