.
TẢN VĂN

Trong ráng chiều tháng Bảy

Cập nhật: 16:10, 20/07/2018 (GMT+7)
Ảnh: TƯ LIỆU
Ảnh: TƯ LIỆU

Có một câu thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh viết về “Mẹ” cứ ám ảnh tôi mãi: “Nắng đã chiều vẫn muốn hắt tia xa...”. Những ngày tháng Bảy tôi thường nhìn lên bầu trời. Mây tháng Bảy có gì ngổn ngang màu bạc xốp, bạc trắng ngỡ như bềnh bồng mà giấu sau mình những cơn giông âm ỉ cuối chân trời. Rồi bất chợt bùng nổ những cơn mưa rào thảng thốt sau tiếng sấm ì ầm chớp gạch. Hình như thiên nhiên cũng đồng cảm với lòng người khi tháng Bảy về trong lòng ta vời vợi bao nhớ thương những người đã khuất.

Có một ngày tháng Bảy thiêng liêng dành riêng cho các anh hùng liệt sĩ đã về yên nghỉ trong lòng đất, dành riêng cho các thương, bệnh binh đã dâng hiến một phần máu thịt của mình cho đất nước.

Tự nhiên trong tôi vang vọng thiết tha bài hát “Màu hoa đỏ”: Có người lính ra đi từ đó không về... Ôi cái màu hoa chang chói cho ta hình dung ánh lửa chớp lóe sáng một thời nơi chiến trận. Và máu đào các anh đã thấm vào đất đai Tổ quốc - Tổ quốc bây giờ thiêng liêng máu thịt. Tôi lại nhớ đến giai điệu thiết tha, thảng thốt của nhạc sĩ Trần Tiến khi ông nhận ra: “Vết chân tròn trên cát”. Cái vòng tròn nhỏ bé ấy cứ xoáy vào tâm can day dứt. Cậu bé thần đồng thơ Trần Đăng Khoa cũng đã có lần phát hiện cái vòng tròn như hai hàng lỗ đáo ấy như “Nhận ra cái chưa hoàn hảo của cuộc đời mình...”.

Dọc Trường Sơn, khe suối vẫn chập chờn bướm trắng nhiều mộng mị, đom đóm vẫn lập lòe “vừa bay vừa giật mình”. Còn có bao hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy được đã nhập vào hồn cây, ngọn suối, hóa thân thành mây trắng cuối trời.

Trong ráng chiều tháng Bảy hình như trời cũng oi bức hơn, không gian như nén lại. Cơn giông của chiến tranh đi qua nhưng vẫn còn đó những cơn giông trong vất vả cuộc sống đời thường. Những cơn sốt rét vẫn âm ỉ trong cơ thể bào mòn từng tế bào, từng hồng cầu của bao người lính từng xông pha nơi chiến trường. Vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời dù không còn những cơn báo động. Các anh trở về trong vòng tay yêu thương của cộng đồng. Những mái nhà tình nghĩa được dựng lên. Những kèo những cột đan giằng vào nhau để nương tựa, để chia sẻ, vun đắp những niềm hạnh phúc nho nhỏ. Từ tiếng trẻ học bài đến tiếng ho khuya khoắt của cha. Từ mái rạ ấm thơm cơm gạo mới đến sum vầy đàn gà lục tục, nhặt thóc mổ nắng giữa sân nhà.

Trong ráng chiều tháng Bảy, bao ký ức hiện về với những hiện vật đời lính. Đó là chiếc ba lô con cóc lỗ chỗ vết đạn một thời thấp thỏm trên lưng. Đó là cánh võng dù chung chiêng với cảm giác “nằm trên võng cứ thèm nghe tiếng võng”. Đó là chiếc bi đông bị móp méo cho ta hình dung bao cơn khát giữa rừng. Tất cả đều vun lên trong ta những nỗi nhớ ấp đầy như mây khói. Có chút gì cay cay khoé mắt. Có chút cồn cào gan ruột. Rồi lắng đọng nhuộm vào ráng chiều cái màu nắng ngút ngàn cuối ngày rừng rực đan xen bao gam màu cung  bậc. Được và mất, cho và nhận. Những chùm sấm non âm âm vọng lại báo hiệu cơn mưa bất ngờ giữa mùa hạ nắng gắt làm tốt tươi bời bời ruộng lúa đang trổ đòng của thì con gái. Cơn mưa ơn nghĩa, mưa đền cây, mưa thổn thức...

Trong ráng chiều tháng Bảy bỗng hắt lên nền trời sắc cầu vồng lung linh kỳ diệu. Ánh cầu vồng giao thoa nỗi niềm đan xen bao tâm trạng. Cầu vồng tháng Bảy chính là sự hồi quang hồi sinh của sự hy sinh mất mát. Cầu vồng ảo ảnh nhưng để lan tỏa một khát vọng, một  ước ao, một bày tỏ, một nỗi da diết của những người đã ngã xuống nói với người đang sống hôm nay. Và ta lại nghĩ nhiều về Mẹ, về dáng lưng còng về mái tóc bạc gió sương. Mẹ chính là người thắp lửa, nhóm lửa, truyền lửa và giữ lửa từ đầm ấm miếng trầu từ bếp lửa nhà mình dõi theo bước chân con đi qua bao chiến trận.

Ráng chiều chính là nỗi lòng của mẹ nhóm lên trong thương nhớ vô cùng. Tháng Bảy ơi!

NGUYỄN NGỌC PHÚ

.
.
.