Lưu Quang Vũ và mùa hè cuối cùng
Nhà soạn kịch tài hoa Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch Việt Nam. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi internet chưa xuất hiện, phim ảnh vẫn còn khá hiếm hoi, kịch là bộ môn nghệ thuật được yêu thích của hầu hết người dân Việt Nam, trong đó các tác phẩm của Lưu Quang Vũ xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, trên sóng phát thanh, truyền hình.
Vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - nhà thơ Xuân Quỳnh. |
Ở nông thôn miền Bắc ngày ấy, hình ảnh rất quen thuộc là mỗi tối thứ Bảy, bà con chòm xóm lại ngồi vây quanh một cái radio nhỏ xíu để nghe chương trình “Kể chuyện cảnh giác” và đợi chương trình “Sân khấu truyền thanh”. Và mỗi khi có một đoàn kịch về quê lưu diễn thì đó như một ngày hội lớn với người dân.
Sân khấu kịch hồi đó có sức hút lớn như vậy phần lớn là nhờ các tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Ước tính, trên đài phát thanh cứ 3 vở kịch ấn tượng thì đến 2 vở là của Lưu Quang Vũ. Ở các nhà hát tại các địa phương trong cả nước, nhiều đêm có tới 40-50 vở kịch của Lưu Quang Vũ được diễn cùng lúc. Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, Lưu Quang Vũ đã cho ra đời hơn 50 vở kịch và hầu hết đều gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Ngay cả đến bây giờ, những vở kịch như: Điều không thể mất, Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Bệnh sĩ, Mùa hạ cuối cùng (viết về thi cử)… vẫn không hề mất đi giá trị. Các tác phẩm vang danh một thời ấy vẫn đang được công chúng thời nay đón nhận.
Ngoài tài năng, thì mối tình của cặp vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cũng khiến họ nổi tiếng hơn. Đây là mối tình mà nhiều năm qua vẫn được nhiều người nhắc đến. Trước khi trở thành nhà viết kịch, Lưu Quang Vũ đã là một nhà thơ, trong đó nhiều bài được rất nhiều người mến mộ và chép lại vào sổ tay. Nhưng khi đến với Xuân Quỳnh, ông lại đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời: Hôn nhân đổ vỡ, tình yêu, niềm tin bị phản bội, công việc, sự nghiệp bấp bênh. Trong khi đó, tài thơ của Xuân Quỳnh mới vừa tỏa sáng và hào quang của một diễn viên múa xinh đẹp vẫn còn lấp lánh. Ngoài ra, Lưu Quang Vũ lại còn gọi Xuân Quỳnh là cô vì Xuân Quỳnh chơi với cha của ông và hơn Lưu Quang Vũ 8 tuổi (có tài liệu nói 6 tuổi). Nhưng họ đã bất chấp tất cả để được sống, chết bên nhau và tình cảm họ dành cho nhau qua những bức thư, những bài thơ tình đã trở thành những bài ca tình yêu bất tử.
Năm 1973, họ kết hôn, đến năm 1979, Lưu Quang Vũ mới chính thức trở thành nhà viết kịch với vở đầu tay “Sống mãi tuổi 17”. Phải chăng áp lực của cuộc sống với một gia đình “con anh, con em, con chúng ta” và tình yêu với người vợ tần tảo luôn “Hiểu nỗi anh lo, cả những điều tội lỗi/Vẫn bao dung như biển lớn yên lành” đã khiến Lưu Quang Vũ gác những vần thơ và trái tim “Người trai phiêu bạt ưa làm những chuyện điên rồ” để tập trung vào sáng tác kịch. Để rồi từ đó, ông đã đạt những thành công mà ở Việt Nam, trước ông không ai làm được và sau ông cũng khó ai có thể vượt qua. Có thể nói, không phải những bài thơ hay nhất Lưu Quang Vũ đều dành tặng Xuân Quỳnh nhưng nếu không có Xuân Quỳnh, chúng ta sẽ không có gia tài kịch đồ sộ của Lưu Quang Vũ.
Những vở kịch đã mang đến thành công vượt trên cả sự mong đợi của những người từng biết và khâm phục tài năng thơ của Lưu Quang Vũ. Chúng khiến cho công chúng ngày càng yêu mến, hâm mộ Lưu Quang Vũ hơn. Kịch Lưu Quang Vũ là đề tài nóng bỏng, thu hút sự chú ý của tuyệt đại đa số công chúng yêu văn chương, nghệ thuật. Để đáp lại sự yêu mến đó, mấy năm trời Lưu Quang Vũ phải đánh vật với các đơn đặt hàng, làm việc cật lực đến quên ăn, quên ngủ. Chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi bước vào sân khấu cho đến khi nằm xuống, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch, hầu hết đã được dàn dựng, chưa kể hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bài báo...
Nhìn lại khối lượng tác phẩm đồ sộ của Lưu Quang Vũ, ai cũng phải kinh ngạc. Bạn bè, đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình còn kinh ngạc hơn bởi họ biết, ngoài công việc thì Lưu Quang Vũ cũng như Xuân Quỳnh còn phải lo rất nhiều chuyện từ con cái, cha mẹ, anh em, bạn bè, bệnh tình tới công việc ở cơ quan và cả những thiếu thốn trong thời kỳ bao cấp nữa.
Mùa hè năm 1988, bác sĩ thông báo Xuân Quỳnh bị bệnh tim rất nặng, chỉ có thể sống được vài ba năm nữa. Điều này làm Lưu Quang Vũ rất buồn phiền, lo lắng. Mỗi câu chữ trong “Bài thơ viết trên máy bay cho Quỳnh” đã thể hiện điều đó. Chính vì bệnh tình của Xuân Quỳnh mà Lưu Quang Vũ đã quyết định đưa cả gia đình đi nghỉ mát ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và chiều 29-8-1988 trên đường về nhà, một tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của hai tài năng lớn trong nền nghệ thuật Việt Nam, cùng người con chung duy nhất của họ. Đó quả là tổn thất vô cùng to lớn, không chỉ với bạn bè người thân mà với cả công chúng yêu văn chương nghệ thuật. Càng về sau, khi xem, nghe lại những vở kịch của Lưu Quang Vũ, khán, thính giả càng ý thức được rằng mình đã mất một tài năng lớn.
Năm 2018 này vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 70 cũng là kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ. Thời gian đã làm nguôi ngoai những nỗi đau, nhưng những tư tưởng lớn lao trong các vở kịch mà Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta sẽ còn sống mãi với thời gian.
AN AN