Di tích lịch sử nhà Má Tám Nhung đã đón khách trở lại
Sau thời gian thi công phục dựng, từ ngày 1-12, UBND TP.Vũng Tàu đã cho mở cửa đón du khách và người dân đến tham quan di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung (số 1 Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (sáng từ 8 - 11 giờ, chiều từ 14 - 16 giờ 30).
Toàn cảnh di tích lịch sử cách mạng nhà Má Tám Nhung và Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng (số 1 Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu).
|
Má Tám Nhung tên thật là Hồ Thị Khuyên (SN 1905 tại xã Tân Định, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Năm 1945, Má Tám Nhung đã bí mật liên lạc với nhóm Việt Minh và binh vận ở Vũng Tàu, hình thành bộ phận cốt cán trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, gia đình Má Tám Nhung đã nuôi giấu, che chở cho hàng trăm cán bộ cách mạng. Hai người con của Má Tám Nhung đều tham gia cách mạng và hy sinh. Má Tám Nhung được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Nhà Má Tám Nhung là cơ sở bí mật an toàn cho các cán bộ Thành ủy Vũng Tàu hoạt động từ năm 1968 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tại đây, cách đây 73 năm, vào tối 25-8-1945, cả hai nhóm “Việt Minh” và “Binh vận” đã họp và đi đến quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu, đồng thời thành lập “Đội cảm tử quân cách mạng” làm nhiệm vụ bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa. Và, Ủy ban khởi nghĩa đã đứng ra kêu gọi nhân dân Vũng Tàu tham gia giành chính quyền. Theo đó, buổi mít tinh tiếp nhận chính quyền về tay nhân dân ở Vũng Tàu được tổ chức tại sân vận động Lam Sơn vào sáng 28-8-1945.
Căn nhà của Má Tám Nhung được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT-DL) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia vào ngày 14-12-1989. Di tích gồm căn nhà được xây mới theo nguyên trạng nhà cũ có diện tích xây dựng 120m2.
Tin ảnh: HUYỀN TRANG