Thắm màu xanh áo lính
Minh họa của: MINH SƠN |
Nếu như người nông dân Việt Nam quen thuộc với màu áo nâu - màu phù sa đồng ruộng, màu đất thì người lính “Bộ đội Cụ Hồ” lại thắm thiết với màu xanh cỏ cây, màu của những cánh rừng đại ngàn “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Quân phục của các anh màu xanh, tấm tăng che mưa nắng “bầu trời vuông” cũng xanh. Cái màu xanh da diết ấy là xanh đậm, xanh tươi, xanh của sức sống.
Những năm đánh Pháp, tấm áo trấn thủ 36 đường may ngang dọc như những chiến hào Điện Biên Phủ, như những ngả đường chiến dịch. Áo trấn thủ mang hình hài của một quả bộc phá có sức công phá lớn mà trái tim người lính là nụ xòe “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như lời thề của Trung đoàn Thủ đô năm 1946.
Có thể nói hành trang của người chiến sĩ rất giản dị nhưng không giản đơn với chiếc ba lô trên vai: “Vào mặt trận khi mùa ve đang kêu”, mà trong những chiếc ba lô con cóc ấy giấu “Một hai, ba giọng hát chú ve kim” trong thơ anh lính trẻ - thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Đôi dép các anh đi là đôi dép cao su “Đôi dép Bác Hồ - Bác đi từ thuở chiến khu Bác về” (Bài hát của Văn An). Rồi chiếc gậy chống bằng tre, “chiếc gậy Trường Sơn” in hằn lên đỉnh dốc mây mù sương phủ, chiếc gậy từ tre làng Gióng. Và chiếc Ăng-gô - cái “nồi Thạch Sanh” đã nuôi những đoàn quân bằng món rau rừng tàu bay thân thiết. Hành trang của người lính là những gì gần gũi nhất, bền bỉ nhất và đa năng, tiện dụng nhất gắn bó với đời sống hằng ngày của người dân Việt. Hành trang ấy gợi lên hình bóng quê hương, gợi lên nết đất tình người, gợi lên sắc màu yêu thương. Nhìn vào màu xanh quân phục của người lính, sắc xanh đậm đà ấy ta đã thấy bình yên và tin cậy.
Từ bản làng biên cương đến hải đảo xa xôi, nơi đâu ta cũng bắt gặp sắc xanh áo lính. Người lính biên phòng còn có cả quân hàm xanh. Nếu không đeo quân hàm chức vụ thì từ vị tướng đến người lính đều có chung đồng phục, sắc phục, không phân biệt tuổi tác, thế hệ, bởi các anh có một cái tên chung là “Bộ đội Cụ Hồ”, khi mà “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Các anh có một điệp khúc quân hành chung: “Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh”, chung một ý chí “Đâu có giặc là ta cứ đi”, chung một cội nguồn “Từ nhân dân mà ra”. Nhân dân với sắc nâu ruộng đồng, nhân dân dành dụm từng hạt thóc, hạt gạo để nuôi quân: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao” (Hữu Thỉnh)…
Trong ký ức của các cựu chiến binh, sắc xanh áo lính luôn gợi lại những kỷ niệm chiến trường, đồng đội. Dưới đáy ba lô là bộ quân phục mà họ đã nâng niu gói trọn giữ gìn. Trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, họ mặc lại bộ quân phục một thời như mặc lại hình hài những tháng ngày không thể nào quên, khi mà chiếc áo có khi sống lâu hơn cả một đời người như ý thơ Thanh Thảo đã viết. Bạn mình hy sinh mà tấm áo vẫn còn đó lỗ chỗ vết đạn. Và bạn đã nằm yên nghỉ dưới lớp áo cỏ xanh. Cỏ cũng là màu quân phục cuối cùng theo bạn mãi mãi. Màu cỏ ấy mỗi sớm mai rưng rưng giọt sương trong veo như nước mắt. Màu cỏ quân phục ấy dằng dịt bên nhau đã từng dệt nên những tấm lá chắn che chắn luồng đạn quân thù…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng là một người lính hải quân, đã từng cùng đồng đội mình khao khát “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”. Nay ông không còn tại ngũ nhưng bộ quần áo quen thuộc ông thích mặc nhất thường ngày, kể cả những khi có lễ nghi quan trọng là màu xanh áo lính. Có lẽ nhà thơ xuất thân từ đồng ruộng, từ “Hạt gạo làng ta/Có bão tháng bảy/Có mưa tháng ba…”. Ông không chỉ mặc quân phục suốt đời mà còn suốt đời tâm nguyện: Tất cả tâm hồn, tâm huyết mình thuộc về người lính, thuộc về những đứa con ưu tú nhất sinh ra từ những làng quê nông thôn bạt ngàn tre xanh mộc mạc. Đó cũng chính là vẻ đẹp bền bỉ của đất nước ta mà người lính bảo vệ giữ gìn từng tấc đất Tổ quốc thiêng liêng, bảo vệ và tô thắm thêm sắc xanh, màu xanh mang khát vọng hòa bình.
NGUYỄN NGỌC PHÚ