Món cơm khô của má
Mấy mươi năm rồi má vẫn giữ cái tính tiết kiệm, chi li từng chút một. Hễ muốn mua cái gì, xài cái gì, má đều cân nhắc, cái nào thật sự cần thiết mới mua. Năm tôi học cấp một, chiếc răng cửa của má bị sún nên mỗi lần cười, má phải cúi mặt xuống. Anh em chúng tôi khuyên má đi trồng răng mới cho đẹp, má cười hề hề bảo, cái đó chưa cần thiết, khi nào có dư chút đỉnh má sẽ đi trồng. Mà cái ngày “dư chút đỉnh” của má tận mười năm sau.
Hồi đó, mỗi khi chị hai nấu cơm, má dặn đi dặn lại phải canh sao cho vừa đủ cả nhà ăn, đừng nấu dư bỏ phí rồi lấy gì mà ăn trong mùa giáp hạt. Mấy lần chị hai nấu cơm thừa, má đều rầy. Má lấy phần cơm thừa hấp lại hay nấu cháo. Có bữa cơm để qua đêm bị thiu, má lại bỏ vào nia đem ra phơi nắng. Những cái nia của má được đặt trên mái nhà phía sau, mớ cơm nguội được má phơi cẩn thận, đôi khi trên đó còn có thêm vài khoanh bánh tét thiu, vài con khô hay mấy hạt giống má nâng niu cho mùa sau. Những chiếc nia nằm im lìm trên mái nhà là cả gia tài của má, những thứ thừa mứa đó đã dìu anh em chúng tôi qua những lúc đói lòng.
Cơm nguội phơi khô được má làm thành món ăn cho anh em tôi mang đến lớp thay cho những món quà ăn vặt ở trường mà anh em tôi chẳng bao giờ dám mơ tới. Những lúc trời chạng vạng, má lại bắc chảo chiên cơm nguội với mỡ, đợi đến khi cơm nở ra, má cho mớ nước đường chảy vào hòa với những hạt cơm khô. Cơm nguội chiên được má cho vào cái keo nhỏ cho anh em chúng tôi. Khi nào má xin được mấy đòn bánh tét cũ của hàng xóm đem về phơi là anh em chúng tôi lại có thêm khoanh bánh tét chiên giòn. Những lúc đó, chỉ có cái bếp lửa nhỏ và mấy cái đầu lúp xúp vào nhau mà bình yên đến lạ.
Tôi bị chúng bạn học cùng chọc quê vì tính hà tiện của má. Chúng bảo anh em tôi giành cặn với heo, đến cả đồ thừa cũng không bỏ. Tôi từng lao vào đánh nhau với chúng đến tét đầu để bảo vệ má. Vậy mà về đến nhà, má lại rầy tôi rồi bảo nếu có lần sau má sẽ đánh thêm vài cây nữa. Mà chắc đám bạn học của tôi nói đúng bởi người ta nói heo mập nhờ cặn, nên anh em chúng tôi cứ thế mà lớn lên mạnh cui cui, da thịt chắc nịch.
Rồi anh em chúng tôi lớn dần lên theo năm tháng với đôi chân rộng dài nơi phố thị. Má vẫn ở lại mái nhà xưa với những chiếc nia phơi chi chít trên mái nhà. Mỗi lần tôi về quê, má lại mang mớ cơm nguội phơi khô ra ngào đường. Hương vị vẫn như xưa, chỉ khác bên bếp lửa đã thưa vắng bớt những cái đầu chụm vào nhau.
Tôi nói má đừng phơi cơm nguội nữa. Má cười bảo, má phơi cho mấy đứa trẻ trong xóm. Tụi nó thích món này như bây hồi xưa vậy. Giờ đây, má thường ngào đường với cơm nguội phơi khô cho lũ trẻ trong xóm như cách để má đỡ nhớ đàn con còn ôm giấc mơ hải hồ nơi phố thị. Bếp lửa ngày xưa, má vẫn ngồi với những vụn vặt đời thường, tôi nói má ngào hết mớ cơm nguội còn trong hũ để tôi mang lên chia cho mấy anh mấy chị. Rời nhà, tôi ôm chặt keo cơm nguội ngào đường vào lòng như mang theo cả tấm lòng của má. Đoạn đường đi dường như trở nên khó bước, má vẫn còn ở lại nơi thuộc về má với những chiếc nia, chai lọ, rau ốc vườn nhà, còn chúng tôi thì vẫn chưa dừng lại…
NGUYỄN CHÍ NGOAN