Ký ức tháng Tám
Trong mỗi đời người, ai cũng lưu lại những ký ức đánh dấu những bước trưởng thành của mình như ký ức tuổi thơ, ký ức đời lính… Trong mỗi dân tộc cũng có những ký ức lịch sử như những cột mốc đánh dấu những chặng đường phát triển đất nước. Cách mạng tháng Tám chính là một cột mốc quan trọng: Lật đổ chế độ áp bức, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đầu thu tháng Tám, tôi trở lại Thủ đô Hà Nội. Tôi trở lại Quảng trường Nhà hát lớn, Bắc Bộ Phủ mà ngỡ như còn nghe nhịp điệu rộn ràng dòng người cuồn cuộn hát vang đổ về đây. Và sắc đỏ lá cờ đỏ sao vàng tung bay hồ hởi như nhịp tim của bao người. Tôi vẫn còn nghe âm vang nhịp hát nhịp đi mang theo cả hào khí ngàn năm đất Việt, những con người Việt trong ca khúc “19 tháng 8” của nhạc sĩ Xuân Oanh: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày - Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai - 19 tháng 8 khi quốc dân căm hờn kêu thét - Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung”.
Lời ca cũng là lời hiệu triệu thôi thúc mọi người, giục giã mọi người đứng lên chặt đứt gông xiềng, xua tan bóng đêm nô lệ. Cũng như nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản với ống kính thô sơ của mình đã kịp thu vào những khuôn hình lịch sử. Có lẽ phải sống trong thời điểm ấy, không khí ấy, các nghệ sỹ và nhạc sỹ mới thăng hoa, bắt được không khí rộn ràng ngày hội lịch sử của đất nước. Nói như nhà thơ Nguyễn Đình Thi là cả đất nước “Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”. Từ trong lầm than nô lệ bị áp bức, toàn dân đã đứng dậy làm cuộc cách mạng long trời lở đất. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược cùng chung sức đồng lòng. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Cách mạng tháng Tám là mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, sinh ra nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, làm thay đổi cuộc đời biết bao người. Với sức mạnh chuyển đổi to lớn, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn là nguồn cảm hứng thi ca dào dạt với khí thế cuộn trào: “Bắc Trung Nam khắp ba miền - Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay” (Tố Hữu).
Lá cờ đỏ sao vàng chính là hình ảnh một nước Việt Nam mới, là ánh sáng của non sông trong kỷ nguyên độc lập tự do, là khát vọng ấm no, hạnh phúc của dân nghèo. Đó cũng là tính chất của cuộc cách mạng là sự vùng lên của những người cần lao đã được Đảng giác ngộ: “Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc - Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng” (Ngọn quốc kỳ - Xuân Diệu).
Tháng Tám về trong sắc trời thu hòa lẫn tươi thắm thêm sắc lúa non tơ đang thì con gái. Một sức sống tròn căng. Ta như được nghe cả mạch đất rì rào về cội nguồn xứ sở. Trở lại Tân Trào những ngày này, đứng giữa thủ đô gió ngàn, thủ đô kháng chiến, tôi vẫn còn bồi hồi khi hình dung ra những ký ức không thể nào quên trong năm tháng ấy. Đây là cái nôi của cách mạng Việt Nam, là “Thánh địa” an toàn của Đảng và Nhà nước trong những ngày đầu cách mạng. Tại đây, ngày 16-8-1945 đã diễn ra Quốc dân đại hội ở ngôi đình Hồng Thái. Cây đa Tân Trào là địa điểm làm lễ xuất quân của đội quân giải phóng tiến về Hà Nội giải phóng thủ đô.
Và sáng thu này, tôi nghe trong tiếng gió rì rào xanh mướt của tán cây, tán lá của “Tiếng suối trong như tiếng hát xa…” lại càng nhớ hình ảnh vị lãnh tụ “Cha già” của dân tộc. Mỗi ngọn cỏ và cành cây ở đây đều in bóng dáng bước chân của Người với một tâm hồn thi nhân dào dạt. Nhớ sao hình ảnh người nhạc trưởng đi dép lốp cao su bình dị đứng bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”. Đó cũng là người thuyền trưởng lái con thuyền cách mạng vượt qua bao sóng gió đến bến bờ vinh quang. Đó cũng chính là người nhạc trưởng đã bắt nhịp cho bản giao hưởng “Bài ca cách mạng tháng Tám” với bao cung bậc huy hoàng.
Âm vang những ngày ấy đang kết nối, lan tỏa sức mạnh cho những ngày hôm nay từ mạch nguồn cách mạng mùa thu tháng Tám…
NGUYỄN NGỌC PHÚ