.

T.T.Kh. và bí ẩn của "Sắc hoa ti gôn"

Cập nhật: 11:17, 30/11/2018 (GMT+7)

Trong những giai thoại của văn chương Việt, ly kỳ, bí ẩn nhất có lẽ vẫn là giai thoại về tác giả T.T.Kh. Với gia tài sáng tác chỉ gồm có 4 bài thơ nhưng suốt gần 1 thế kỷ trôi qua, cái tên T.T.Kh. đến nay vẫn luôn gợi nên những phỏng đoán, tò mò đối với người yêu thơ. Vậy T.T.Kh. là ai? Những bài thơ của tác giả này gửi gắm điều gì đã khiến văn đàn xôn xao, báo chí phải hao tổn bao nhiêu giấy mực mà vẫn chưa tìm được một kết luận chính xác nhất? Và hoa ti gôn (Loài hoa được ái mộ từ một trong 4 bài thơ của T.T.Kh.) là loài hoa như thế nào mà đã trở thành biểu tượng lãng mạn cho những mối tình tan vỡ?

Câu chuyện T.T.Kh bắt đầu vào tháng 7-1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy đăng một truyện ngắn mang tên Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu. Nội dung câu chuyện kể về cuộc tình đơn phương của một họa sĩ trẻ với cô thiếu nữ con nhà danh giá thường ra ngắm trộm hái hoa ti gôn bên thềm nhà. Sau một thời gian xa cách, khi họa sĩ đã trở nên nổi tiếng, hai người tình cờ gặp lại nhau trong buổi dạ tiệc, cô gái năm xưa giờ đã có chồng môn đăng hộ đối nhưng cuộc hôn nhân quá tẻ nhạt, buồn bã. Qua những lần gặp gỡ để họa sĩ vẽ chân dung, người thiếu phụ đã đáp lại lời tỏ tình của chàng, tình cảm ngày càng gắn bó và hai người quyết định trốn sang Nhật chung sống. Họa sĩ về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc thì nhận được thư người tình vào giờ chót. Nàng từ chối chuyến đi vì không đủ can đảm vượt qua tất cả. Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Chàng nhìn những nụ hoa hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu, lặng lẽ hôn lên những cánh hoa và khóc. 4 năm sau, một hôm chàng nhìn thấy trên bàn mình một phong thư viền đen. Mở ra xem thì đó là của người chồng nàng báo tin nàng đã chết. Chàng đã đến nơi, đặt lên mộ nàng dây hoa quen thuộc. Từ đó, chàng họa sĩ luôn mua hoa ti gôn về đặt trong phòng mình.

Hoa ti gôn (antigone – tiếng Pháp) là loại hoa dây đẹp, không thơm, có hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu trắng và hồng. Ở miền Nam gọi là hoa nho vì lá giống lá nho. Tác giả mượn ý màu trắng là màu trinh bạch, ngây thơ khi nàng còn nhỏ dại, và hồng là màu mà nàng phải trải qua những sự đau khổ trong tình trường khi con tim tan vỡ... Được biết, nhà văn Thanh Châu, khi viết truyện ngắn này mới 25 tuổi, vừa bước vào nghiệp văn chương. Bản thân nhà văn cũng vừa trải qua một chuyện tình buồn.

2 tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Có phụ nữ còn trẻ, đôi mắt u buồn, mang đến tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy một phong bì dán kín, gửi cho ông chủ bút, trong có bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, ký tên T.T.Kh. Khi thiếu phụ đi rồi, tòa soạn xem thơ nhận thấy thi phẩm ghi lại cảnh tình đáng thương tâm, nhưng người ta chỉ nhớ lờ mờ hình ảnh thiếu phụ kia. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ này xuất hiện. Bài thơ được đăng ngay trên số báo 179, ngày 30-10-1937. “…Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/Trời ơi! người ấy có buồn không?/Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ/Tựa trái tim, phai tựa máu hồng...?” (Hai sắc hoa ti gôn -T.T.Kh.). 20 ngày sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa: Bài thơ thứ nhất - T.T.Kh. (đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 182, ngày 20-11-1937). “…Ở lại vườn Thanh có một mình/Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh/Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo/Yêu bóng chim xa nắng lướt mành/Và một ngày kia tôi phải yêu/Cả chồng tôi nữa lúc đi theo/Những cô áo đỏ sang nhà khác/Gió hỡi! Làm sao lạnh rất nhiều?...”.

Khoảng chưa đầy một năm sau, tạp chí Phụ nữ thời đàm (23-7-1938)  đăng bài thơ Đan áo cho chồng. Bài thơ vừa đăng thì lại có thêm “Bài thơ cuối cùng” được gửi tới Tiểu thuyết thứ bảy (đăng trên số báo 217 ngày 30-10-1938). Cả thảy trước sau có 4 bài cùng ký tên: T.T.Kh. Rồi từ đó, các báo không còn nhận thêm bài thơ nào của tác giả này nữa. Sự biến mất hoàn toàn của tác giả thơ đã gây nên một cơn sốt trên thi đàn Việt ngày ấy nhưng có lẽ điều quan trọng hơn, đó chính là sự diễm tình, bi lụy trong những áng thơ của T.T.Kh. đã thực sự lay động trái tim người đọc. Năm 1942, nhà xuất bản Thi nhân Việt Nam lần đầu tiên, T.T.Kh đã được đưa vào tập sách quan trọng này. Có quan điểm cho rằng, 4 bài thơ của T.T.Kh. có thể xếp vào hàng kiệt tác của văn chương Việt, nhưng cũng có người đánh giá những bài thơ này chỉ coi là những dòng tâm sự ruột gan về tình duyên ngang trái, một hồn thơ góp mặt trong phong trào Thơ Mới (1930–1945). Lời thơ của T.T.Kh day dứt, tự sự về một cuộc tình buồn, rất phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của nhiều tiểu thư, công tử thời đó, ảnh hưởng phần nào tư tưởng lãng mạn, cách tân của phương Tây nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến:

“Tháng ngày miễn cưỡng em đan/Kéo dài một chiếc áo len cho chồng/Như con chim nhốt trong lồng/Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao!/Ngoài trời mưa gió xôn xao/Ai đem khoá chết chim vào lồng nghiêm?/Ai đem lễ giáo giam em?/Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời...”(Đan áo cho chồng - T.T.Kh.)

Chính sự trùng hợp giữa truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu và những bài thơ của T.T.Kh đã khiến mọi sự nghi ngờ đều tập trung vào những mối quan hệ xung quanh nhà văn. Nhưng rồi cho đến giây phút cuối đời của nhà văn Thanh Châu bên giường bệnh vào ngày 8-5-2007, cũng không ai được biết bí mật về T.T.Kh. có phải là bà Trần Thị Vân Chung người yêu cũ của nhà văn không. Lại cũng có “nghi vấn” T.T.Kh. là một nam nhi nào đó ẩn mình để nói hộ lòng ai đó. Trong số những “nghi can” có hai nhà thơ nổi tiếng là Thâm Tâm và Nguyễn Bính. Độc giả tưởng như đã lần ra được tung tích của con người kỳ lạ này nhưng sự thực không phải như vậy. Bản thân Thâm Tâm, Nguyễn Bính chưa bao giờ có phát biểu chính thức nhận mình là T.T.Kh. Vì thế, tuy người kể là người có uy tín trong làng văn làng báo nhưng độc giả vẫn thấy mơ hồ khó tin. Việc tìm kiếm con người thật của T.T.Kh. thành ra vẫn rơi vào vòng lẩn quẩn trong bao nhiêu năm.

“… Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ!/Một mùa thu cũ, một lòng đau.../Ba năm ví biết anh còn nhớ/Em đã câm lời có nói đâu!/Ðã lỡ, thôi rồi! Chuyện biệt ly/Càng khơi càng thấy luỵ từng khi/Trách ai mang cánh “ti-gôn” ấy/Mà viết tình em, được ích gì?” (Bài thơ cuối cùng - T.T.Kh.)

Theo tôi, còn một nguyên nhân nữa, có lẽ: tác giả T.T.Kh. không hề màng đến lợi danh của bản thân, mà lặng lẽ sáng tác, lặng lẽ dâng tặng, lặng lẽ rút lui - điều này thật hiếm hoi của giới văn sĩ thời nào cũng thế, cho nên dù gia tài chỉ vỏn vẹn 4 bài thơ, T.T.Kh. vẫn tạo thành một lực hút, một phong vị riêng biệt, mãi sau này vẫn còn có nhiều người ảnh hưởng khá sâu sắc trong sáng tác. Tác giả Hoàng Tiến viết trên báo Nhân dân Chủ nhật số 23 tháng 7-1989:  “Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được chút vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ. T.T.Kh. viết 4 bài, đã gây được vang hưởng. Thơ hay đâu cần nhiều!”.

Cho dù T.T.Kh. sự thật là ai, điều ấy có thực sự quan trọng nữa không? Khi những áng thơ của người ấy đã thực sự đi vào lòng bao thế hệ người đọc, trở thành một trong những giai thoại đẹp nhất của văn đàn Việt, nó cũng cho thấy phần nào sức hấp dẫn của người nghệ sĩ: Không cần quá phô trương, quá ồn ào về bản thân. Chính Tác phẩm của họ đã phần nào hé lộ một chân dung, một phong cách và thân phận để còn ghi dấu mãi vào trái tim người đọc.

VŨ THANH HOA

.
.
.